​Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai Kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và PTNT

Ngày 03/01/2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2023 và triển khai kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và PTNT. Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Lê Minh Hoan; các Bộ, Ban, ngành Trung ương, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương, các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ủy ban nhân dân các tỉnh/thành phố, Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố, các Trung tâm, Ban CPO, Văn phòng SPS, Cites, các Trường Đại học, Viện, Học viện và một số Hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu biểu. Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, có đồng chí Võ Văn Phi – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Thường trực Tỉnh ủy, các Sở ngành, địa phương và đơn vị liên quan cùng tham dự.
tổng kết công tác năm 2023 và triển khai Kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và PTNT_hình 1.jpg
Thủ tướng Chính phủ - Phạm Minh Chính, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT – Lê Minh Hoan chủ trì Hội nghị

 tổng kết công tác năm 2023 và triển khai Kế hoạch năm 2024 ngành Nông nghiệp và PTNT_hình 2.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai – Võ Văn Phi và các đại biểu tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai
 
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và PTNT, Ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Kế hoạch năm 2023 trong điều kiện có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; trong đó, đặc biệt khó khăn về thị trường xuất khẩu lâm sản và thuỷ sản. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ; toàn ngành đã thống nhất từ nhận thức đến hành động, tổ chức thực hiện chuyển đổi mạnh mẽ sang tư duy kinh tế nông nghiệp, hội nhập quốc tế, bám sát thực tiễn, chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt, nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn. Vì vậy, năm 2023, Ngành vẫn duy trì đà tăng trưởng cao, phát triển toàn diện; nhấn mạnh 08 nội dung chủ yếu đạt được: (i) Tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp 3,83%, cao nhất trong nhiều năm gần đây, đóng góp lớn vào mức tăng trưởng 5,05% của nền kinh tế (trong đó: Nông nghiệp tăng 3,88%; thủy sản tăng 3,71%, lâm nghiệp tăng 3,74%); (ii) Tổng kim ngạch xuất khẩu NLTS duy trì mức cao, trên 53 tỷ USD; thặng dư thương mại cao nhất từ trước tới nay 12,07 tỷ USD, tăng 43,7%, Việt Nam đã sản xuất và xuất khẩu vaccine thương mại phòng bệnh dịch tả lợn Châu phi; (iii) Phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản theo hướng chế biến sâu, giá trị cao. Nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao khoa học công nghệ, gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn đổi mới; nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững Ngành, nghiệm thu 55 nhiệm vụ KHCN và 59 dự án khuyến nông trung ương; trên cơ sở đó công nhận, ban hành 69 giống mới, 42 tiến bộ kỹ thuật, 19 quy trình công nghệ. (iv) Tổ chức thành công nhiều sự kiện lớn mang tầm quốc gia, quốc tế (Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo, Festival Bảo tồn và phát triển làng nghề, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN về phòng chống thiên tai...), qua đó giúp quảng bá hình ảnh, thương hiệu nông lâm thủy sản trong nước, khu vực và quốc tế, thúc đẩy tiêu thụ nông sản; (v) Đã tập trung xây dựng, trình ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả nhiều Đề án, Chương trình, cơ chế, chính sách quan trọng cho phát triển Ngành: Chiến lược phát triển ngành nghề nông thôn; Đề án Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao; chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi; chính sách khuyến khích phát triển kinh tế trang trại; chính sách phát triển thủy sản…(vi) Về xây dựng nông thôn mới, đổi mới tổ chức sản xuất: cả nước có khoảng 6.370/8.167 (78%) xã đạt chuẩn NTM, trong đó 1.612 xã đạt chuẩn NTM nâng cao và 256 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Có 270 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; đến nay có 11.056 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên (tăng 2.189 sản phẩm) với 5.724 chủ thể tham gia; có gần 20.500 HTX nông nghiệp và 19.660 trang trại; (vii) Về đầu tư xây dựng cơ bản: được giao 9.852 tỷ đồng, kết quả giải ngân trên 94,6%; (viii) Trình Chính phủ ban hành 04 Nghị định và ban hành 26 Thông tư; Công tác chuyển đổi số, thực hiện Chính phủ số tạo chuyển biến tích cực trong giải quyết TTHC; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh ngành, sản phẩm.
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề ra 5 nhóm chỉ tiêu cơ bản: (1) Tốc độ tăng trưởng GDP ngành khoảng 3 – 3,5%; (2) Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 54 – 55 tỷ USD; (3) Phấn đấu tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 80%; có 290 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; tỷ lệ số xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm 82%; (4) Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn 58%; (5) Tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42,02% nâng cao chất lượng rừng. Đồng thời, xác định 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện, cụ thể:
- Tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy suất nguồn gốc và xây dựng mã số vùng trồng, vùng nuôi. Đổi mới và phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ hợp tác, liên kết theo chuỗi; kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi để bảo đảm kế hoạch sản xuất; triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống thiên tai để hạn chế ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Tổ chức triển khai và thu hút các nguồn lực thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL đến năm 2030”.
- Định hướng kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường; bảo đảm nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu; xây dựng nông thôn mới thực chất, hiệu quả, gắn với phát triển kinh tế nông thôn.
- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu; hỗ trợ các địa phương kết nối, thúc đẩy chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản vào vụ thu hoạch.
- Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Thu hút các nguồn lực đầu tư hiện đại hóa hạ tầng nông nghiệp, trong đó có hạ tầng thủy sản góp phần sớm gỡ Thẻ vàng đối với khai thác thủy sản.
- Phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo thông qua tháo gỡ rào cản, nút thắt cơ chế, chính sách, gắn với chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn. Đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường.
- Đổi mới phương thức, nội dung, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, nhất là truyền thông chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn. Sắp xếp, kiện toàn tổ chức các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ; cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư, kinh doanh vào nông nghiệp, nông thôn.
Tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và biểu dương kết quả đạt được của ngành Nông nghiệp, đã đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của cả nước trong năm 2023. Đồng thời, giao chỉ tiêu cho ngành nông nghiệp năm 2024 đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 4% trở lên; Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt từ 55 tỷ USD trở lên; nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm như: sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch vững mạnh; tập trung đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số sản xuất kinh doanh; phát triển nông nghiệp xanh và thị trường tín chỉ carbon; cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, sản phẩm OCOP, với 5 yếu tố quan trọng: khoa học công nghệ, vốn, quy hoạch nguồn nguyên liệu, xây dựng thương hiệu, thị trường; đẩy mạnh cơ giới hóa, ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm; đẩy mạnh liên kết sản xuất, gắn tiêu thụ sản phẩm; phát triển kinh tế biển, tăng sản xuất nuôi trồng, giảm khai thác; tăng cường bảo vệ và phát triển rừng, thực hiện tốt Đề án trồng 01 tỷ cây xanh; thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân; đẩy mạnh hội nhập, hợp tác quốc tế, bảo vệ hàng hóa của Việt Nam và quyền lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp.
Quang Tuyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​