​Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Ngày 04 tháng 5 năm 2023, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch số 113/KH-UBND về thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, trong đó có một số nội dung chính, gồm:
1. Về mục tiêu:
Tốc độ tăng giá trị sản xuất lâm nghiệp từ 7,92% đến 9 %/ năm; kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt 2 tỷ USD vào năm 2025; trồng 2.615 ha rừng; sản lượng gỗ khai thác từ rừng trồng đạt 208.391 m3; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 215 tỷ đồng; diện tích có chứng chỉ quản lý rừng bền vững đạt trên 10.000 ha; thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng trong rừng.
Góp phần ổn định đời sống của trên 8.000 hộ nhận khoán đất lâm nghiệp; tiếp tục duy trì, ổn định việc làm cho người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp chế biến và thương mại lâm sản.
Tỷ lệ che phủ rừng ổn định đạt 28,3%; nâng cao chất lượng rừng tự nhiên; bảo tồn đa dạng sinh học và năng lực phòng hộ của rừng, cung ứng dịch vụ môi trường rừng.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 1.jpg
Rừng phòng hộ ngập mặn tại Nhơn Trạch

2. Các nhiệm vụ chủ yếu:
- Quản lý bảo vệ và phát triển bền vững 172.734 ha rừng hiện có, gồm 123.770 ha rừng tự nhiên và 48.964 ha rừng trồng; nâng cao năng lực quản lý bảo vệ rừng của các địa phương, đơn vị chủ rừng, bảo vệ ổn định lâm phận 3 loại rừng; phát huy vai trò, lợi thế của từng loại rừng, trên cơ sở bảo tồn, sử dụng, cung cấp các dịch vụ và phát triển bền vững, góp phần phát triển kinh tế xã hội, duy trì các giá trị đa dạng sinh học của rừng, bảo vệ môi trường và thích ứng, giảm thiểu biến đổi khí hậu; giảm tình trạng vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 2.jpg
 Rừng tự nhiên tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Tân Phú

- Huy động các nguồn lực của xã hội để bảo vệ và phát triển rừng, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hoá nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác bảo vệ và phát triển rừng của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng.
- Chủ động xây dựng và thực hiện Phương án phòng cháy, chữa cháy rừng an toàn, hiệu quả theo phương châm 4 tại chỗ; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phát hiện, cảnh báo cháy rừng; đầu tư cơ sở hạ tầng cho công tác phòng cháy, nâng cao khả năng kiểm soát cháy rừng và hiệu lực của công tác phòng chống cháy rừng;.
- Hàng năm có kế hoạch tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng; Thông tri số 12-TT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy; Quyết định số 809/QĐ-TTg ngày 12/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh về Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng;
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 3.jpg
Thác Mai, một điểm du lịch tại BQLRPH Tân Phú

- Tiếp tục triển khai thực hiện quy hoạch 3 loại rừng, rà soát quy hoạch 3 loại rừng đến năm 2025, định hướng năm 2030 phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia;
- Tổ chức kiểm kê rừng, thống kê rừng, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng; công bố hiện trạng rừng, tỷ lệ che phủ rừng; bàn giao đất từ các chủ rừng về địa phương quản lý; đề xuất mở rộng ranh giới, diện tích rừng tự nhiên giao Khu Bảo tồn Thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai quản lý;
- Xây dựng kế hoạch giao rừng, cho thuê rừng cho các đơn vị chủ rừng, hoàn thiện đối với diện tích đã được giao đất, đã được công nhận quyền sử dụng đất nhưng chưa lập hồ sơ giao rừng cho thuê rừng trên toàn tỉnh; xử lý những tồn tại về công tác giao khoán đất lâm nghiệp, đảm bảo diện tích giao khoán sử dụng đúng mục đích, đúng quy hoạch và hiệu quả kinh tế;
- Kiểm tra, thực hiện đúng quy định về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; vị trí để xây dựng các công trình phục vụ phát triển du lịch sinh thái. Kiểm soát chặt chẽ việc trồng rừng thay thế của các dự án chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác; xử lý các dự án không chấp hành việc trồng lại rừng hoặc nộp tiền trồng rừng thay thế theo quy định;
- Triển khai các giải pháp quản lý sử dụng hiệu quả diện tích khoán cho các hộ dân, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hợp đồng khoán.
- Đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường (các chủ rừng là tổ chức, các hộ gia đình được giao khoán đất lâm nghiệp, nhận khoán bảo vệ rừng) trên diện tích bình quân 148.410 ha/năm; rà soát các đối tượng sử dụng dịch vu môi trường rừng, phấn đấu thu bình quân trên 43 tỷ đồng/năm; thực hiện chi trả cho các đối tượng cung ứng dịch vụ môi trường rừng kịp thời; kiểm tra, giám sát đảm bảo việc sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng hiệu quả, đúng quy định, chất lượng rừng ngày càng được nâng cao, bền vững; mở rộng ứng dụng công nghệ số trong công tác xác định diện tích, chất lượng rừng cung ứng dịch vụ môi trường rừng; chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng qua tài khoản ngân hàng.
- Tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 Dự án Khẩn cấp bảo tồn Voi tỉnh Đồng Nai, xây dựng 20 km hàng rào điện; tăng cường công tác quản lý bảo vệ, quản lý động, thực vật hoang dã gây nuôi, trồng cấy nhân tạo thực hiện quản lý theo đúng quy định gây nuôi sinh sản, sinh trưởng các loài động vật hoang dã đối với 1.115 trại nuôi, cơ sở nuôi động vật hoang dã với trên 271.407 cá thể;  tăng cường công tác giám sát bảo vệ động vật rừng, bảo vệ các hệ sinh thái. Định kỳ nâng cấp phần mềm quản lý động vật hoang dã.
 
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 4.jpg
Hàng rào điện thuộc dự án bảo vệ Voi tại huyện Định Quán
 
 Trồng rừng mới 79,68 ha (rừng đặc dụng 39,22 ha, rừng phòng hộ 40,46 ha); trồng lại rừng sau khai thác 3.500 ha/năm; trồng bổ sung nâng cao chất lượng rừng 2.468 ha; chăm sóc rừng 2.491 ha/năm; trồng 20 triệu cây xanh các loại theo Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Lựa chọn, tiếp nhận giống, công nghệ nhân giống cây trồng lâm nghiệp mới có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái; giám sát chuỗi hành trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp, từ khâu thu hái vật liệu giống, sản xuất đến cung cấp cây giống cho trồng rừng; tăng cường kiểm tra 08 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng lâm nghiệp do cấp tỉnh cấp giấy phép và 46 cơ sở sản xuất kinh doanh giống cây trồng do cấp huyện cấp giấy phép.
Tập trung triển khai Đề án sản xuất, chế biến lâm sản bền vững đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, quy hoạch cơ sở chế biến gỗ; cải tiến công nghệ mẫu mã; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chế biến lâm sản; truy xuất nguồn gốc sản phẩm lâm nghiệp; dự báo thị trường, cập nhật thông tin về chính sách thương mại, thị hiếu, giá cả, tiêu chuẩn sản phẩm; xúc tiến mở rộng thị trường; sàn giao dịch điện tử, hình thành chuỗi cung ứng tiêu thụ gỗ lâm sản; xây dựng vùng nguyên liệu bền vững; xây dựng thương hiệu gỗ Việt và sử dụng nguồn gỗ hợp pháp, được cấp chứng chỉ quản lý chuỗi hành trình sản phẩm (CoC) cho các mặt hàng xuất khẩu; hổ trợ pháp lý và cải cách thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp chế biến gỗ; giá trị sản xuất đồ gỗ và lâm sản 2 tỷ USD vào năm 2025.
Triển khai thực hiện Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai_hình 5.jpg
Bàu nước sôi, một điểm du lịch tại BQLRPH Tân Phú

Tập trung xây dựng, tổ chức triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch sinh thái nghỉ dưỡng ở Núi Chứa Chan, Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai, Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành. Mời gọi các doanh nghiệp có tiềm năng tài chính, kinh nghiệm tham gia đầu tư xây dựng các dự án du lịch sinh thái rừng đặc trưng, độc đáo; kết nối các tua du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng trong và ngoài tỉnh. Tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm du lịch đặc trưng, độc đáo trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội.
Thực hiện Kế hoạch số 113/KH-UBND nêu trên, ngày 12 tháng 6 năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 2654/SNN-CCKL để triển khai các nội dung có liên quan đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan để thực hiện
Nguyễn Văn Đều

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​