Trong 9 tháng đầu năm 2024, nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai gặp một số khó khăn, bất lợi về thời tiết, vật nuôi dễ bị bệnh; chi phí vật tư đầu vào như thức ăn, thuốc, hóa chất... vẫn neo cao. Theo khảo sát thị trường, thức ăn cho cá tra, rô phi/diêu hồng (độ đạm 30%) có giá bình quân dao động từ 19.250 đ/kg đến 20.150 đ/kg; giá thức ăn hỗn hợp cho tôm sú (độ đạm 42%) từ 41.000đ/kg đến 51.000đ/kg; thức ăn hỗn hợp cho tôm thẻ (độ đạm 40%) từ 34.500đ/kg đến 44.700đ/kg. Trong khi đó giá các sản phẩm thủy sản nuôi không ổn định, đặc biệt giá tôm thẻ chân trắng giảm mạnh gây khó khăn cho người nuôi trong công tác tái đầu tư sản xuất. Nguyên nhân do kinh tế vẫn tiếp tục khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu dẫn đến sức tiêu thụ tôm cá thương phẩm giảm theo. Ngoài ra, sau thiệt hại từ cơn bão Yagi vừa qua, sức tiêu thụ ra thị trường miền Trung, miền Bắc cũng bị ảnh hưởng. Một số loài cá truyền thống vẫn tiêu thụ chậm như cá trắm cỏ, diêu hồng,…Ông Trần Văn Quyết, một hộ dân nuôi cá bè ở phường Thống Nhất, Tp. Biên Hòa cho biết: “Hiện cá trắm được bán tại bè với giá 60.000 - 62.000 đồng/kg, cá chép từ 48.000 – 51.000 đồng/kg. Với giá này người nuôi có lãi, tuy nhiên với những đối tượng nuôi dài ngày như cá trắm thì người nuôi gần như không lời tiền công. Sức tiêu thụ hiện tại cũng khá chậm, thương lái thu mua thường xuyên nhưng chia thành nhiều đợt từ vài ngày đến một tuần chứ không mua hết trong 1-2 đợt như trước. Đối với cá điêu hồng tỷ lệ hao hụt cao nên sau khoảng 5-6 tháng nuôi với mức giá hiện tại là 54.000 – 55.000 đồng /kg, người nuôi chủ yếu thua lỗ. Cá lăng nha nuôi bè cũng chỉ còn 90.000 đồng/kg, giảm khá nhiều so với thời điểm hai tháng trước đây”.
Ông Trần Văn Quyết (P. Thống Nhất) chăm sóc bè nuôi cá trắm của gia đình
Mặc dù vậy, hoạt động nuôi trồng thủy sản vẫn đạt kế hoạch đề ra. Sản lượng nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm đạt trên 54,11 ngàn tấn, đạt 73% kế hoạch, tăng 6,68% so với cùng kỳ năm 2023. Toàn tỉnh đã thả nuôi đạt diện tích 8.704 ha (tăng 1,23% so cùng kỳ). Để hoàn thành mục tiêu sản lượng nuôi trồng thủy sản trong năm 2024 đạt 74.019 tấn, diện tích nuôi tôm chiếm 1.691,8 ha, ngành đã và đang tập trung phát triển diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh áp dụng khoa học, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường sinh thái. Việc đa dạng hình thức và đối tượng nuôi đã góp phần khai thác tiềm năng, lợi thế, nâng cao năng suất, sản lượng cho người nuôi trồng. Người nuôi thủy sản, đặc biệt là người nuôi tôm nước lợ đang kỳ vọng, nhu cầu tiêu thụ của thị trường nội địa và xuất khẩu sẽ tăng lên vào cao điểm những tháng cuối năm và đầu năm mới.
Người dân thu hoạch cá tra
Nguyễn Nguyên