​Phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII về việc tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể (KTTT) với những chủ trương, chính sách tạo thuận lợi cho phát triển mô hình hợp tác xã (HTX), tăng cường liên kết giữa các nông hộ. Đồng Nai là một trong những địa phương đang triển khai và bám sát Nghị Quyết 20 nhằm đa dạng các thành phần kinh tế, thay đổi phương thức canh tác, nâng cao sản lượng nông sản của tỉnh.
Xu hướng tất yếu, khách quan
Nghị quyết số 20-NQ/TW ban hành năm 2022 đã tái khẳng định và củng cố vai trò của kinh tế tập thể để phù hợp với tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Nghị quyết nêu rõ: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Khẳng định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu, khách quan, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị”.
Trên cơ sở kết quả đánh giá thực hiện phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh và tình hình thực tế của địa phương, Tỉnh ủy Đồng Nai xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 1.609 tổ hợp tác với khoảng 45.043 thành viên, 636 hợp tác xã và 02 liên hiệp hợp tác xã với khoảng 117.738 thành viên (trung bình mỗi năm thành lập mới khảng 21 hợp tác xã); bảo đảm trên 65% tổ chức kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị; trên 100 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hoá gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài; đến năm 2045, phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, đến cuối năm 2023, toàn tỉnh Đồng Nai có 185 HTX nông nghiệp, 155 doanh nghiệp hoạt động lĩnh vực nông nghiệp và hoạt động dịch vụ có liên quan nông nghiệp; khoảng 260 doanh nghiệp hoạt động chế biến thực phẩm với các sản phẩm chủ yếu là thức ăn chăn nuôi, sản phẩm có nguồn gốc từ thịt heo (xúc xích, giò lụa…), sản phẩm trái cây sấy, chế biến cà phê, hạt điều. Tuy nhiên, các sản phẩm thực phẩm chế biến từ nông sản được xuất khẩu còn ở dạng sơ chế, giá trị gia tăng chưa cao. Đặc biệt, ngành chăn nuôi đã thu hút được nhiều thành phần tham gia đầu tư chăn nuôi. Trong đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng lớn trong tổng đàn vật nuôi của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 181 chuỗi liên kết trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp.
Tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết đết hết năm 2023 đạt 39,8%. Có 3 hình thức liên kết được thực hiện, chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong chuỗi giá trị khép kín doanh nghiệp đầu tư cho nông dân thông qua HTX, thu mua chế biến sản phẩm và tiêu thụ. Liên minh HTX Đồng Nai đánh giá, một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên. Từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động nông thôn.
Tháo gỡ vướng mắc trong phát triển kinh tế tập thể
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh khẳng định kinh tế tập thể có vai trò quan trọng, nhất là đối với việc phát triển khu vực nông thôn, xây dựng nông thôn mới.  Theo đó, Đồng Nai sẽ lựa chọn những nội dung phù hợp với tình hình thực tiễn tại địa phương để xây dựng các đề án, triển khai thực hiện. Trong đó, gắn sự phát triển HTX với xây dựng nông thôn mới, bảo tồn làng nghề, bảo vệ môi trường, đồng thời đa dạng hóa giải pháp kinh doanh phù hợp quy luật thị trường... Bí thư Tỉnh uỷ nhấn mạnh Nhà nước phải có vai trò định hướng, dẫn dắt, hỗ trợ cho các HTX về các nguồn lực từ tài chính đến nhân lực, chuyển đổi số..., nhất là đối với những đơn vị làm ăn hiệu quả.
Mặc dù có nền tảng vững chắc là nền nông nghiệp phát triển bền vững, có trọng tâm trọng điểm, song, thị trường đầu ra đối với các sản phẩm của tổ hợp tác và HTX vẫn chưa ổn định do chất lượng sản phẩm, số lượng sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu dẫn đến chưa đủ sức cạnh tranh trong kinh tế thị trường, chưa có sản phẩm thương hiệu, chế biến sâu nên đầu ra không ổn định… người nông dân vẫn đau đáu nỗi lo được mùa mất giá. Thêm vào đó, nhiều HTX chưa trích lập các quỹ, từ đó không có vốn để tái đầu tư cho sản xuất, mở rộng kinh doanh, dịch vụ; đa số mới chỉ bán sản phẩm dưới dạng thô mà chưa quan tâm đến chế biến, bảo quản nông sản, việc cung ứng dịch vụ đầu vào (giống, phân bón, vật tư…). Đồng thời, các HTX còn phải đối mặt với việc khó tiếp cận tín dụng ưu đãi, liên kết chưa chặt chẽ giữa các thành viên… Một số HTX đã được củng cố về mặt tổ chức nhưng chưa thật sự đổi mới về nội dung, cách thức hoạt động; bộ máy quản lý, điều hành và các bộ phận chuyên môn nghiệp vụ chưa đáp ứng yêu cầu vận hành hợp tác xã theo hướng liên doanh, liên kết chuỗi giá trị.
Trước thực tế đó, Tỉnh ủy Đồng Nai đã cam kết lắng nghe những khó khăn, vướng mắc của các HTX để có những chỉ đạo thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, HTX, tổ hợp tác; Khuyến khích HTX bán hàng trên các kênh thương mại truyền thống, xây dựng điểm phân phối sản phẩm và sản phẩm phải sạch, gắn với OCOP nhằm đa dạng kênh phân phối, chinh phục thị trường nội địa hướng tới xuất khẩu chính ngạch. Đồng Nai cũng khuyến khích xây dựng HTX gắn với bảo tồn các làng nghề truyền thống nhằm phát triển kinh tế nông thôn gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa.
Để phát triển kinh tế tập thể một cách bền vững, mang lại hiệu quả, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho rằng cần triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đã ban hành, thường xuyên theo dõi, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn cho HTX trong quá trình hoạt động và định hướng phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng. Công tác này yêu cầu có sự vào cuộc của các địa phương, các ngành chức năng trong toàn tỉnh, một mặt vận động tuyên truyền khích lệ nông dân tham gia phát triển kinh tế tập thể mặt khác cần phải nhanh chóng rà soát cụ thể hoá các chính sách hỗ trợ phát triển KTTT, HTX giai đoạn đến năm 2025 nhằm hoàn thành và hoàn thành tốt mục tiêu đến năm 2030 cả tỉnh có khoảng 1.609 tổ hợp tác.
Hà Thương
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​