​Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh

Ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn tồn tại điểm yếu lớn là xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế. Trong khi đó, các nước ngày càng siết chặt và tăng các yêu cầu về kiểm dịch thú y đối với những mặt hàng chăn nuôi xuất khẩu.
Xây dựng được vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) theo chuẩn quốc tế chính là một trong những yêu cầu quan trọng để đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần phát triển ngành chăn nuôi bền vững trong giai đoạn hội nhập.
Nhiều chính sách ưu đãi cho vùng ATDB
Xây dựng vùng chăn nuôi ATDB được cho là chìa khóa để phát triển ngành chăn nuôi một cách bền vững, nhất là đủ điều kiện tham gia thị trường xuất khẩu. Việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi ATDB giúp chăn nuôi giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh, cải tiến và nâng cao hiệu quả quản lý trang trại; cung cấp thực phẩm an toàn cho thị trường, nhất là đối với các chuỗi liên kết từ chăn nuôi, giết mổ đến chế biến tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, theo yêu cầu của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), một trong những điều kiện tiên quyết để xuất khẩu thịt sang các thị trường là phải xây dựng được vùng chăn nuôi ATDB.
Bà Nguyễn Thị Điệp, Trưởng Phòng Dịch tễ (Cục Thú y) nhận xét, Ngành chăn nuôi đã và đang phát triển mạnh mẽ song vẫn đang tồn tại một trong những điểm yếu lớn, đó là xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật còn hạn chế. Nguyên nhân xuất phát cơ bản từ quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, các quy định về vệ sinh thú y còn lỏng lẻo, còn nhiều dịch bệnh khác nhau trong đó có nhiều dịch bệnh nguy hiểm và dịch bệnh lây nhiễm từ động vật sang người…Một trong những giải pháp đầu tiên và khả thi là xây dựng được các cơ sở, vùng ATDB.
Theo đó, Cục Thú y đã trình Thủ tướng ban hành Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 25/7/2023 về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm có nguồn gốc động vật, giai đoạn 2023-2030. Để giúp địa phương, doanh nghiệp triển khai thực hiện, Cục Thú y cũng tham mưu Bộ NN-PTNT ban hành Thông tư 24/2022/TT-BNNPTNT ngày 30/12/2022 về cơ sở, vùng ATDB.
Theo bà Nguyễn Thị Điệp, Thông tư cũ có những hạn chế như: quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB chưa được cụ thể hóa; một số quy định chưa tiệm cận với quy định quốc tế: Kế hoạch an toàn sinh học, Kế hoạch giám sát, Kế hoạch ứng phó dịch bệnh, số lượng mẫu giám sát… gây khó khăn cho xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật. Thông tư 24 vừa ban hành quy định một số nội dung mới về điều kiện cấp mới, duy trì cơ sở, vùng ATDB; số lượng mẫu giám sát; và quy định cơ quan xét nghiệm, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến thành phần hồ sơ về cơ sở, vùng ATDB và quyền lợi của cơ sở, vùng ATDB.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Trưởng phòng Thú y thủy sản (Cục Thú y) dẫn chứng, theo Thông tư 24, khi đạt chứng nhận vùng ATDB, cơ sở hưởng nhiều quyền lợi, trong đó có ưu tiên trong việc lựa chọn cung cấp con giống, động vật và sản phẩm động vật. Ngoài ra, động vật, sản phẩm động vật xuất phát từ cơ sở được công nhận ATDB được cấp giấy chứng nhận kiểm dịch trong vòng 1 ngày sau khi đăng ký kiểm dịch.
Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng ATDB
Theo báo cáo của Cục Thú y, hiện cả nước có hơn 2,2 ngàn cơ sở, vùng chăn nuôi tại 55 tỉnh, thành phố được chứng nhận ATDB. Đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng ATDB của cả nước. Hiện toàn tỉnh có 7 vùng được công nhận vùng ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 11 xã được chứng nhận ATDB với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 657 trang trại chăn nuôi được chứng nhận ATDB.
Ngành chăn nuôi của Đồng Nai tiếp tục phát triển theo hướng trang trại công nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, đảm bảo an toàn sinh học, ATDB, tổ chức sản xuất theo chuỗi khép kín. Đây là những điều kiện thuận lợi để tỉnh nhân rộng vùng, cơ sở an toàn ATDB.
Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai Nguyễn Kim Đoán cho biết, là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước và một trong những tỉnh cung cấp sản phẩm gia cầm cho thị trường xuất khẩu, Đồng Nai đi đầu cả nước trong xây dựng vùng chăn nuôi ATDB. Mục tiêu của tỉnh cũng để xây dựng được những chuỗi liên kết bền vững trong chăn nuôi, đáp ứng tốt thị trường xuất khẩu.
đồng Nai thuộc tốp đầu xây dựng vùng an toàn dịch bệnh_hình 1.JPG 

Tuy vậy, đến nay cả nước vẫn chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của OIE. Để làm được điều này, các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp có hoạt động trên địa bàn các tỉnh, thành phố tổ chức nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của OIE và yêu cầu của các nước nhập khẩu để xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi ATDB hướng đến xuất khẩu.
Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Trường Giang, Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh chỉ ra, hiện chưa có văn bản hướng dẫn nội dung nhiệm vụ cụ thể để xây dựng vùng ATDB theo quy định của OIE. Do đó, đề nghị Cục Thú y xem xem ban hành sớm nội dung này. Ngoài ra, công tác xây dựng vùng ATDB, phần kinh phí trước đây là 300 ngàn đồng giờ lên mức 3,5 triệu đồng, các đơn vị địa phương chưa kịp điều chỉnh, nhờ Cục có hướng dẫn để thực hiện.
Kim Ngân
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​