​Triển khai Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xác định là quốc sách hàng đầu, đóng vai trò đột phá chiến lược trong giai đoạn mới. Ngày 16/01/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 296/QĐ-BNN-KHCN về việc Phê duyệt Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Mục tiêu của Chiến lược là: phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trở thành động lực quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, bền vững, thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực và quốc tế, gắn với xây dựng nông thôn mới hiện đại; xây dựng hệ thống các tổ chức KH&CN ngành nông nghiệp đủ tiềm lực và trình độ tạo ra các luận cứ và sản phẩm khoa học có giá trị cao, tiếp thu chọn lọc và làm chủ các công nghệ tiên tiến của thế giới, chuyển giao ứng dụng, nhân rộng trong thực tiễn sản xuất; góp phần nâng cao nhanh thu nhập và cải thiện đời sống của nông dân, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, đến năm 2030 đạt các mục tiêu cụ thể sau:
(1) Nâng cao đóng góp của KH&CN và ĐMST vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ của các tổ chức KH&CN công lập và khu vực tư nhân. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng ngành nông nghiệp ở mức trên 50%.
(2) Tỷ lệ giá trị sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt (VietGAP) hoặc tương đương trở lên đạt trên 40%.
(3) Tỷ lệ kết quả các nhiệm vụ KH&CN có sản phẩm là giống, vật tư đầu vào, quy trình công nghệ, thiết bị, tiến bộ kỹ thuật..., được ứng dụng vào thực tiễn đạt trên 90% vào năm 2025 và đạt trên 95% năm 2030. Có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu được công nhận tiến bộ kỹ thuật và áp dụng vào sản xuất; trong đó khoảng 15% kết quả nghiên cứu được đăng ký bản quyền sáng tạo, sở hữu trí tuệ. Tổng giá trị chuyển giao công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ các viện nghiên cứu, trường đại học thuộc Bộ cho doanh nghiệp tăng 20% giai đoạn 2021-2025 và 35% giai đoạn 2026-2030.
(4) Hỗ trợ xây dựng và phát triển được ít nhất 200 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có sự hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước; xây dựng và phát triển 50-100 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các vùng sinh thái nông nghiệp. Tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động ĐMST chiếm 60% vào năm 2025 và chiếm 85% vào năm 2030.
Để đạt mục tiêu đề ra, các giải pháp trọng tâm cần thực hiện là:
(1) Tăng cường công tác truyền thông, đổi mới tư duy trong phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(2) Đổi mới thể chế và chính sách, cải cách hành chính tạo động lực cho phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(3) Đổi mới hệ thống tổ chức khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.
(4) Huy động nguồn lực cho phát triển khoa học và công nghệ.
(5) Tăng cường đào tạo, xây dựng nguồn nhân lực khoa học công nghệ.
(6) Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo.
Chiến lược đã đề ra một số Chương trình trọng điểm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo ngành nông nghiệp cần tập trung triển khai, gồm:
(1) Phát triển sản phẩm quốc gia
- Tiếp tục triển khai nghiên cứu làm chủ công nghệ về giống, quy trình canh tác theo chuỗi giá trị đối với 5 sản phẩm quốc gia đã được phê duyệt (lúa gạo; nấm ăn, nấm dược liệu; cà phê; cá da trơn; tôm nước lợ).
- Xây dựng khung chương trình cho 3 - 5 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia mới (lĩnh vực chăn nuôi - thú y, lâm nghiệp), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt theo Quyết định số 157/QĐ-TTg ngày 01/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030.
- Rà soát, hoàn thiện chương trình khung sản phẩm quốc gia phù hợp với Chiến lược phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050 theo hướng sản xuất theo chuỗi liên kết; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra sự đột phá về giá trị kinh tế, môi trường và xã hội bền vững.
- Tập trung triển khai các dự án hỗ trợ sản phẩm quốc gia, khuyến khích doanh nghiệp đi tiên phong, xác định doanh nghiệp đủ tiềm lực đầu tư để tạo ra sản phẩm, công nghệ mang tính tạo đột phá, đạt tiêu chí quốc gia ở quy mô lớn.
- Làm chủ một số công nghệ mới, công nghệ tiên tiến để ứng dụng, chuyển giao vào sản xuất quy mô hàng hoá. Hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, phát triển thị trường đối với một số sản phẩm nông nghiệp quốc gia ở quy mô lớn, xây dựng hệ thống quản trị chuỗi giá trị.
(2) Phát triển công nghiệp sinh học
Thực hiện Quyết định số 429/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030” với mục tiêu là: phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường phục vụ phát triển kinh tế nông nghiệp; nâng cao tiềm lực nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ sinh học nông nghiệp hiện đại của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ công nghệ sinh học nông nghiệp ngang bằng các nước tiên tiến trong khu vực và trên thế giới với các nhiệm vụ cụ thể.
(3) Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Thực hiện Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 27/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2030, trong đó phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tập trung vào: nghiên cứu, làm chủ, phát triển công nghệ cao, ứng dụng hiệu quả công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp; xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, sản xuất hàng hoá lớn, có giá trị gia tăng và sức cạnh tranh cao; hình thành, phát triển một số khu, vùng và doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
(4) Nghiên cứu phát triển và áp dụng công nghệ số trong nông nghiệp
- Nghiên cứu ứng dụng, xây dựng các công cụ phục vụ chuyển đổi số, số hóa, tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa tạo lập cơ sở dữ liệu lớn của ngành nông nghiệp, tập trung vào đất nông nghiệp, cây trồng, vật nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai; kết nối, chia sẻ cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của Bộ và các đơn vị, sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
- Nghiên cứu ứng dụng, phát triển ứng dụng công nghệ số để tối ưu hóa quá trình sản xuất nông nghiệp, quản trị, hướng đến các mô hình nông nghiệp chính xác, nông nghiệp thông minh.
- Nghiên cứu áp dụng số hóa mạnh mẽ trong hệ thống quản lý nhà nước và dịch vụ công trong ngành nông nghiệp (thủy lợi, khuyến nông, truy xuất nguồn gốc, quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm, hỗ trợ tiếp cận thị trường và tài chính…).
(5) Nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
- Nghiên cứu, tham mưu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông nghiệp nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học.
- Nghiên cứu phát triển nông nghiệp xanh trên cơ sở ứng dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào, giảm phát thải cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, nâng cao tính cạnh tranh của nông sản.
- Nghiên cứu phát triển công nghệ xử lý và tái sử dụng các phế thải, phụ phẩm, mang lại giá trị gia tăng trong chuