Nhất quán chủ trương phát triển nông nghiệp bền vững

​Tại Hội nghị triển khai Kế hoạch hành động của Bộ NN&PTNT thực hiện Chiến lược Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã nhấn mạnh những thách thức của nông nghiệp Việt Nam, như diện tích đất sản xuất bị thu hẹp, nhu cầu lương thực tăng do dân số tăng, chưa quan tâm đúng mức đến phát triển bền vững; giải quyết chưa triệt để lượng tồn dư trong thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, sử dụng quá mức phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật hóa học, tổn thất sau thu hoạch còn cao… gây ra các rủi ro, nguy hại đối với môi trường.
Phát triển nông nghiệp bền vững là chiến lược vĩ mô
Theo đó tăng trưởng xanh đã dần trở thành xu hướng phát triển chủ đạo. Ngày 1/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2050 và Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 (22/07/2022). Tiếp đó, ngày 12/9/2022 Bộ NN&PTNT đã ban hành Kế hoạch hành động của Bộ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030. Kế hoạch hành động nhằm bảo đảm phù hợp và triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ định hướng của Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và các chiến lược khác của ngành có liên quan.
Mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030 đạt tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông nghiệp 2,5 - 3%/năm; nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo vệ tài nguyên đất nước, thủy sản, rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; tỉ lệ che phủ rừng duy trì ở mức 42%, diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững trên 1 triệu ha; giảm thâm dụng đầu vào hóa chất nông nghiệp tăng hiệu quả sử dụng nguồn lực tự nhiên trong quá trình sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, tỉ lệ sản phẩm phân bón hữu cơ trong tổng sản phẩm phân bón được sản xuất và tiêu thụ đạt trên 30%; tăng số lượng thuốc bảo vệ thực vật sinh học trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng lên trên 30%; có ít nhất 30% tổng diện tích cây trồng cạn có tưới được áp dụng phương pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước
Trước đó, nhằm tăng cường quản lý nhà nước trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nông nghiệp...; quản lý chặt chẽ vật tư nông nghiệp, nhất là giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, kháng sinh trong nông nghiệp; kiểm soát vệ sinh an toàn thực phẩm hàng nông sản, kiên quyết xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật vệ sinh an toàn thực phẩm, sử dụng chất cấm, kháng sinh không đúng quy định và đẩy mạnh triển khai chương trình và chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, UBND tỉnh Đồng Nai đã ra Quyết định số 4162/QĐ-UBND ngày 06/11/2020 về việc phê duyệt kế hoạch phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2020 - 2030.
Tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ
Trong chương trình phát triển nông nghiệp bền vững tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, Đồng Nai cũng đề ra những mục tiêu tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ. Cụ thể, mục tiêu đến năm 2025, lĩnh vực trồng trọt, toàn tỉnh có 500ha cây ăn trái đạt chứng nhận hữu cơ; 630ha diện tích cây công nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ; 200ha rau đạt chứng nhận hữu cơ; có sản phẩm chăn nuôi hữu cơ như: heo, bò, gia cầm… Diện tích và sản lượng sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản đạt chứng nhận hữu cơ tiếp tục tăng lên, có loại đặt mục tiêu tăng gần gấp đôi vào năm 2030. Qua khảo sát, lấy mẫu đất, mẫu nước để phân tích các chỉ tiêu, toàn tỉnh có 99 vùng có đủ điều kiện để phát triển nông nghiệp hữu cơ với diện tích trên 3,1 ngàn ha.
