Kết quả Khởi đầu phát triển Du lịch nông thôn huyện miền núi

Tân Phú là huyện miền núi thuộc phía Bắc tỉnh Đồng Nai cách trung tâm tỉnh 100km; phía Đông bắc giáp tỉnh Lâm Đồng, phía Đông Nam giáp tỉnh Bình Thuận, phía Tây bắc giáp tỉnh Bình Phước, phía Tây Nam giáp huyện Định Quán. Tổng diện tích tự nhiên của huyện trên 773,74 km2, chiếm 13,13% diện tích tự nhiên toàn tỉnh; có tuyến giao thông đường bộ quan trọng nối xuyên suốt, nối liên 03 tỉnh (Thành Phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Lâm Đồng), đã được nâng cấp và đạt chất lượng cao. Đây cũng là yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch gắn với phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới; tuy là huyện có điểm xuất phát thấp, song thấy rõ được vai trò của nông nghiệp, nông thôn, cùng sự cố gắng quyết tâm của toàn Đảng bộ, nhân dân, đến nay: huyện Tân Phú đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; Trong đó, có 06/17 (35%) xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Là huyện có tiềm năng về du lịch sinh thái: Có diện tích rừng Quốc gia Cát Tiên chiếm gần 30.000ha, đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển của thế giới vào năm 2001; nhiều danh lam thắng cảnh đẹp như Suối Mơ, hồ Đa Tôn, thác Hòa Bình - Chùa Linh Phú Hồ Đa Tôn, Thác Hàng ngang, Khu hang động dung nham núi lửa Hang dơi, rừng giá tỵ…;
Kết quả Khởi đầu phát triển Du lịch nông thôn huyện miền núi_hình 1.jpg
Khu du lịch Hồ Đa Tôn
 
Không chỉ tiềm năng về cảnh quan thiên nhiên, Tân Phú còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa nổi bật, là nơi sinh sống và giao thoa văn hóa của 22 dân tộc anh em sinh sống trên địa bàn cùng với những lễ hội đặc trưng của các dân tộc: Lễ hội Đâm trâu của người dân tộc Châu Mạ, S’Tiêng; lễ hội Lồng Tồng của người dân tộc Tày; lễ hội Tả Tài Phán của người Hoa…, và một số ngành nghề truyền thống (nghề đan lát, dệt thổ cẩm, làm rượu cần…). là vùng đất có lịch sử lâu đời và truyền thống cách mạng gắn liền với các cuộc kháng chiến, với các di tích văn hóa - lịch sử cách mạng đã được xếp hạng cấp tỉnh như: đền thờ Quốc tổ Hùng Vương, địa điểm ghi dấu sự kiện vượt ngục Tà Lài (địa chỉ đỏ).
Trong những năm qua, thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, gắn với khai thác thế mạnh về du lịch của địa phương, huyện đã chủ động ban hành Nghị Quyết 05-NQ/HU ngày 20/10/2016 của Ban chấp hàng Đảng bộ huyện Tân Phú về phát triển du lịch, các dịch vụ du lịch giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo và thực hiện Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; du lịch huyện Tân Phú có những bước phát triển, lượng khách đến du lịch ngày càng tăng nhanh. Từ năm 2016 đến nay, lượng khách tham quan du lịch có 1.196.400 lượt trong đó khách quốc tế 45.782 lượt, doanh thu từ du lịch đạt 268.233 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng về khách du lịch bình quân hàng năm giai đoạn 2016 -2020 tăng từ 10 - 14%/năm đạt, vượt chỉ tiêu đề ra. Tổng doanh thu từ 2016 - 2020 tăng 57%, tăng gấp 10 lần so với giai đoạn 2010 - 2015. Sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện ngày càng được đầu tư phát triển đa dạng, chất lượng dịch vụ du lịch được củng cố và nâng cao, cơ bản đáp ứng được nhu cầu và thị hiếu của du khách với các sản phẩm mới; phát triển thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng của Vườn quốc gia Cát Tiên như: Tham quan trải nghiệm vùng đất ngập nước Bàu Sấu, dã ngoại mạo hiểm xuyên rừng, tham quan, nghiên cứu văn hóa và nét độc đáo của đồng bào dân tộc bản địa, di chỉ văn hoá Óc Eo...; các dịch vụ du lịch quanh khu vực Vườn quốc gia như: resort Ochard Home, khu nghỉ dưỡng Cat Tien Jungle Lodge, khu nghỉ dưỡng Tre Xanh, TaLai Longhouse (Nhà Dài Tà Lài), Homestay Núi Tượng… Năm 2019 đón tiếp hơn 52 ngàn lượt khách trong đó 11 ngàn lượt khách quốc tế, doanh thu đạt 7 tỷ; Khu Du lịch Suối Mơ cũng đang là điểm đến hàng đầu thu hút khách du lịch đến với Tân Phú, với các loại hình dịch vụ: Khách sạn, nhà hàng, phòng hội nghị, khu cắm trại; các dịch vụ vui chơi (ô tô nước, chèo thuyền phao, bong bóng nước....mới lạ phục vụ giới trẻ. Năm 2019 Khu du lịch Suối Mơ đón tiếp hơn 435 ngàn lượt khách, doanh thu đạt trên 60 tỷ đồng.
Nhìn chung, trên địa bàn huyện có các loại hình Du lịch: Du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; nghiên cứu học tập; du lịch dã ngoại, khám phá, mạo hiểm; du lịch tình nguyện (trồng cây phục hồi rừng, bảo vệ môi trường…); du lịch từ thiện; du lịch hội thảo, hội nghị; du lịch chuyên đề...; cùng 68 cơ sở lưu trú gồm 836 buồng, phòng (trong đó có hơn 15 cơ sở tương đương 321 phòng đạt chất lượng phục vụ khách du lịch); hơn 50 quán ăn, 10 nhà hàng; 5 điểm du lịch và 13 cơ sở dịch vụ vận tải khách du lịch cơ bản đáp ứng nhu cầu du lịch của du khách trong và ngoài nước khi đến với huyện Tân Phú.
 Kết quả Khởi đầu phát triển Du lịch nông thôn huyện miền núi_hình 2.jpg
Khu du lich Suối Mơ
 
