​Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai

Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Hình thức này đảm bảo cho các tác nhân tham gia trong chuỗi giá trị chia sẻ quyền lợi, trách nhiệm với nhau, điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Việc liên kết sản xuất gắn với chế biến tiêu thụ theo chuỗi giá trị hiện nay đang là xu thế tất yếu.
Theo Nghị định số 98/2018/NĐ- CP ngày 5/7/2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thì “Liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp là hình thức liên kết trong sản xuất nông nghiệp theo chuỗi từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”.
Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 09/02/2021 cũng đã xác định mục tiêu chung là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với điều kiện tự nhiên, trình độ, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp và yêu cầu của thị trường.
Hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm là hướng đi tất yếu của sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai_hình 1.png
Hội nghị Liên kết chuỗi phát triển thương hiệu ngành gỗ Việt, tổ chức ngày 25/2/2022 tại Đồng Nai

Trong những năm gần đây, việc thực hiện hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của tỉnh Đồng Nai đã có những kết quả nhất định. Toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết, trong đó có 141 chuỗi trồng trọt, 44 chuỗi chăn nuôi, 5 chuỗi  thủy sản và 07 chuỗi lâm nghiệp. Trong năm 2022, toàn tỉnh có thêm 09 chuỗi liên kết được phê duyệt với diện tích hơn 500 ha. Tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết năm 2022 đạt 39,88%.
Trên địa bàn tỉnh có ba hình thức liên kết chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong chuỗi giá trị khép kín doanh nghiệp đầu tư cho nông dân thông qua HTX, thu mua chế biến sản phẩm và tiêu thụ.
Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong lĩnh vực chăn nuôi liên kết được thực hiện tương đối phổ biến, có nhiều chuỗi liên kết chặt chẽ, khép kín với quy mô lớn; điển hình như: HTX nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát liên kết Công ty De-Heus cung cấp thức ăn; các công ty cung cấp giống, thuốc thú y, và Công Ty TNHH Koyu & Unitek tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, hàng năm hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ 7,5 triệu con gà thịt. Trong lĩnh vực trồng trọt nhất là ngành hàng trái cây việc liên kết đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự liên kết thiếu chặt chẽ, do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn đến hợp đồng liên kết bị phá vỡ.
Quá trình triển khai xây dựng liên kết gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất của nông hộ nhỏ, vướng mắc trong các quy định về đất đai để xây dựng hạ tầng phục vụ sơ chế, chế biến bảo quản nên không thu hút được doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp có tiềm lực, có thị trường liên kết với  nông dân để hình thành vùng nguyên liệu đủ lớn, có thể đầu tư và ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao để tối đa hóa hiệu quả sản xuất. Các hợp tác xã chưa đủ khả năng tổ chức, quản lý, khâu sản xuất trong điều kiện sản xuất phân tán. Hộ nông dân chưa thực sự nhận thức được sự cần thiết và lợi ích khi tham gia liên kết, không thực hiện đúng cam kết với đối tác, thường tính toán đến lợi ích trước mắt. Thị trường nông sản biến động mạnh, không ổn định do dịch COVID-19, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cộng với sự hạn chế của cả phía doanh nghiệp, HTX và người nông dân là những cản trở không nhỏ đối với quá trình xây dựng và phát triển các chuỗi liên kết ở quy mô lớn và dài hạn.
Song, với hơn 270 ngàn ha đất nông nghiệp, với 264 ngàn hộ tham gia sản xuất nông nghiệp; bình quân mỗi hộ có hơn 1 ha đất sản xuất, rất khó để phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp, theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm và có thị trường tiêu thụ ổn định; do đó trước mắt và lâu dài liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản tỉnh Đồng Nai là bước đi tất yếu. Quản lý, tổ chức và thực hiện sản xuất nông nghiệp theo chuỗi là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, không phải chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Sản xuất theo chuỗi giá trị góp phần phát triển sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm, bảo vệ thương hiệu và quyền lợi của người tiêu dùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh bền vững.
Để đạt mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, gia trại sản xuất quy mô lớn, gắn với liên kết theo chuỗi giá trị, cần triển khai thực hiện tốt đề án phát triển kinh tế tập thể hợp tác xã trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021- 2022, hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.
Theo đó, các chính sách của Nhà nước cần tập trung vào đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ HTX về kỹ năng quản trị, xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; hỗ trợ HTX tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm.
Tạo điều kiện ưu đãi, nhất là về đất đai để thu hút được các doanh nghiệp có tiềm lực về khoa học kỹ thuật, vốn, thị trường tiêu thụ đầu tư vào sản xuất nông nghiệp làm hạt nhân trong chuỗi liên kết.
Phải tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân hiểu rõ sự cần thiết tham gia chuỗi sản xuất để nâng cao ý thức tự giác chủ động thực hiện và tuân thủ quy trình sản xuất. Nắm nguyên tắc cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro giữa  các đối tác.
Trong thời gian tới, cần tiếp tục tập huấn để năng cao nhận thức về chuỗi giá trị cho người sản xuất để các mắt xích trong chuỗi liên kết không bị dứt gãy do bất hòa về lợi ích. Hỗ trợ các chủ thể liên kết chứng nhận, bảo hộ nhãn hiệu, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Kiểm nghiệm đăng ký mã số, mã vạch, tư vấn phát triển sản phẩm, xây dựng kế hoạch kinh doanh, kết nối tiêu thụ sản phẩm, đào tạo tập huấn nâng cao năng lực tổ chức sản xuất theo hợp đồng, năng lực tiếp cận hệ thống phân phối hiện đại cho các hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất.
Lê Thuật - PTNT
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​