​Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025 - Tìm giải pháp giảm thiệt hại trên nuôi trồng thủy sản

Tại Tp Hồ Chí Minh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến đã chủ trì tổ chức Hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025  vào ngày 03/10/2024 vừa qua. Về thành phần đại biểu, Hội nghị có sự tham dự của Cục Thủy sản; Cục Thú Y; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia; các Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản I, II, III;  Học viện Nông nghiệp Việt Nam; trường Đại học Cần Thơ; đại diện các doanh nghiệp, Hiệp hội, Hội về thủy sản và một số đại biểu thuộc UBND, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản các tỉnh/thành phố.
 hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 1.jpg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu khai mạc Hội nghị
 
Hội nghị diễn ra trong bối cảnh sơ kết 9 tháng đầu năm 2024, theo báo cáo của các địa phương tổng diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại do dịch bệnh giảm còn 4.257ha (gần 30% so với cùng kỳ năm 2023) nhưng tình hình vẫn còn phức tạp trên các đối tượng tôm, cá tra và thủy sản nước ngọt. Bên cạnh đó, diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, không xác định được nguyên nhân chiếm trên 80% trong tổng thiệt hại của nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra, thủy sản là một trong hai ngành bị thiệt hại nặng nề nhất sau cơn bão số 3 vừa qua. Do đó, để đảm bảo kế hoạch đề ra và duy trì được đà tăng trưởng ngành thủy sản hằng năm từ 3,5 - 4%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương cần phải tăng cường sản lượng hơn nữa ở những tỉnh không bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 vừa qua, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu.
Tại Hội nghị, nhiều báo cáo, đánh giá và giải pháp, đề xuất kiến nghị phòng chống dịch bệnh và phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững các tháng cuối năm 2024 và năm 2025 đã được đưa ra. Theo ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y cho biết, cùng với Cục Thủy sản, đơn vị đang tăng cường chỉ đạo, giám sát công tác phòng bệnh sớm, từ xa tại các địa phương bằng áp dụng các biện pháp kỹ thuật, khoa học công nghệ. Để làm được việc này thì con giống phải xuất phát từ những cơ sở không có dịch bệnh được kiểm dịch kiểm soát, nếu không rất dễ bùng phát dịch bệnh. Tính đến nay, cả nước đã có 32 cơ sở an toàn dịch bệnh, trong đó có 31 cơ sở sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm, 1 cơ sở sản xuất và xuất khẩu thủy sản.
hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 2.jpg
Ông Phan Quang Minh,  Phó Cục trưởng Cục Thú y báo cáo tình hình thiệt hại trên thủy sản nuôi
 
Đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chia sẻ báo cáo đánh giá kết quả các nhiệm vụ KHCN về bệnh trên thủy sản, chế phẩm sinh học sử dụng trong phòng chống dịch bệnh và định hướng trong nghiên cứu năng cao hiệu quả phòng chống bệnh thủy sản. Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu tác nhân gây bệnh mới nổi, nguy hiểm ở động vât thủy sản cũng được Học viện Nông nghiệp Việt Nam và Trường Đại học Cần Thơ (Đặng Thị Hoàng Oanh) trình bày đã nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tham dự.
 hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 3.jpg
Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Thị Hoàng Oanh, Trường Đại học Cần Thơ thông tin về bệnh thủy tinh (GPD), tôm mờ đục (TPD) ở tôm thẻ chân trắng giai đoạn giống và trao đổi các giải pháp hiệu quả để phòng một số bệnh thường gặp trên tôm nước lợ.
hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 4.jpg
PGS, TS Trương Đình Hoài, Khoa Thủy sản Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày nghiên cứu tác nhân gây bệnh mới nổi, nguy hiểm ở động vật thủy sản
 
Tiếp đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã báo cáo kết quả triển khai các mô hình nuôi trồng thủy sản bền vững hiệu quả trong thời gian qua. Có thể kể đến mô hình nuôi trồng thủy sản sinh thái (thực hiện tại Cà Mau, Nam Định), mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng hữu cơ (triển khai tại một số tỉnh miền tây Nam Bộ), mô hình nuôi thủy sản đạt chứng nhận Gap (triển khai thực hiện tại Hòa Bình, Sơn La, Nghệ An, Hà Tĩnh, Lâm Đồng…). Việc nhân rộng các mô hình bền vững này trong thời gian tới như thế nào để đạt hiệu quả nhất được Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khá quan tâm. Ông nhấn mạnh ”Bên cạnh những hiệu quả kinh tế đạt được của các mô hình, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cấp ngành, địa phương và người nông dân, gắn kết quả nghiên cứu với thực tiễn, kinh nghiệm, vận động người dân làm theo hướng dẫn và giải quyết các tình huống thực tế một cách tốt nhất”.
 hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 5.jpg
Một trong số những mô hình điển hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh 2 giai đoạn ứng dụng công nghệ 4.0 kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia trình bày tại Hội nghị
 
“Ngành thủy sản phải quan trắc, cảnh báo. Ngành thú y cần phòng chống dịch bệnh, an toàn sinh học… Cần có sự phối hợp đồng bộ, kịp thời, hiệu quả giữa các ngành và các địa phương nhằm giải quyết những tồn tại, khó khăn để làm sao tăng tốc nuôi trồng thủy sản; đảm bảo chất lượng, nguồn cung thủy sản cho tiêu dùng và xuất khẩu”. Thứ trưởng Phùng Đức Tiến kết luận.
Trước đó, ngày 01/10/2024, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đã ký công văn 7361/BNN-TY gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cục Thủy sản; Cục Thú y; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cơ quan quản lý chuyên ngành thú y thủy sản các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị các địa phương căn cứ tình hình nuôi trồng thủy sản và tình hình dịch bệnh thủy sản của địa phương, khẩn trương xây dựng, phê duyệt và bố trí đủ kinh phí để triển khai có hiệu quả Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2025.
 
 hội nghị phòng, chống dịch bệnh thủy sản năm 2024 và Kế hoạch năm 2025_hình 6.jpg
Đảm bảo môi trường nước là một trong những vấn đề then chốt trong việc phòng, chống dịch bệnh trên thủy sản
Nguyễn Nguyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Nguyễn Văn Thắng - Giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​