​11 nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch bệnh động vật trong tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024

Để đánh giá kết quả thực hiện công tác phòng chống dịch động vật từ đầu năm 2023 đến nay và triển khai thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024; ngày 03/11/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội nghị về phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm các tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024. Dự Hội nghị có đồng chí Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lãnh đạo Cục Thú y, Cục Chăn nuôi, các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT; đại diện Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT, Cơ quan quản lý chuyên ngành thú y của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các doanh nghiệp chăn nuôi, sản xuất, cung ứng thuốc thú y và vắc xin, hiệp hội có liên quan, Tổ chức USAID và FAO tại Hà Nội và một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Trong 10 tháng đầu năm 2023, các tỉnh/thành phố cơ bản kiểm soát tốt nhiều loại dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm trên đàn vật nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho chăn nuôi phát triển bền vững, bảo đảm nguồn cung thực phẩm và an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước, góp phần thúc đẩy xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Tuy nhiên, một số loại dịch bệnh trong nước đang có chiều hướng gia tăng mạnh trong những tháng cuối năm 2023 như bệnh DTLCP, Lở mồm long móng (LMLM), Cúm gia cầm (CGC), Viêm da nổi cục (VDNC), Tai xanh, Dại…. Nguyên nhân: (i) Tình hình dịch bệnh động vật trên thế giới và trong khu vực (như bệnh DTLCP, LMLM, CGC, VDNC…) diễn biến rất phức tạp, do đó nguy cơ dịch bệnh xâm nhiễm vào Việt Nam là rất cao; (ii) Tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò tại nhiều địa phương chưa được kiểm soát tốt; (iii) Sau một số năm, dịch bệnh động vật trong nước được kiểm soát tốt, nhiều địa phương chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch bệnh, chưa chú trọng đến phát triển chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, việc tiêm phòng các bệnh cho đàn vật nuôi đạt tỷ lệ rất thấp, không đáp ứng yêu cầu phòng bệnh; (iv) Một số địa phương, doanh nghiệp và người dân chưa thực hiện nghiêm việc giám sát, phát hiện, báo cáo, xử lý dịch bệnh theo quy định, tình trạng bán chạy gia súc, gia cầm nghi mắc bệnh đáng báo động; kết quả giám sát chủ động cho thấy một số 2 loại mầm bệnh như DTLCP, LMLM, CGC, Dại, Nhiệt thán… còn lưu hành với tỷ lệ tương đối cao; (v) Nhiều địa phương chưa chủ động bố trí kinh phí và các nguồn lực cho phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm; (vi) Thời tiết biến đổi tạo thuận lợi cho mầm bệnh phát triển, gây ra dịch bệnh.
11 nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch bệnh động vật trong tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024_hình 1.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Phùng Đức Tiến chủ trì Hội nghị

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT - Phùng Đức Tiến đã kết luận và đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo các Sở, ban, ngành và chính quyền các cấp, doanh nghiệp và người chăn nuôi tập trung nguồn lực triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo đúng quy định của Luật Thú y, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, đặc biệt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia, chỉ thị, công điện; trong đó tập trung 11 nhiệm vụ trọng tâm để chủ động phòng, chống có hiệu quả các loại dịch bệnh động vật: (1) Kiên quyết ngăn chặn, chấm dứt tình trạng buôn bán, vận chuyển, nhập lậu gia cầm, lợn, trâu bò và các sản phẩm động vật tại nhiều địa phương theo đúng quy định và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 426/CĐ-TTg ngày 18/5/2023 và Công điện số 694/CĐ-TTg ngày 01/8/2023; các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và PTNT. (2) Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng định kỳ, tiêm bổ sung vắc xin phòng các bệnh nguy hiểm (LMLM, CGC, VDNC, Tai xanh, Dại, Nhiệt thán, đặc biệt cần đẩy mạnh việc tiêm vắc xin phòng bệnh DTLCP), nhất là tại các khu vực đã từng xảy ra ổ dịch, khu vực có nguy cơ cao, bảo đảm tiêm phòng đạt tối thiểu 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm. (3) Tổ chức