​Phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Trong những năm qua, sản xuất nông nghiệp của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định. Tỷ trọng giá trị sản xuất NLTS chuyển dịch đúng hướng trong tổng GRDP toàn tỉnh, giảm từ 10,59% năm 2021 xuống còn 9,6% năm 2023. Nhờ có những lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên thuận lợi mà ngành nông nghiệp của tỉnh có sự phát triển tích cực, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới; phát triển đa dạng về sản phẩm, sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng và toàn ngành nông nghiệp tỉnh.
Việc ứng dụng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được tỉnh chú trọng và các ngành, địa phương triển khai thực hiện thông qua các kế hoạch, chương trình, đề án, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp hằng năm; đặc biệt năm 2020, đã được Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đưa nhiệm vụ “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp theo hướng hữu cơ gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 để thực hiện, đồng thời được cụ thể hóa thông qua Kế hoạch số 110-KH/TU ngày 31/12/2021 của BCH Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 208/KH-UBND ngày 30/9/2022 của UBND tỉnh, với 11 chỉ tiêu và 5 nhiệm vụ, giải pháp thực hiện đến năm 2025. Với định hướng đó, một số kết quả nổi bật như:
Công tác quy hoạch đã được rà soát xác định không gian, định hướng phát triển các vùng sản xuất trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, làm cơ sở bố trí nguồn vốn đầu tư công, kêu gọi, thu hút đầu tư vào nông nghiệp gắn định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp bền vững, với 321 vùng sản xuất tập trung quy mô 95 ngàn ha, 10 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 11,8 ngàn ha.
Kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung được quan tâm đầu tư gắn với mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, cơ bản đồng bộ và đáp ứng yêu cầu phục vụ sản xuất, chế biến, vận chuyển hàng hoá nông sản của người dân, doanh nghiệp, nhất là hệ thống giao thông nội đồng, điện sản xuất, thuỷ lợi. Hiện nay, 100% (805 km) đường trục chính nội đồng được nhựa hóa, bê tông hóa, cứng hoá, cùng 139 công trình thuỷ lợi đang hoạt động, phục vụ tưới, tiêu cho cho 26 ngàn ha.
Các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được cụ thể hoá và triển khai thực hiện như: hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Quyết định số 35/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh; chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp theo Nghị định số 55/2015/NĐ-CP; hỗ trợ liên kết sản xuất theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; chính sách khuyến nông theo Nghị quyết số 10/2020/NQ-HĐND của HĐND tỉnh; hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và VietGAP theo Nghị quyết số 05/2023/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và Quyết định số 31/2021/QĐ-UBND của UBND tỉnh.
Đối với trồng trọt: 100% diện tích trồng mới và tái canh đã sử dụng các giống mới, giống có chất lượng cao; ứng dụng tưới nước tiết kiệm trên cây trồng 79 ngàn ha, chiếm 48,77% diện tích sản xuất nông nghiệp chủ lực của tỉnh, tăng 21.307 ha so với năm 2021; 10 cơ sở sản xuất giống chuối cấy mô; 3002,5 ha cây trồng chủ lực của tỉnh đạt chứng nhận sản xuất nông nghiệp tốt, tăng 1.367,5 ha so năm 2021; thiết bị bay không người lái phun thuốc đối với diện tích lúa, chuối, sầu riêng được nhiều HTX và THT ứng dụng; 149 ha cây trồng ứng dụng công nghệ nhà màng, nhà lưới; bước đầu ứng dụng công nghệ Internet vạn vật (IoT),… Toàn tỉnh có 189 mã số vùng trồng xuất khẩu với gần 28 ngàn ha và 93 cơ sở đóng gói được cấp mã số phục vụ xuất khẩu sang thị trường: Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Australia, New Zealand,…
Chăn nuôi: 65% đàn heo, 49% đàn gà được chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao. Khoảng 27,5% trang trại chăn nuôi sử dụng chuồng lạnh; duy trì 05 vùng an toàn dịch bệnh, 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh; 125 trang trại, 07 tổ hợp tác chăn nuôi đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAHP, cung cấp ra thị trường 88,1 ngàn tấn thịt heo/năm, 32,2 ngàn tấn thịt gà/năm 283,2 triệu quả trứng/năm. Ứng dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi giúp cải thiện tiêu hóa, tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi và xử lý môi trường, giảm mùi hôi, khí độc trong chuồng nuôi, xử lý chất thải hữu cơ trong chăn nuôi làm phân bón sử dụng cho cây trồng.

phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 6.jpg 
Trang trại chăn nuôi gà công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Nuôi trồng thủy sản: mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng ứng dụng công nghệ cao (CPF Combine) tại huyện Nhơn Trạch tiếp tục được nhân rộng với quy mô 171 ha, tăng 30 ha so với năm 2021 (lợi nhuận bình quân khoảng 600 - 800 triệu đồng/ha/năm). Duy trì 14 vùng nuôi thủy sản đạt chứng nhận VietGAP với quy mô 401,75 ha. Tổng giá trị sản phẩm thủy sản chủ lực áp dụng công nghệ cao đạt 430 tỷ đồng, chiếm 15,6% tổng giá trị sản phẩm thủy sản chủ lực toàn tỉnh. Lâm nghiệp có hơn 2.100 ha rừng trồng sản xuất kinh doanh gỗ lớn, 11.342,06 ha rừng đạt chứng chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn FSC gắn với thực hiện liên kết sản xuất, thu mua, chế biến gỗ, tăng 3.600 ha so với năm 2021.
  phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hình 3.jpgphát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 4.jpg

Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm canh theo quy trình 2 giai đoạn tại huyện Nhơn Trạch

Toàn tỉnh hình thành 419 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích khoảng 37 ngàn ha. Loại hình công nghệ cao được ứng dụng nhiều hiện nay, gồm: giống, công nghệ tưới tự động, bán tự động; thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; sản xuất trong nhà lưới, nhà màng; trồng cây trên giá thể; công nghệ chuồng lạnh kết hợp chăn nuôi bán tự động và công nghệ nuôi tôm siêu thâm canh. Phát triển nông nghiệp hữu cơ được tập trung triển khai. Đến nay, đã hình thành 15 vùng sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ với 1,5 ngàn ha và 09 mô hình được chứng nhận hữu cơ, diện tích 28,7 ha. Ngoài ra, có 107 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, với 866 ha cây ăn quả, rau màu, tăng 626 ha so năm 2021.
   phát triển nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 1.jpg
Các đại biểu, cơ sở sản xuất nông lâm thủy sản trao đổi thảo luận tại Hội nghị trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao ngày 29/8/2024

Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, còn một số khó khăn, hạn chế trong phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, như: các công nghệ được áp dụng trong sản xuất có hàm lượng khoa học công nghệ chưa cao; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn lực khá lớn để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, giống, thiết bị, máy móc, công nghệ, đào tạo nhân lực, xây dựng và nhận diện thương hiệu; việc tiếp cận chính sách ưu đãi về đất đai, tài chính, tín dụng còn khó khăn; Áp lực đô thị hóa và tốc độ   phát triển công nghiệp ảnh hưởng vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao, … Để triển khai thực hiện có hiệu quả sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ, cần tập trung một số nhiệm vụ, giải pháp:
(i) Tăng cường công tác thông tin, tuyền truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân về sự cần thiết, tầm quan trọng của việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Nhà nước để doanh nghiệp, người dân nắm đồng thuận trong quá trình thực hiện. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
(ii) Trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất cấp huyện, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; Tập trung nguồn lực triển khai 03 phương án (Phương án phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững, Phương án Phát triển hạ tầng thuỷ lợi – Phòng chống thiên tại và Phương án Phát triển kinh tế - xã hội các địa phương), trong đó chú trọng ưu tiên đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng các vùng sản xuất tập trung (thủy lợi, giao thông nội đồng, điện, kho bãi sơ chế, bảo quản nông sản,...),…thúc đẩy kêu gọi đầu tư vào 10 vùng quy hoạch sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được quy hoạch.
(iii) Triển khai hiệu quả Luật Đất đai năm 2024; hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tiếp cận nguồn lực đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp tập trung; sớm cụ thể hóa quy định về xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật trên đất nông nghiệp nhằm tạo điều kiện để tạo điều kiện thuận lợi và thu hút các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các dự án phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, gắn với sơ chế, chế biến nông sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu nhập cho người dân nông thôn.
(iv) Tập trung triển khai 11 chỉ tiêu, 5 nhiệm vụ đề ra tại Kế hoạch số 110-KH/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 208/KH-UBND của UBND tỉnh; trong đó, chú trọng thực hiện có hiệu quả: Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững và các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung và chính sách hỗ trợ về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ nói riêng.
(v) Đẩy mạnh ứng dụng và nhân rộng mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ cao, tuần hoàn; khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống năng suất và chất lượng cao, đặc sản của địa phương, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững.
(vi) Thúc đẩy thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, trước mắt tập trung: số hóa, chuẩn hóa cơ sơ dữ liệu của ngành về phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của cơ quan Nhà nước và sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; phát triển, nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hàm lượng công nghệ số có hiệu quả trên địa bàn tỉnh. Tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản, phát triển nông nghiệp theo chuỗi liên kết bền vững.
Quang Tuyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​