Bên cạnh những kết quả khởi đầu rất có ý nghĩa của mô hình du lịch nông thôn đối với xây dựng phát triển nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế, xã hội của huyện nói chung. Hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn huyện, còn những khó khăn, tồn tại, hạn chế:
(1) Công tác quy hoạch phát triển du lịch, tuy đã được định hướng, song mức độ khai thác, phát triển còn thấp so với tiềm năng, còn nhiều điểm vẫn đang ở tiềm năng: Thác Hòa Bình - Chùa Linh Phú, Thác Hàng Ngang, Hồ Đa Tôn...
(2) Một số tuyến, điểm du lịch, hiện đang khai thác hoạt động; cơ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông: Các trục đường vào các khu du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên, Suối Mơ, Hồ Đa Tôn; hạ tầng phòng nghỉ,... xuống cấp chưa được sửa chữa, mở rộng, khó khăn, hạn chế thu hút du khách. Tuyến sông Đồng Nai trên địa bàn huyện tổ chức dịch vụ du thuyền và tham quan đường sông, tuy nhiên hiện nay vẫn chưa được cấp giấy phép và tình trạng khai thác cát trên sông gây khó khăn cho thuyền chở khách qua lại và ảnh hưởng sự an toàn cho du khách.
(3) Công tác lữ hành còn yếu; sản phẩm du lịch chưa thực sự đặc sắc, còn kém sức cạnh tranh để hấp dẫn khách, thiếu các loại hình vui chơi giải trí, kéo dài thời gian lưu lại của khách; hệ thống điểm du lịch thì tiềm năng nhưng chưa thu hút, phát triển hình thành chuỗi sản phẩm du lịch trên địa bàn huyện theo hướng căn cơ, chưa thiết lập được tour du lịch sinh thái kết hợp với tham quan trang trại, vườn cây ăn trái.
(4) Công tác phối hợp giữa hoạt động xúc tiến du lịch với hoạt động sản xuất nông nghiệp chưa đồng bộ. Việc kết hợp các tour du lịch sinh thái với tham quan nhà vườn, thưởng thức trái cây đặc sản trên địa bàn huyện còn khá mới mẻ; người dân còn ngại, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của họ, nên mô hình kết hợp này chưa thực hiện được.
(5) Công tác quản lý nhà nước về du lịch: Du lịch là lĩnh vực không nằm trong danh mục ưu đãi đầu tư, nên chưa tạo động lực cho du lịch nông thôn phát triển; Liên kết giữa doanh nghiệp với các điểm du lịch chưa chặt chẽ, việc phối hợp để hỗ trợ, giải quyết các khó khăn vướng mắc giữa các cấp, ngành liên quan chưa kịp thời.
Là vùng đất hội tụ nhiều đặc điểm sinh thái: Rừng, sông, suối, cảnh quan thiên nhiên, truyền thống lịch sử, lễ hội truyền thống dân gian đặc sắc..., rất có tiềm năng cho phát triển du lịch sinh thái. Để khuyến khích và hỗ trợ, phát huy, khai thác tốt tiềm năng trên, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Tân Phú; thời gian tới, một số giải pháp cần được tiếp tục thực hiện:
1. Trên cơ sở Kế hoạch số 118-KH/TU ngày 07/7/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về triển khai Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và tình hình thực tế trên địa bàn, huyện tiến hành sơ kết, đánh giá việc thực hiện Nghị Quyết 05-NQ/HU ngày 20/10/2016 của Ban chấp hàng Đảng bộ huyện Tân Phú về phát triển du lịch và các dịch vụ du lịch giai đoạn 2016 – 2020 và những năm tiếp theo; để xây dựng kế hoạch cụ thể, tiếp tục thực hiện Nghị quyết với lộ trình cụ thể phát triển đối với từng tuyến, điểm và chuỗi du lịch. Trước mắt, tập trung hình thành tour du lịch sinh thái kết hợp với tham quan trang trại, vườn cây ăn trái.
2. Xây dựng nội dung, đẩy mạnh công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch một cách bài bản, kêu gọi các nhà đầu tư có đủ năng lực, đầu tư phát triển mở rộng du lịch trên địa bàn.
3. Gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, rà soát, thứ tự ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng các lĩnh vực, đảm bảo kịp thời đồng bộ trong kết nối, khai thác hiệu quả các tuyến điểm du lịch và hiệu quả chung về vốn đầu tư; nhất là: Giao thông, cảnh quan môi trường, điện; áp dụng khoa học kỹ thuật trong trong sản xuất, canh tác nông nghiệp theo hướng sạch và thân thiện với môi trường, nhằm tạo không gian sống, cũng như du lịch cộng đồng bền vững.
 Kết quả Khởi đầu phát triển Du lịch nông thôn huyện miền núi_hình 3.jpg
Khu nghỉ dưỡng Cát Tien Jungle logde
 
