​OCOP là tài nguyên để xây dựng, phát triển du lịch nông thôn

Với 150 sản phẩm OCOP được công nhận, Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP. Đây được xem là nguồn tài nguyên để tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch nông thôn với nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khảo sát xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với các tiêu chí OCOP
Đồng Nai đang phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế và du lịch (TP. Hồ Chí Minh) triển khai thực hiện Kế hoạch tư vấn xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp gắn với sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh năm 2023. Thời gian triển khai kế hoạch khảo sát tư vấn dự kiến từ tháng 8 đến tháng 10.2023.
Theo đó, có 4 địa phương được chọn để khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch cộng đồng gồm các huyện: Tân Phú, Định Quán, Xuân Lộc và TP. Long Khánh. Kế hoạch khảo sát nhằm từng bước xây dựng mô hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch theo bộ tiêu chí OCOP gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, đáp ứng một phần nhu cầu và xu hướng phát triển du lịch trong thời gian tới. Đồng thời tư vấn, định hướng cho địa phương và các hộ nông dân, cụm dân cư đang khai thác du lịch trên địa bàn tỉnh về mô hình du lịch cộng đồng dựa trên tài nguyên nông nghiệp nhằm tạo ra chuỗi sản phẩm dịch vụ du lịch đa dạng, nổi bật, khác biệt, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh.
Kết nối, đưa sản phẩm vào các điểm du lịch
Với 150 sản phẩm OCOP được công nhận, Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam bộ về số lượng sản phẩm OCOP. Sự đa dạng về chủng loại với nhiều sản vật mang đặc trưng của các địa phương đã được chứng nhận an toàn là thế mạnh cần được khai thác thành sản phẩm phục vụ nhu cầu ẩm thực, tiêu dùng của khách du lịch như: khô cá kìm, hạt sen, bưởi, gà thảo mộc, sản phẩm chế biến từ quả ca cao, trái cây chế biến…
Thời gian qua, một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã kết nối đưa sản phẩm vào các điểm, khu du lịch. Đây là kênh tiêu thụ nông sản địa phương tại chỗ rất tiềm năng cần được hỗ trợ để khai thác hiệu quả. Thực tế, nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến sản phẩm OCOP đã cung cấp hàng cho các trạm dừng chân, khu du lịch trong và ngoài tỉnh để quảng bá, mở rộng kênh tiêu thụ sản phẩm.
Theo ông Liu Tác Sáng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại sản xuất Thuận Hương (xã Túc Trưng, huyện Định Quán), nhiều sản phẩm sấy khô, sấy dẻo từ trái cây, rau củ của doanh nghiệp đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh. Doanh nghiệp rất quan tâm đến nhóm khách hàng là du khách nên tích cực tham gia các hội chợ, hoạt động kết nối, quảng bá nông sản gắn với du lịch.
Ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức chia sẻ, “nhiều năm qua, tôi đã kiên trì tham gia rất nhiều chương trình kết nối, quảng bá với mục tiêu đưa sản phẩm ca cao vào các điểm, khu du lịch trong và ngoài tỉnh. Doanh nghiệp cũng đã tìm được một số đối tác bán sản phẩm cho du khách trong và ngoài nước”.
Nâng tầm giá trị nông sản
Trên địa bàn huyện Xuân Lộc, UBND huyện cho biết, hiện nay huyện đang chú trọng phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng đạt chuẩn OCOP ở các cụm du lịch sinh thái vườn tại các xã Xuân Bắc và Lang Minh. Đây là những điểm du lịch mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân, nhằm nâng tầm giá trị cho sản phẩm của nhà nông.
Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, huyện đã rà soát, hướng dẫn các xã đăng ký mô hình vườn mẫu. Đến nay, có 48 hộ dân đăng ký xây dựng mô hình vườn mẫu. Những vườn cây được chọn lựa sẽ được huyện hỗ trợ thực hiện truy xuất nguồn gốc, chứng nhận đạt chuẩn VietGAP, an toàn thực phẩm, xây dựng nhãn hiệu… Hiện đã có một số vườn khai thác, phát triển được mô hình du lịch sinh thái vườn như: cụm vườn cây, hoa ở xã Xuân Bắc; vườn Hồng Lợi Thịnh, vườn ông Tám Sinh (xã Xuân Tâm); vườn ca cao (xã Suối Cát), vườn dừa dứa và The Lúa Camping (xã Lang Minh); vườn bơ sầu riêng ông Hoàng (xã Bảo Hòa)... Đặc biệt, huyện đang hướng dẫn thực hiện chương trình OCOP cho sản phẩm du lịch cộng đồng ở cụm Vườn Hoa Bốn Mùa và The Lúa Camping.
Tổ hợp tác (THT) Du lịch sinh thái vườn cây ăn trái Xuân Bắc vừa chính thức ra mắt và khai trương sản phẩm du lịch cộng đồng gắn kết với vườn cây ăn trái. Đây là THT du lịch sinh thái đầu tiên của huyện Xuân Lộc được hình thành với sự tham gia của 8 thành viên và sẽ là điểm đầu tiên hướng tới xây dựng sản phẩm du lịch OCOP cho Xuân Lộc.
Ông Văn Thành Toàn, Tổ trưởng THT Du lịch sinh thái đồng thời là chủ điểm du lịch Vườn Hoa Bốn Mùa chia sẻ, sản phẩm du lịch sinh thái cộng đồng gắn kết vườn cây ăn trái Xuân Bắc được kết nối với 8 hộ dân, có tổng diện tích trên 10ha là các vườn trái cây măng cụt, bưởi da xanh, mít, chôm chôm, ổi… Theo ông Toàn, mục tiêu của THT du lịch sinh thái là khai thác lợi thế từ cộng đồng để xây dựng một thương hiệu du lịch riêng, có bản sắc, được hình thành từ những tiềm năng sẵn có về nông nghiệp, nông thôn, đây cũng là kênh quảng bá, tiêu thụ nông sản cho người dân địa phương.
Khánh Ngọc

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​