Định hướng phát triển gồm các nội dung như: xác định được cụ thể các vùng tập trung có tiềm năng theo quy mô, địa điểm, cây trồng, vật nuôi để phát triển theo hướng hữu cơ đến năm 2030. Cụ thể, phải xác định được các dự án, mô hình điểm về phát triển nông nghiệp hữu cơ tập trung thực hiện trong giai đoạn 2021-2025. Hình thành các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản hữu cơ hướng đến xuất khẩu. Trong đó, định hướng phát triển, phương án đề xuất, vùng tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh phải phù hợp với định hướng chung về phát triển nông nghiệp nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung theo các quy hoạch của tỉnh Đồng Nai và có tính khả thi cao.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp chuyển đổi cơ cấu cây trồng và mở rộng diện tích các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, giảm các loại cây có giá trị kinh tế thấp được thực hiện theo đúng định hướng; phát triển các loại vật nuôi chủ lực như heo, gà theo hướng chăn nuôi trang trại; diện tích nuôi trồng thủy sản tiếp tục được mở rộng và chuyển đổi mạnh mẽ theo hướng tập trung nuôi thâm canh, bán thâm canh đối với các loài có giá trị kinh tế cao;… Đã hình thành vùng chuyên canh với những cây nông nghiệp mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp phát triển một số mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ tại các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); vùng chôm chôm VietGAP (xã Bình Lộc, TP Long Khánh); vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)…
Nhiều chương trình hỗ trợ, chính sách khơi thông được áp dụng
Tuy nhiên, số lượng sản phẩm chưa nhiều, chất lượng sản phẩm chưa cao, còn mô hình sản xuất hiệu quả chưa bền vững, mối liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế, nhất là sản phẩm sạch, đảm bảo an toàn thực phẩm, chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh bởi chuyển đổi sản xuất hữu cơ cần quá trình dài hạn, đầu tư tốn kém với nhiều bài toán cần đặt ra về chính sách, hạ tầng, quy định về sản xuất, chứng nhận, thị trường…
Để thúc đẩy kế hoạch, Đồng Nai đã triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp hữu cơ như: Chính sách về hỗ trợ sản xuất an toàn; Ký kết biên bản thỏa thuận hợp tác về phát triển nông nghiệp hữu cơ với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm; Kế hoạch thực hiện Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp giai đoạn 2021-2025; Chương trình khuyến nông 5 năm…
Theo Phó giám đốc Sở NN-PTNT Trần Lâm Sinh, hiện tỉnh có nhiều chương trình, kế hoạch phát triển nông nghiệp hữu cơ. Tuy nhiên, hỗ trợ phát triển nông nghiệp hữu cơ đang được triển khai lồng ghép thông qua một số chính sách đã được ban hành. Nhằm phấn đấu hoàn thành mục tiêu của tỉnh đề ra đến năm 2025 là diện tích nhóm đất nông nghiệp hữu cơ đạt khoảng 33 ngàn ha, Sở NN-PTNT phối hợp với các ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng đề án Phát triển nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh; dự án Đánh giá chất lượng đất nông nghiệp, đặc biệt là nghiên cứu xây dựng chính sách đặc thù của tỉnh về phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Kết quả bước đầu, toàn tỉnh đã có 7ha trồng hồ tiêu, rau đạt chứng nhận hữu cơ; đang triển khai xây dựng 80 mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ với quy mô gần 1,5 ngàn ha cây trồng và gần 24 ngàn vật nuôi…Dự kiến cuối năm 2023, toàn tỉnh có thêm hơn 22ha cây trồng đạt chứng nhận hữu cơ.
Đồng Nai đang tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Đây là hướng đi phù hợp được nông dân tích cực tham gia vì là giải pháp giảm chi phí sản xuất khi các loại phân, thuốc hóa học tăng giá gấp nhiều lần so với trước. Nông dân cũng ngày càng nhận thức rõ sản xuất theo hướng hữu cơ là giải pháp sản xuất để ra sản phẩm an toàn, chi phí rẻ có thể ứng dụng đại trà.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi cũng thông tin, hiện đã đủ cơ sở pháp lý để xây dựng chính sách phát triển nông nghiệp hữu cơ gồm Nghị quyết của Chính phủ đã có hướng dẫn triển khai, về phía tỉnh đã có chủ trương đột phá phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đồng thời, yêu cầu Sở NN-PTNT xác định cụ thể những loại cây, con làm mô hình hữu cơ; rà soát xây dựng bao nhiêu vùng nông nghiệp hữu cơ sẽ làm trong từng giai đoạn. Cốt lõi cho sự thành công phát triển sản xuất hữu cơ là thu hút được nhà đầu tư có năng lực, đầu tư bài bản, xây dựng được các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ vì làm ra mà không có thị trường thì mô hình thiếu bền vững. Chính sách hỗ trợ phải thiết thực với mục tiêu sản xuất hữu cơ phải đạt mức thu nhập tốt, tạo động lực nhân rộng mô hình.
Bích Phượng
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​