Ngày 09/8/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tại Quyết định số 2773/QĐ-BNN-KN; trong đó, xác định danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở vùng biển và danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở thủy vực vùng nội địa, cụ thể: có 59 khu vực cần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở vùng biển, với diện tích 574.015 ha thuộc 17 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương; có 66 khu vực cần bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản ở thuỷ vực vùng nội địa, với diện tích 44.570 ha. Đồng Nai là một trong các tỉnh, thành phố được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 02 khu vực hồ Trị An, diện tích 2.136 ha, với 03 đối tượng thuỷ sản chính cần được bảo vệ: cá Sơn đài Ompok miostoma, cá May Gyrinocheilus aymoniery, cá Còm Chitalaornata.
Bên cạnh danh mục khu bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản đến năm 2030 tại Quyết định số 76/QĐ-TTg ngày 18/01/2024, với mục tiêu Bảo tồn, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản nhằm phục hồi và sử dụng hợp lý, hiệu quả nguồn lợi thủy sản và các hệ sinh thái thủy sinh; gắn hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, quản lý nguồn lợi thủy sản với hoạt động khai thác thủy sản bền vững, chống khai thác IUU; nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản góp phần phát triển thủy sản bền vững, giữ gìn tính đa dạng sinh học, giá trị tài nguyên sinh vật của Việt Nam; chủ động ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; thúc đẩy tăng trưởng xanh, nâng cao đời sống và sinh kế cho người dân, đảm bảo quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Văn bản số 783/BNN-KN ngày 26/01/2024, trong đó tập trung: tổ chức hiệu quả các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, đảm bảo lựa chọn khu vực thả là các vùng nước phù hợp với đặc tính của loài; thả các loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được sinh sản nhân tạo thành công; Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. Bố trí kinh phí và huy động nguồn lực, từng bước xã hội hóa công tác này. Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thiết lập các điểm phóng sinh các loài thủy sản, thả giống tái tạo tập trung để thuận tiện cho người dân thực hành phóng sinh một cách hiệu quả và có ý nghĩa với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau các đợt thả giống để đảm bảo hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản được hiệu quả. Nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Hằng năm, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện; Trong năm 2023, triển khai phong trào “Chung tay bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản”, phối hợp Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và địa phương tổ chức 03 đợt thả cá phóng sinh, với 865 ngàn cá thể giống thủy sản đặc hữu, bản địa trên lưu vực sông Đồng Nai, vùng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch. Đối với năm 2024, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 237/KH-UBND ngày 08/7/2024 về triển khai thực hiện Chương trình quốc gia Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030; đồng thời trong 02 ngày: 11, 12/7/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã phối hợp với UBND các huyện, thành phố: Nhơn Trạch, Biên Hòa tổ chức thả đợt 2 bổ sung một số loài thủy sản nước ngọt, lợ về môi trường tự nhiên, cụ thể: khu vực sông Đồng Nai với số lượng cá thả 28.200 con (cá vồ đém, cá chạch lấu, cá bống tượng, cá lăng nha, cá thát lát cườm) và khu vực rừng ngập mặn Long Thành - Nhơn Trạch, với số lượng thả là 259.000 con (tôm sú, cua biển).
Hoạt động thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản kết hợp với tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu
Với việc xác định 03 đối tượng thuỷ sản chính cần được bảo vệ: cá Sơn đài, cá May, cá Còm tại khu vực hồ Trị An, trong thời gian tới Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân có liên quan tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản nói chung và bảo vệ, phát triển 03 đối tượng chính nói riêng trên hồ Trị An, góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thuỷ sản đề ra.
Quang Tuyên