​Đồng Nai đổi mới phương thức tiêu thụ nông sản

Toàn tỉnh Đồng Nai hiện có 200 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xác lập, với sự tham gia của 103 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 35 cơ sở giết mổ và 13.809 hộ sản xuất tham gia.
Tăng cường xúc tiến giao thương
Trước bối cảnh biến động của kinh tế toàn cầu các hoạt động sản xuất, lưu thông, vận chuyển hàng hóa nông sản đang dần được phục hồi, các mặt hàng nông sản có thị trường tiêu thụ ổn định, giá cả có xu hướng tăng đang là trụ đỡ vững chắc cho toàn nền kinh tế. Chỉ trong 6 tháng đầu năm, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản của Đồng Nai đạt 23,85 ngàn tỷ đồng, đạt 49,1% so kế hoạch năm 2023. Dự ước GRDP nông lâm thuỷ sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 20,8 ngàn tỷ đồng, chiếm 9,54% tỷ trọng tổng giá trị sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Cùng với dịch vụ, ngành nông nghiệp là 1 trong 02 lĩnh vực đạt mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2023.
Để có được những kết quả tích cực trên, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã kịp thời phối hợp các ngành, địa phương thông tin đến các hội, hiệp hội, doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX), người dân về diễn biến thị trường nông sản trong nước cũng như quốc tế, nhu cầu nhập khẩu và các thị trường xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam để có giải pháp tổ chức sản xuất hướng dẫn cho nông dân sản xuất và tiêu thụ nông sản. Cụ thể, ngành nông nghiệp Đồng Nai đã thông tin về tình hình thông quan tại cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lào Cai đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp Liên đoàn Lao động tỉnh triển khai, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia Chương trình “Chợ Tết Công đoàn năm 2023”; đề xuất 18 sản phẩm OCOP đạt chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sao của 08 chủ thể tham gia Chương trình “hành trình tìm kiếm và quảng bá TOP-BEST các sản phẩm OCOP bán chạy trên thị trường Việt Nam của 63 tỉnh thành”; tổ chức Lễ hội trái cây và quảng bá sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP tỉnh Đồng Nai năm 2023, Lễ xuất khẩu chuối tươi đầu năm Quý Mão 2023…
Song song với đó, công tác triển khai hướng dẫn cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói theo Văn bản số 1776/BNN-BVTV ngày 23/3/2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói nông sản phục vụ xuất khẩu cũng được Đồng Nai đặc biệt chú trọng, theo đó Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 177/KH-SNN về phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh năm 2023 với mục tiêu có thêm ít nhất 31 dự án/kế hoạch liên kết được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, duy trì 09 dự án cánh đồng lớn đang còn hiệu lực, đồng thời phân bổ chỉ tiêu cụ thể cho từng địa phương để tổ chức thực hiện; hướng dẫn, hỗ trợ 06 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã xây dựng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức 12 lớp tập huấn chính sách về liên kết cho 930 lượt doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân.
Đến nay, toàn tỉnh Đồng Nai có 200 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm được xác lập, với sự tham gia của 103 doanh nghiệp, 65 hợp tác xã, 35 cơ sở giết mổ và 13.809 hộ sản xuất tham gia, gồm: 09 dự án cánh đồng lớn, 14 dự án liên kết được phê duyệt theo Nghị quyết số 143/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh và 177 chuỗi liên kết do các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân chủ động thực hiện.
Tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết
Với mục tiêu chung là hình thành và phát triển đa dạng các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản theo chuỗi bền vững có ứng dụng thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế, ngày 9/2/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 194/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 (Đề án). Theo đó, quan điểm của Đề án là đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản phải gắn với quá trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chương trình xây dựng nông thôn mới và ứng dụng khoa học công nghệ. Trong đó, nội dung chính trong đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản là kế thừa những điểm mạnh của các phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản hiện có nhưng theo xu hướng sẽ giảm lượng nông sản tiêu thụ thông qua kênh tiêu thụ nông sản truyền thống và tăng lượng nông sản tiêu thụ qua kênh liên kết và kênh hợp nhất gắn với việc ứng dụng thương mại điện tử, truy xuất nguồn gốc nông sản.
Nắm bắt chủ trương và hiện thực hóa Đề án, từ năm 2021, Đồng Nai đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) ecdn.vn nhằm kết nối, hỗ trợ miễn phí cho DN, HTX… quảng bá, tiêu thụ sản phẩm. Đây là sàn TMĐT đầu tiên ở các địa phương trên cả nước ứng dụng, tích hợp thanh toán trực tuyến, kết hợp với dịch vụ logistics… Sở Công thương Đồng Nai cho biết, cùng với vận hành, Sở sẽ xem xét nâng cấp chức năng mua sắm hàng hóa trên thiết bị điện thoại di động (Android, iOS) đối với các giao dịch trên Sàn TMĐT Đồng Nai cũng như xây dựng phương án vận hành, nguồn nhân lực phù hợp, hiệu quả, đúng quy định để phát triển ecdn.vn. Đồng thời đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền về Sàn TMĐT Đồng Nai; tăng cường hỗ trợ các DN, HTX, nhất là các chủ thể OCOP trên địa bàn đưa hàng hóa lên sàn; thường xuyên tổ chức các chương trình, lớp tập huấn nhằm xây dựng thương hiệu và cách thức quảng bá sản phẩm hiệu quả trên môi trường trực tuyến; nâng cao kỹ năng quản trị gian hàng trên Sàn TMĐT Đồng Nai; nâng cao việc kinh doanh online hiệu quả trên các kênh TMĐT phổ biến hiện nay như Sendo.vn, Voso.vn, Alibaba.com, Shopee.vn, Lazada.vn, Tiki.vn và Postmart.vn…
Với mục đích kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, góp phần tiêu thụ nông sản vào mùa thu hoạch, tháng 4/2022, Hội Nông dân Đồng Nai và Bưu điện đã ký hợp tác hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Theo đó, Hội Nông dân cùng Bưu điện tỉnh Đồng Nai giúp nông dân tiêu thụ nông sản chưa qua chế biến mang tính mùa vụ theo đợt cao điểm như rau, củ, quả tươi (bơ, xoài, mít, thanh long, sầu riêng, tiêu, điều, cà phê…); sản phẩm chăn nuôi như thịt heo, gà, bò, dê; sản phẩm thủy sản như cua, tôm, cá và các sản phẩm đã sơ chế, sấy khô mang tính tiêu thụ thường xuyên gồm chuối, khoai lang, khoai môn, thanh long, mít, xoài, hạt sen, cà phê hạt, cà phê rang xay, hạt điều rang muối, ca cao… Dự án đã giúp hơn 15 nghìn hộ dân Đồng Nai có kênh tiêu thụ mới. Các chuyên gia thương mại nhận định, việc tiêu thụ các sản phẩm nông sản của địa phương trên sàn TMĐT đang tạo ra “làn sóng” mới trong thói quen tiêu dùng bởi sự tiện lợi khi mua sắm và tiết kiệm chi phí cho các doanh nghiệp, HTX và hộ nông dân. Tổng quan, kênh bán hàng trực tuyến không những giúp các hộ nông dân giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng trong và ngoài nước mà còn hỗ trợ tiêu thụ hàng nông sản thuận lợi hơn, tránh bị thương lái ép giá khi thị trường có biến động mà còn gián tiếp mang đến làn sóng mới trong sản xuất kinh doanh, sẵn sàng thay đổi và thích ứng với chuyển đổi số.
Hoàng Hiền
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​