​Ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trong khó khăn

Trong tình hình kinh tế khó khăn, trong 9 tháng năm 2023, ngành Nông nghiệp vẫn giữ mức tăng trưởng cao với giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 37,4 nghìn tỷ đồng, tăng gần 3,7 % so với cùng kì năm ngoái.
Đặc biệt, các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá về nông nghiệp và phát triển kết cấu hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 như phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản…đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Giữ mức tăng trưởng tốt
Trong đó, hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh cơ bản ổn định. Hiện tổng đàn heo hơn 2,4 triệu con, giảm hơn 8,4%; đàn gà hơn 23 triệu con, giảm gần 6,3% so với cùng kỳ. Riêng đàn trâu bò hơn 99,7 ngàn con, tăng hơn 4% so cùng kỳ. Tuy nhiên, tổng sản lượng thịt hơi xuất chuồng trong 9 tháng đạt 517 nghìn tấn, tăng hơn 6,3% so cùng kỳ, đạt gần 77,5% so với kế hoạch năm 2023. Ngoài ra, sản lượng trứng các loại đạt 1.017 triệu quả, tăng gần 6,6% so cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - thú y tỉnh, công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển gia súc, gia cầm, sản phẩm động vật ra vào tỉnh được kiểm soát chặt chẽ. Ngành thú y tỉnh đã hoàn thành công tác tiêu độ khử trùng đợt 1 năm 2023; cấp gia hạn 42 giấy chứng nhận cơ sở an toàn dịch bệnh. Luỹ kế đến nay toàn tỉnh có 657 cơ sở được công nhận an toàn dịch bệnh, duy trì được 5 vùng an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Newcastle cấp huyện. Khó khăn hiện nay là tình hình dịch tả heo châu Phi đang có xu hướng diễn biến phức tạp. Ngành thú y tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; tập trung công tác kiểm tra để sớm phát hiện và xử lý nhanh nếu có ổ dịch mới phát sinh, kiểm soát không để lây lan ra diện rộng; tuyên truyền để người chăn nuôi ý thức thực hiện triệt để công tác an toàn vệ sinh dịch bệnh.
Về lĩnh vực trồng trọt, sản xuất cây hàng năm, cây lâu năm đều có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm ngoái. Đặc biệt, các mặt hàng cây ăn trái đạt sản lượng cao với hơn 434,7 ngàn tấn. Trong đó, các cây trồng có giá trị xuất khẩu, cho lợi nhuận tốt đều tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, chuối đạt gần 152 ngàn tấn, tăng hơn 13,8%; bưởi 65,5 ngàn tấn, tăng gần 14,8%; sầu riêng 75 ngàn tấn, tăng 0,06%...
Tình hình nuôi trồng thủy sản phát triển ổn định, không xảy ra dịch bệnh trên đối tượng nuôi. Tổng sản lượng thủy sản khoảng 54 ngàn tấn, tăng 4,7% so với cùng kỳ, đạt 71% so với kế hoạch. Đa phần sản phẩm thủy sản được tiêu thụ ổn định, đặc biệt cá lăng, cá diêu hồng, cá lóc đang có giá tiêu thụ tốt, người nuôi có lợi nhuận.
Triển khai hiệu quả nhiều nhiệm vụ đột phá
Trong 9 tháng, ngành Nông nghiệp thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp đột phá về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ nông sản…
Một số kết quả nổi bật như: Toàn tỉnh đã xây dựng được 6/8 mô hình sản xuất nông nghiệp đạt chứng nhận hữu cơ, với quy mô 12,2 ha, đạt 75% chỉ tiêu kế hoạch năm; hình thành 45/40 mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, vượt 12,5 % kế hoạch; tỷ lệ sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh tiêu thụ qua hợp đồng liên kết đạt 40%; tỷ lệ các hợp  tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả đạt 52%...
Đạt được hiệu quả trên nhờ ngành Nông nghiệp đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong 9 tháng năm 2023, các địa phương tập trung hỗ trợ triển khai nhân rộng 62 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả nhân rộng được hơn 1,6 ngàn ha cây trồng các loại, 150,4 ngàn gia súc, gia cầm và gần 1,2 ngàn ha cây trồng ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các địa phương chú trọng triển khai thực hiện. Riêng công tác khuyến nông thường xuyên của ngành Nông nghiệp năm 2023 đang triển khai xây dựng và nhân rộng 30 mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả gồm: 19 mô hình trồng trọt; 6 mô hình chăn nuôi; 5 mô hình thuỷ sản. Trong đó có 8 mô hình sản xuất theo hướng an toàn thực phẩm (VietGAP, hữu cơ, an toàn sinh học), 22 mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện nay Sở đang phối hợp địa phương chọn điểm, chọn hộ để triển khai xây dựng mô hình, tiến độ thực hiện bảo đảm theo kế hoạch đề ra.
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ, cho biết, một trong bốn nhiệm vụ đột phá của Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025 là tập trung phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm; công nghiệp chế biến sâu nông sản và các dịch vụ nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Dự kiến đến năm 2025, các chương trình trên đều đạt và vượt mục tiêu đề ra. Đặc biệt, về công tác quy hoạch, các địa phương của tỉnh đã xác định được 98 vùng sản xuất tập trung, 8 vùng sản xuất công nghệ cao với quy mô hơn 6,5 ngàn ha và 10 khu vực đủ điều kiện phát triển vùng nông nghiệp hữu cơ với quy mô 21,4 ngàn ha.
ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trong khó khăn_hình 1.jpg
Mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng theo hướng sinh học tại xã Hưng Lộc, H.Thống Nhất đạt hiệu quả kinh tế cao.

ngành Nông nghiệp đạt tăng trưởng cao trong khó khăn_hình 2.jpg
Đóng gói sầu riêng xuất khẩu ở một doanh nghiệp tại TP.Long Khánh.
Bình Nguyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​