4. Phát triển du lịch đường sông, gắn kết du lịch Vườn Quốc gia Cát Tiên với các điểm như: nhà dệt Tà Lài, vùng đồng bào dân tộc; gắn với du lịch rừng nhằm vừa làm du lịch vừa bảo vệ rừng; mở rộng khu du lịch Suối Mơ và xây dựng đền thờ Quốc tổ Hùng Vương để tạo điểm nhấn trong du lịch sinh thái gắn với tâm linh. Kết nối các sản phẩm lưu niệm, đặc biệt là các sản phẩm được công nhận OCOP, sản phẩm đặc trưng về kinh tế, văn hóa vùng miền phù hợp vào các điểm du lịch để phục vụ nhu cầu mua sắm của du khách, hoạt động trải nghiệm.  
5. Gắn với Chương trình đào tạo nghề, các chương trình mục tiêu Quốc gia có liên quan, tập trung phát triển mạnh nguồn nhân lực cho du lịch; đồng thời, tổ chức tốt việc tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, trình độ ngoại ngữ cho các đối tượng liên quan trên địa bàn, bồi dưỡng về văn hóa ứng xử, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng phục vụ du khách; tăng cường sự hợp tác trao đổi, học tập kinh nghiệm, thông qua khảo sát, học hỏi mô hình du lịch tại các địa phương.
Xây dựng nông thôn mới, là một Chương trình sáng tạo, hợp lòng dân, có ý nghĩa sâu sắc trên cả ba mặt (Kinh tế, chính trị, xã hội và nhân văn). Trong đó, du lịch nông thôn là một trong giải pháp tích cực đặt ra hiện nay trong thực hiện Chương trình. Với kết quả, kinh nghiệm đạt được rất có ý nghĩa khởi đầu của du lịch nông thôn trên địa bàn thời gian qua, cùng với tinh thần chủ động, quyết tâm thời gian tới, có quyền tin tưởng rằng, du lịch nông thôn trên địa bàn huyện Tân Phú nói riêng, toàn tỉnh nói chung sẽ được khai thác ngang tầm với tiềm năng của nó. Thực sự, góp phần phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới bền vững, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống nông thôn, cũng như giao lưu, tiếp thu văn hóa giữa các vùng, miền, dân tộc, các địa phương và các nước.
Phạm Hoàng

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​