​Hiệu quả từ các chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp của Đồng Nai

Theo đánh giá Đồng Nai là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong hỗ trợ đầu tư và xây dựng được các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu. Điểm nổi bật là các doanh nghiệp (DN), HTX đã nhận thức được tầm quan trọng của liên kết sản xuất với tiêu thụ trong giai đoạn hội nhập; đã hình thành nhiều chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ, mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm.
Tín hiệu vui từ các chuỗi liên kết bền vững
Triển khai xây dựng các chuỗi liên kết, tỉnh Đồng Nai đã đầu tư nhiều vào hệ thống cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng giống cây trồng và sản phẩm nông nghiệp, giúp nông dân tăng năng suất và thu nhập. Bên cạnh đó, tỉnh cũng tập trung phát triển nhiều khu công nghiệp và khu chế xuất, tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, tăng cường đầu tư và phát triển kinh tế địa phương.
Xác định nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh, có lợi thế cạnh tranh, huyện Cẩm Mỹ đã có nhiều quyết sách hỗ trợ, ưu đãi nhằm thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, trọng tâm là phát triển mô hình hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ và chế biến sản phẩm. Huyện hỗ trợ các chủ thể làm hồ sơ cấp mã vùng trồng, chứng nhận VietGAP, OCOP, tham gia các chương trình quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Ngoài ra, huyện đang phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh đẩy nhanh tiến độ dự án Cụm công nghiệp chế biến nông sản Long Giao tạo mặt bằng cho chế biến. Hiện, trên địa bàn huyện Cẩm Mỹ có 31 chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp, trong đó, có 4 chuỗi UBND huyện phê duyệt và 27 chuỗi do các doanh nghiệp, tổ hợp tác tự thực hiện. Phần lớn các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm phát huy hiệu quả điển hình như: chuỗi liên kết bưởi da xanh tại xã Xuân Mỹ, chuỗi liên kết sầu riêng tại xã Xuân Quế, chuỗi liên kết gà sạch tại xã Lâm San…
Khi tham gia chuỗi liên kết, nông dân chỉ cần chuyên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra, giá cả. Thị trường lên thì giá lên, còn thị trường xuống thì vẫn bán được giá sàn theo hợp đồng. Ông Trần Quang Hiệp, Tổ trưởng Tổ hợp tác sầu riêng Xuân Quế (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ) chia sẻ: “Tổ liên kết bán sầu riêng cho một công ty thu mua chế biến và xuất khẩu trực tiếp. Mặc dù còn trong quá trình làm hồ sơ xin cấp mã vùng trồng nhưng công ty vẫn mua bằng giá sản phẩm ở nơi đã được cấp mã vùng trồng. Doanh nghiệp biết chúng tôi làm theo quy trình sạch, sản phẩm chất lượng tốt, muốn làm ăn lâu dài”.
Một số mô hình chuỗi liên kết điển hình, hiệu quả kinh tế cao đã từng bước được triển khai nhân rộng. Cụ thể, chuỗi liên kết sản xuất, giết mổ, xuất khẩu gà vào thị trường Nhật Bản của Công ty TNHH Koyu & Unitek (Khu công nghiệp Long Bình, TP.Biên Hòa); chuỗi ca cao của Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (H.Định Quán) với sản phẩm ca cao chế biến được chứng nhận OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) 4 sao; chuỗi lúa của Công ty TNHH Lộc Trời (An Giang) quy mô 168ha với sự tham gia của 123 nông hộ trên địa bàn H.Định Quán; chuỗi bắp cây làm thức ăn chăn nuôi của HTX Đông Tây, H.Cẩm Mỹ với quy mô trên 400ha…
Đại diện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức cho biết, kể từ khi thực hiện chuỗi liên kết với bà con nông dân, DN luôn cố gắng tạo điều kiện và hướng dẫn bà con chăm sóc cây ca cao đạt hiệu quả cao nhất. Nhờ đó, người dân yên tâm sản xuất, bởi sản phẩm đầu ra được DN bao tiêu với giá cao hơn mặt bằng chung ngoài thị trường.
Tiếp tục các chính sách đồng hành
Theo Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng, hiện nay tỉnh đã ban hành và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp và hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn với nhiều ưu đãi, hỗ trợ về đất đai, tiếp cận tín dụng, đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến nông sản, giết mổ gia súc, gia cầm; chế tạo thiết bị, linh kiện, máy nông nghiệp; sản xuất sản phẩm phụ trợ; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực. Chính sách liên kết theo Nghị quyết 143 khi doanh nghiệp  tham gia liên kết được hỗ trợ trang thiết bị máy móc phục vụ sơ chế, chế biến, bảo quản; xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như nhà xưởng, kho bãi…
Trong giai đoạn tới, để khuyến khích nhà đầu tư Đồng Nai đã có nhiều cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ như hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công (doanh nghiệp có dự án cung cấp nước sạch, xử lý rác thải nông thôn, doanh nghiệp có dự án xây dựng bến cảng phục vụ vận chuyển sản phẩm nông lâm thủy sản, khu neo đậu tàu thuyền…) và đầu tư kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn. Hỗ trợ doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập với các nội dung: hỗ trợ các doanh nghiệp nghiên cứu đầu tư, đổi mới, chuyển giao công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa, bảo vệ môi trường, an toàn lao động; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng website nhằm quảng bá và giới thiệu hình ảnh của doanh nghiệp; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu. Ngoài ra, tỉnh Đồng Nai còn có nhiều chính sách hỗ trợ, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông, lâm nghiệp và thủy sản; hỗ trợ chương trình xúc tiến thương mại với sản phẩm nông sản, chăn nuôi…
Hà Thương

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​