Ngày 21/8/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai
tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng công nghệ SOFIX trong sản
xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Đồng Nai do đồng chí Võ Văn Phi – Tỉnh ủy
viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Chủ trì.
Tham dự hội thảo có đại diện các sở, ban, ngành, các trường, viện, doanh nghiệp, các hợp tác xã và 130 nông dân đang sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ trên địa bàn tỉnh.
Ông Võ Văn Phi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo.
SOFIX viết tắt của cụm từ “Soil Fertility Index” nghĩa là “Chỉ tiêu của độ phì nhiêu đất”. Kỹ thuật SOFIX được phát triển bởi Giáo sư Kubo Motoki, dùng để chẩn đoán sức khỏe của đất nông nghiệp bằng cách phân tích các tính chất sinh-hóa-lí và chuyển hóa vật chất trong đất. SOFIX chẩn đoán độ phì nhiêu của đất dựa trên số lượng vi sinh vật. Công nghệ SOFIX có nguyên lý là sử dụng tuần hoàn các hợp chất hữu cơ và sử dụng trong nông nghiệp hữu cơ để hạn chế sử dụng phân bón và thuốc BVTV. Đây là công nghệ đánh giá đất dựa trên vi sinh đầu tiên trên thế giới, một công nghệ mang tính đột phá trong “làm đất” để đề xuất phân bón nhằm nâng cao độ phì đất và nâng cao năng suất trong nông nghiệp hữu cơ.
Ông Trần Lâm Sinh báo cáo tình hình xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
Giáo sư Kubo Motoki, Đại học Ritsumeikan giới thiệu chia sẻ ứng dụng SOFIX trong sản xuất nông nghiệp
Hội thảo đã nghe báo cáo đề dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Giáo sư Kubo Motoki, Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) giới thiệu chia sẻ về một số thông tin khái quát về xu thế phát triển nông nghiệp trên thế giới; vai trò quan trọng của chất đất, hệ thống vi sinh vật trong sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp hữu cơ; những giải pháp để Nhật Bản chuyển đổi sang nền nông nghiệp hữu cơ; trao đổi về công nghệ SOFIX. Tại phần thảo luận trao đổi có 07 ý kiến tham gia thảo luận trực tiếp tại Hội thảo và nội dung tập trung vào vấn đề về khả năng ứng dụng SOFIX trong sản xuất nông nghiệp như: chi phí đầu tư cải tạo đất theo công nghệ SOFIX; lượng phân bón SOFIX khi bón trên đất trồng cây của tỉnh Đồng Nai; khả năng thực hiện sử dụng vỏ sầu riêng để sản xuất phân bón SOFIX; khả năng hoạt động của vi sinh vật trong sản phẩm SOFIX khi thực hiện trong môi trường điều kiện của Nhật Bản đưa vào ứng dụng tại Việt Nam có phù hợp không, phương pháp xác định vi sinh vật trong đất…; các câu hỏi đã được Giáo sư Kubo Motoki trao đổi, trả lời những vấn đề nông dân, nhà khoa học và doanh nghiệp quan tâm.
Thanh Tâm - PTNT