triển khai giám sát chủ động để phát hiện sớm, cảnh báo và xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới phát hiện ở phạm vi hẹp, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo dịch bệnh, bán chạy động vật nghi mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh; thực hiện nghiêm báo cáo dịch bệnh động vật trên Hệ thống thông tin dịch bệnh động vật (VAHIS). (4) Tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc khử trùng để tiêu diệt các loại mầm bệnh lưu hành trong môi trường, nhất là tại các vùng dịch, ổ dịch cũ, cơ sở thu gom, buôn bán, giết mổ động vật,… (5) Tổ chức thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật theo đúng quy định. (6) Tập trung, đẩy mạnh xây dựng các chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh động vật phục vụ tiêu dùng trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. (7) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức về nguy cơ, tác hại của dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đặc biệt tuyên truyền, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, chủ động phòng bệnh, không giấu dịch, không bán chạy, giết mổ, vứt xác động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh,… (8) Tổ chức thanh tra, kiểm tra, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, cung ứng các loại thuốc, vắc xin thú y, hóa chất cần thiết cho công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo đúng quy định. (9) Ưu tiên bố trí nguồn lực triển khai có hiệu quả: “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021 - 2030”; “Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và đảm bảo an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023 – 2030”; đặc biệt khẩn trương kiện toàn và tăng cường năng lực hệ thống thú y các cấp theo quy định của Luật Thú y để bảo đảm các nguồn lực tổ chức triển khai có hiệu các nhiệm vụ phòng, chống dịch bệnh động vật. (10) Bố trí các nguồn lực, kinh phí để triển khai các Chương trình, Kế hoạch quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chỉ đạo thực hiện tại các Chương trình, Kế hoạch quốc gia. (11) Thành lập các đoàn công tác đến các địa phương trọng điểm về chăn nuôi, dịch bệnh để tổ chức hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh động vật.
 11 nhiệm vụ trọng tâm phòng, chống dịch bệnh động vật trong tháng cuối năm 2023 và đầu năm 2024_hình 2.jpg
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Tỉnh Đồng Nai có ngành chăn nuôi phát triển khá mạnh; trong năm 2023, chăn nuôi của tỉnh tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp, hiện đại, an toàn sinh học, tổng đàn các đối tượng vật nuôi chủ lực tiếp tục duy trì đà tăng trưởng so với cùng kỳ. Hiện tổng đàn heo khoảng 2,3 triệu con, tăng 1,05%; đàn gà khoảng 22,6 triệu con, tăng 3,7%; đàn trâu, bò khoảng 111,5 nghìn con, tăng 0,5%. Dự ước tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng các đối tượng vật nuôi chính (trâu, bò, heo, gia cầm) đạt 676,5 nghìn tấn, tăng 4,6% so cùng kỳ, trong đó: thịt heo đạt 473,15 nghìn tấn, tăng 4,15%; thịt gia cầm 165,58 nghìn tấn, tăng 5,87%; thịt trâu bò đạt 5,27 nghìn tấn, tăng 4,61%.  
Để bảo vệ đàn vật nuôi, góp phần ổn định và phát triển chăn nuôi bền vững, ngoài việc xây dựng các kế hoạch giai đoạn, tỉnh còn xây dựng kế hoạch hằng năm. Trong năm 2023, căn cứ chỉ đạo và hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 20/KH-UBND ngày 18/01/2023 về phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản trên địa bàn tỉnh năm 2023, trong đó bố trí kinh phí khoảng 29,3 tỷ đồng để tổ chức triển khai các giải pháp phòng chống dịch như: chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng chống dịch bệnh của cơ sở chăn nuôi, kê khai chăn nuôi, giám sát chủ động và kiểm tra, đôn đốc thực hiện phòng chống dịch, nhất là các địa bàn có ổ dịch cũ, đẩy mạnh xã hội hóa tiêm phòng, xây dựng các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh, tổ chức tiêu độc khử trùng làm sạch môi trường, làm tốt công tác kiểm dịch kiểm soát giết mổ, góp phần ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan dịch bệnh trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, Ủy ban nhân dân tỉnh đã xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí khoảng 33 tỷ đồng để chủ động triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh.
Quang Tuyên
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​