​Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây bắp

Xuân Lộc là huyện nông nghiệp có diện tích trồng bắp lớn, ước 8000 ha/năm. Trong suốt quá trình sản xuất bắp, thì công đoạn tỉa bắp và bỏ phân cần nhiều sức lao động nhất. Vì vậy, việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sẽ góp phần tiết kiệm chi phí sản xuất, giải quyết vấn đề thiếu lao động, đặc biệt là đối với cây bắp mang tính thời vụ cao.
Máy tỉa bắp công suất cao
Năm 2023, Ông Nguyễn Công Chính đã hoàn thiện và đưa vào hoạt động “Máy tỉa bắp” với công suất hoạt động 3 ha/ ngày. Giải pháp “Máy tỉa bắp” đã đạt giải nhất trong Hội thi Nông dân giỏi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai năm 2023.
 ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây bắp_hình 1.jpg
Máy tỉa bắp
 
Máy tỉa bắp được cấu tạo gồm các bộ phận: bộ phân đi tỉa, bộ phận động cơ, thước đo. Trọng lượng tầm 80kg/máy, sử dụng thể lực để nâng lên, vận hành linh hoạt theo máy cày hoặc máy kéo. Hiện tại máy tỉa bắp của ông Nguyễn Công Chính được lắp 3 đầu tỉa, mỗi lần đi được 6 hàng, công suất tỉa 3 ha/ngày (10 tiếng). Chiều sâu lỗ tối đa là 5cm, đảm bảo độ ẩm cho hạt bắp sinh trưởng và phát triển. Khoảng cách giữa các hàng có thể linh hoạt điều chỉnh theo đặc điểm của giống bắp và mùa vụ. Máy tỉa bắp sử dụng khí của cánh quạt để tách, bỏ hạt bắp xuống lỗ, sử dụng xích kéo theo để lấp hạt. Ngoài ra, máy cũng được trang bị thêm thước đo để căn chỉnh thẳng hàng bắp, 02 đèn chiếu sáng để máy có thể hoạt động vào buổi tối.
Theo ông Chính cho biết, nếu tính trên 1000 m2, chi phí tỉa thủ công (gồm công rạch hàng, đục lỗ, lấp đất hết) khoảng 300.000 đồng/ngày, còn nếu áp dụng máy tỉa bắp hiện tại, chi phí chỉ hết 100.000 đồng/sào. Xét về hiệu quả kinh tế sẽ cao hơn so với cách tỉa truyền thống và các máy khác đang có trên thị trường.
Ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây bắp
Vụ Đông – Xuân 2023 – 2034, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam thực hiện mô hình “KM (Knowledge Management) sử dụng hệ thống tưới tiết kiệm trên cây bắp”, quy mô 01 ha tại Ấp Bình Hòa, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc.
Mục tiêu thực hiện mô hình là giảm chi phí đầu vào; giảm sự phụ thuộc vào nhân công lao động; tăng vụ sản xuất trên một đơn vị diện tích, đặc biệt sản xuất cây bắp vụ Đông - Xuân trên khu vực đất cao (gò, đồi) gặp nhiều khó khăn về nước tưới.
Mô hình sử dụng hệ thống tưới venturi trên đất sỏi đỏ, lượng giống gieo 20 kg/ha, tưới nước theo hệ thống tưới ngay sau khi gieo hạt cho bắp mọc đều (cây bắp nhỏ: 2-3 ngày /lần tưới, cây bắp từ 20 ngày trở đi tưới 2 ngày/ lần). Mô hình sử dụng kết hợp giữa phân bón hữu cơ và phân bón vô cơ. Khi cây bắp được 17 ngày, trộn phân hữu cơ và DAP, Kali bón cho cây; khi cây được 20 ngày tuổi đến khi thu hoạch, hòa phân bón tưới theo hệ thống tưới một tuần tưới một lần từ (8 lần tưới/vụ).
ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây bắp_hình 2.jpg
Ông Đặng Mạnh Cường chia sẻ về hệ thống tưới của Mô hình
 
Đánh giá thực tế, mô hình đã giúp giảm lượng phân bón,giảm công lao động (công gieo hạt, công bón phân, công phun thuốc, công tưới lấp hạt và tưới cho cây bắp mọc), giảm sự phụ thuộc vào công lao động, tăng sự đồng đều của cây, có thể tăng số lượng các vụ sản xuất trong năm. Mô hình thích hợp cho các khu vực có lượng nước tưới, yếu. Ước chênh lệch lợi nhuận so với ruộng đối chứng khoảng 9,748 triệu đồng/ ha.
 ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây bắp_hình 3.jpg
Cây bắp cao lớn, có độ đồng đều cao
 
Ngày 8/3/2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Xuân Lộc đã phối hợp với Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam tổ chức Hội thảo mô hình với 130 người tham dự. Hội thảo có sự tham dự của Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh; Bà Lê Thị Xuân Trang – Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Chủ tịch Hội Nông dân, cán bộ nông nghiệp và nông dân các xã Xuân Bắc, Xuân Thọ, Lang Minh, Xuân Hiệp, Suối Cát, Xuân Tâm, Xuân Phú.
 ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất cây bắp_hình 4.jpg
Ông Trần Lâm Sinh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phát biểu tại Hội thảo
 
Tại buổi hội thảo, mọi người đã được tham quan ruộng mô hình và đều đánh giá cao về hiệu quả, tính ứng dụng của mô hình. Đồng thời, đại diện Công ty TNHH Hạt giống C.P Việt Nam đã chia sẻ về chủ trương phát triển Dự án khuyến nông và thu mua lại trực tiếp từ nông dân qua cửa hàng Farmpro.
Cùng với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sự chung tay của các cơ quan doanh nghiệp, hy vọng rằng chuỗi liên kết trong sản xuất cây bắp sớm được triển khai,  mang lại hiệu quả cao cho bà con.
Trần Thủy – TTDVNN huyện Xuân Lộc
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​