​06 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024

Trong năm 2023, tình hình nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai phát triển ổn định. Diện tích nuôi thủy sản năm 2023 là 8.672 ha, mặc dù diện tích nuôi thủy sản có giảm (-0,72% so cùng kỳ), nhưng người dân đã chủ động chuyển đổi sang phương thức nuôi thâm canh, siêu thâm canh, chuyển đổi đối tượng nuôi kém hiệu quả sang đối tượng có giá trị kinh tế tăng cao, do đó tổng sản lượng thủy sản trong năm 2023 tiếp tục đạt mức tăng trưởng cao, ước đạt 74,63 nghìn tấn, tăng 4,98% so với cùng kỳ, trong đó: sản lượng nuôi trồng đạt 68,58 nghìn tấn, tăng 5,5%; sản lượng khai thác đạt 6,05 nghìn tấn, giảm 0,57%. Cơ cấu nội bộ ngành tiếp tục chuyển dịch theo hướng nâng tỷ trọng sản phẩm nuôi trồng thủy sản nước ngọt và chất lượng con giống theo hướng sạch bệnh, thích ứng với biến đổi khí hậu, do đó hiệu quả sử dụng đất thủy sản được tăng lên, đa phần sản phẩm thủy sản được tiêu thụ cơ bản ổn định, đặc biệt tôm thẻ, tôm càng xanh, cá rô đồng, cá lóc đang có giá tiêu thụ tốt, người nuôi có lãi cao.
Ngoài ra, công tác tuyên truyền, thông tin đến ngư dân về chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề được các ngành, địa phương tích cực triển khai và được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ ngư dân chấm dứt nghề, ngư cụ cấm khai thác trên địa bàn các huyện: Vĩnh Cửu, Thống Nhất, Nhơn Trạch, Long Thành, Định Quán (02 đợt) kết quả hỗ trợ 337 ngư dân chuyển đổi nghề với tổng kinh phí hơn 10,78 tỷ đồng; trình phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí dự án Sắp xếp lại vùng nuôi cá lồng bè, di dời và giải tỏa lồng bè dôi dư trên hồ Trị An (Quyết định số 1453/QĐ-UBND ngày 21/6/2023); tiến hành 34 đợt kiểm tra việc thực hiện các quy định về cấm sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện, nghề, ngư cụ cấm khai thác thủy sản, kết quả đã lập biên bản, xử lý 23 trường hợp với tổng số tiền 276,5 triệu đồng; hoàn thành kế hoạch lấy mẫu quan trắc môi trường nuôi thuỷ sản.
Đối với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá trong những năm qua, công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được duy trì và triển khai thực hiện ở hầu hết các địa phương trên cả nước góp phần bổ sung, phục hồi nguồn lợi thủy sản trong đó có nhiều loài thủy sản nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế cao; đối với tỉnh Đồng Nai, trong năm 2023 công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tiếp tục được chú trọng thực hiện thông qua phong trào “Chung tay bảo tồn, phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản”, cùng phối hợp Ban trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh và địa phương tổ chức 03 đợt thả cá phóng sinh, với 865 ngàn cá thể giống thủy sản đặc hữu, bản địa trên lưu vực sông Đồng Nai, vùng ngập mặn Long Thành – Nhơn Trạch.
6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024_hình 1.jpg

   6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024_hình 2.jpg
Lễ thả cá phóng sinh, kết hợp với tuyên truyền bảo vệ nguồn lợi thủy sản trên địa bàn xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu
  
6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024_hình 3.jpg

6 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản năm 2024_hình 4.jpg
Hoạt động thả cá phóng sinh tái tạo nguồn lợi thủy sản
 
Để tiếp tục duy trì và thực hiện tốt công tác tái tạo đồng thời hướng đến kỷ niệm 10 năm ra mắt lực lượng Kiểm ngư Việt Nam (15/4/2014 - 15/4/2024) và 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (01/4/1959 - 01/4/2024), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản tại Văn bản số 783/BNN-KN ngày 26/01/2024, trong đó tập trung thực hiện một số nội dung như sau: (i) Tổ chức hiệu quả các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, trong đó tập trung tổ chức nhân dịp kỷ niệm 65 năm ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (ngày 01/4/2024). Hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản phải đảm bảo: lựa chọn khu vực thả là các vùng nước phù hợp với đặc tính của loài; thả các loài thủy sản bản địa, loài có giá trị kinh tế, loài nguy cấp, quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng đã được sinh sản nhân tạo thành công; không thả các loài ngoại lai, loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, xâm hại; kỹ thuật thả đảm bảo đúng theo yêu cầu và hướng dẫn. (ii) Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong công tác bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản thông qua các kênh truyền thông tại địa phương như: báo, đài, loa phát thanh ở các cụm dân cư, cộng tác viên tuyên truyền…(iii) Bố trí kinh phí và huy động nguồn lực từ các cơ quan, tổ chức, các hội, hiệp hội ngành thủy sản, doanh nghiệp, cộng đồng dân cư, các tăng ni, phật tử tham gia hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, từng bước xã hội hóa công tác này. (iv) Tiếp tục xây dựng và triển khai kế hoạch phối hợp với Ban trị sự Giáo hội Phật giáo trong lĩnh vực phóng sinh, tái tạo và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Vào dịp cao điểm người dân thực hành phóng sinh (như ngày ông Công, ông Táo, rằm tháng Giêng, lễ Phật Đản, lễ Vu Lan…) tăng cường tổ chức tuyên truyền, phổ biến các quy định về thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản để tăng ni, phật tử và người dân vừa thực hành tín ngưỡng vừa góp phần vào việc tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản. (v) Thiết lập các điểm phóng sinh các loài thủy sản, thả giống tái tạo tập trung trên địa bàn tỉnh để thuận tiện cho người dân thực hành phóng sinh một cách hiệu quả và có ý nghĩa với công tác tái tạo nguồn lợi thủy sản. (vi) Tăng cường các hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trước, trong và sau các đợt thả giống để đảm bảo hoạt động tái tạo nguồn lợi thủy sản được hiệu quả. Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản, ngăn chặn và chấm dứt tình trạng sử dụng ngư cụ cấm, nghề cấm, vi phạm khu vực cấm và khai thác các loài trong danh mục cấm; tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Quang Tuyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​