​Giải pháp phát triển sầu riêng Đồng Nai theo hướng bền vững

Sầu riêng là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh, đem lại thu nhập cao cho nhà vườn, có những mô hình cho doanh thu từ 800 triệu - 1 tỷ đồng/ha/năm; Trong 02 năm qua diện tích sầu riêng Đồng Nai phát triển khá nhanh (tăng gần 4.400 ha), đến nay diện tích trồng sầu riêng của tỉnh khoảng 11.400 ha (sản lượng khoảng 70 ngàn tấn),  đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ và thứ tư cả nước (sau Đăk Lăk, Lâm Đồng, Tiền Giang). Các giống sầu riêng trồng chủ yếu là Ri6 (chiếm 45% diện tích), DONA (chiếm 50% diện tích).
* Đẩy mạnh, áp dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Thường thì phải mất 4 - 5 năm vun trồng, chăm sóc cây sầu riêng mới bắt đầu cho quả ngọt của vụ thu hoạch đầu tiên. Để có những trái sầu riêng chất lượng thì nông dân của tỉnh đã ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến, công nghệ cao nâng cao để phục vụ sản xuất, nâng chất lượng và an toàn thực phẩm sản phẩm như: tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tổ chức lại sản xuất (toàn tỉnh có 17 Hợp tác xã và tổ hợp tác đạt chứng nhận VietGAP với diện tích 760 ha và 01 THT Sầu riêng xã Xuân Quế đạt chứng nhận sản phẩm sầu riêng hữu cơ, với diện tích 3,3 ha). 100% các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh đều áp dụng tưới nước tiết kiệm; ứng dụng chuyển đổi số theo dõi vườn sầu riêng; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ.  
Giải pháp phát triển sầu riêng Đồng Nai theo hướng bền vững_hình 1.jpg
Ông Võ Văn Phi - PCT UBND tỉnh Đồng Nai đi kiểm tra thực tế vùng trồng sầu riêng được cấp mã số
 
Bên cạnh những, thành tựu đạt được, sản xuất sầu riêng cũng đang đứng trước nhiều, rủi ro và thách thức như: Tình trạng phát triển nóng về diện tích, mở rộng trồng mới ở những vùng chưa phù hợp với cây sầu riêng; phá vỡ quy hoạch sản xuất nông nghiệp, dẫn đến hạ tầng phục vụ cho sơ chế, chế biến bảo quản chưa đáp ứng đồng bộ; phát triển nóng dẫn đến nguy cơ thiếu nhân công thu hoạch khi vào chính vụ; tình trạng vì lợi ích trước mắt nên thu hoạch trái chưa đúng tuổi, ảnh hưởng đến chất lượng sầu riêng; Việc liên kết liên kết sản xuất và tiêu thụ chưa chặt chẽ,…
Giải pháp phát triển sầu riêng Đồng Nai theo hướng bền vững_hình 2.jpg
Xe container chở sầu riêng ở Đồng Nai xuất khẩu chính ngạch qua thị trường Trung Quốc
 
* Giải pháp phát triển bền vững
Để cho cây sầu phát triển bền vững, Ông Nguyễn Văn Thắng – PGĐ Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai cho rằng cần có các giải pháp sau:
Thứ nhất, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nhằm từng bước thay đổi thói quen, nhận thức sản xuất theo phong trào, theo số đông, đặc biệt khuyến cáo nông dân không tự phát mở rộng diện tích sầu riêng tại các vùng có điều kiện đất đai, tưới tiêu nước không phù hợp; không tự phát chặt phá các loại cây trồng khác để chuyển sang trồng mới sầu riêng; việc phát triển cây trồng nói chung và sầu riêng nói riêng cần theo thị trường, nhất là phải sản xuất theo hợp đồng.
Thứ hai, Phải làm tốt công tác xây dựng Phương án quy hoạch phát triển nông nghiệp để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó cần tập trung vào một số vấn đề:
- Trên cơ sở phân tích đánh giá về điều kiện tự nhiên, thổ nhưỡng, phân tích lợi thế cạnh tranh để quy hoạch các vùng sản xuất tập trung, ứng dụng công nghệ cao tại từng địa phương.
- Bố trí quỹ đất, không gian phù hợp để đầu tư hệ thống bảo quản, lưu trữ, sơ chế, đóng gói nông sản gắn với các vùng sản xuất tập trung, nhất là các ngành hàng có giá trị kinh tế và lợi thế canh tranh, như: chuối, bưởi, sầu riêng, xoài;…
Thứ ba, Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao. Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, sử dụng giống chuẩn, có năng suất và chất lượng cao, ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa trong sản xuất, thực hiện các quy trình kỹ thuật tiên tiến, biện pháp thâm canh bền vững; giảm sử dụng các loại phân bón vô cơ, hóa chất bảo vệ thực vật; giám sát, dự báo và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống sâu bệnh.
Thứ tư, Tiếp tục thực hiện tốt công tác sắp xếp lại tổ chức sản xuất sản phẩm sầu riêng. Trong đó, tập trung vào các hình thức: Hợp tác xã, doanh nghiệp, trang trại, câu lạc bộ - tổ hợp tác; phát triển các hình thức liên kết (liên kết dọc, liên kết ngang); khuyến khích tích tụ, tập trung đất đai để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa, xây dựng mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc, an toàn, chất lượng đáp ứng theo các yêu cầu của thị trường và gắn kết được với doanh nghiệp tiêu thụ ổn định, bền vững.
Thứ năm, Đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến sầu riêng, nâng cao giá trị gia tăng, phát triển dịch vụ du lịch sinh thái vườn; chú trọng xây dựng thương hiệu sản phẩm sầu riêng; tăng cường quảng bá thương hiệu và xúc tiến thương mại mở rộng thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh kênh phân phối, phát triển thương mại điện tử và truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Thứ sáu, Tập trung phát triển sản xuất sầu riêng theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với việc tiếp tục triển khai thực hiện tốt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Phát triển các vùng sản xuất sầu riêng tập trung  đáp ứng yêu cầu 4 có: “có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao”, gắn với việc thực hiện Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh.
Thanh Tâm - PTNT

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​