​Triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030

Ngày 20/9/2023, UBND tỉnh Đồng Nai đã ký Quyết định số 2255/QĐ-UBND ban hành Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030. Nhằm thống nhất triển khai kế hoạch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức buổi họp với các Sở, ngành, địa phương liên quan trong công tác phối hợp vào sáng ngày 26/10/2023.
triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030_hình 1.jpg
Hình ảnh buổi làm việc

Cuộc họp diễn ra dưới sự chủ trì của ông Trần Lâm Sinh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT. Về thành phần tham dự có các Sở Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Công Thương; Công an tỉnh; Liên minh Hợp tác xã; Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Công ty Khai thác Công trình Thủy lợi Đồng Nai cùng đại diện một số tổ chức, cá nhân khai thác, nuôi trồng thủy sản hồ chứa trên địa bàn tỉnh như  Đội nuôi trồng thủy sản Sông Mây; HTX khai thác thủy sản Xuân Tâm; HTX thủy sản Gia Ray; hồ Cầu Mới tuyến VI; HTX nuôi trồng thủy sản Đa Tôn.
Tại buổi làm việc, ông Trần Lâm Sinh đã quán triệt Quyết định số 2255/QĐ-UBND của Ủy ban nhân tỉnh Đồng Nai. Trong đó, nêu rõ mục tiêu của kế hoạch: (1) Kiểm soát, ngăn ngừa ô nhiễm trong các hoạt động thủy sản; (2) Phòng ngừa và giải quyết các sự cố môi trường; (3) Bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản và môi trường sống, góp phần ngăn chặn suy giảm đa dạng sinh học; (4) Hình thành các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản để bảo vệ môi trường và phát triển bền vững ngành thủy sản; (5) Nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu; (6) Nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm thủy sản, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và hướng đến xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người lao động.
Để đạt được các mục tiêu trên có 7 nhiệm vụ được đặt ra: (1) Rà soát văn bản quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lĩnh vực thủy sản;  (2) Phòng ngừa, kiểm soát nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt động thủy sản;  (3) Quan trắc môi trường phục vụ quản lý ngành thủy sản; (4) Điều tra, đánh giá, kiểm kê nguồn vốn tự nhiên thủy sản (giá trị vật thể, phi vật thể của nguồn lợi thủy sản, môi trường sống và hệ sinh thái thủy sản...) đề xuất các chính sách, cơ chế phát triển bền vững ngành thủy sản; (5) Nâng cao năng lực phòng ngừa, cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường trong ngành thủy sản; phối hợp ứng phó sự cố môi trường, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; (6)Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh trong hoạt động thủy sản; (6) Bảo tồn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản; (7) Phát triển nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, có 6 nhóm giải pháp được đặt ra, bao gồm (1) Nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong hoạt động thủy sản, trong đó tập trung công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về môi trường bằng nhiều hình thức như đào tạo, tập huấn, hội thảo; tờ rơi, pa nô, áp phích; các ấn phẩm, sóng phát thanh, truyền hình,…Vận động, khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia tái tạo, bổ sung nguồn lợi thủy sản;  Phát động phong trào Ngày hành động vì môi trường thủy sản hàng năm; (2) Phát triển khoa học, ứng dụng công nghệ , trong đó tập trung ứng dụng công nghệ 4.0, hệ thống thông tin địa lý (GIS), công nghệ mới trong sản xuất và quản lý vùng nuôi như công nghệ tiết kiệm nhiên liệu, nguyên liệu; thu gom, xử lý chất thải từ nuôi trồng, chế biến; áp dụng thiết bị, máy móc sơ chế, chế biến theo hướng tăng năng suất, giảm chi phí, thân thiện môi trường; (3) Đầu tư xây dựng hạ tầng đảm bảo việc xử lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển chất thải, mạng lưới quan trắc; (4) Đề xuất cơ chế, chính sách đầu tư, duy trì phát triển nguồn vốn tự nhiên thủy sản; đa dạng nguồn lực trong bảo vệ môi trường (tập trung các chương trình, kế hoạch, dự án khu vực tái tạo, phục hồi, phát triển và bảo vệ nguồn lợi thủy sản gắn với du lịch; phục hồi các hệ sinh thái nguồn lợi thủy sản; huy động các nguồn lực thực hiện thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản); (5) Tăng cường thực thi chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường thủy sản; quản lý, kiểm soát chất lượng, ATTP, an toàn dịch bệnh và truy xuất nguồn gốc; (6) Phát triển nuôi trồng thủy sản theo nhóm loài, trong đó tập trung nhóm cá tra (mở rộng tại huyện Vĩnh Cửu và các địa phương có điều kiện tự nhiên phù hợp), tôm sú trong rừng ngập mặn, theo hướng hữu cơ, tôm lúa; tôm thẻ chân trắng (huyện Long Thành – Nhơn Trạch ), cá rô phi/diêu hồng (phát triển nuôi trong các ao, lồng bè trên sông, hồ chứa), nhuyễn thể (huyện Long Thành – Nhơn Trạch), cá lóc, rô đồng (huyện Định Quán và các địa phương có điều kiện phù hợp), tôm càng xanh (huyện Tân Phú).
triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030_hình 2.jpg
Thu gom túi nilon, thùng chứa, dụng cụ vận chuyển và rác thải sau  hoạt động thả cá phóng sinh, góp phần bảo vệ môi trường.

triển khai Kế hoạch bảo vệ môi trường và phát triển thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2030_hình 3.jpg
Tăng cường công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản

Tại cuộc họp, một số vấn đề cũng được đưa ra thảo luận như  định hướng phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao tại huyện Nhơn Trạch; mô hình kết nối chuỗi giá trị sản xuất thủy sản, giải trí, du lịch liên quan đến hồ chứa (tại các huyện Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú…);  phương pháp triển khai, tiến độ, kinh phí, .. đối với việc đầu tư, nâng cấp kết cấu hạ tầng tối thiểu 7 vùng sản xuất tập trung, việc xây dựng hạ tầng tại các vùng nuôi tập trung, các vùng nuôi trọng điểm, hệ thống bến cá, khu neo đậu...
Nguyễn Nguyên
 
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​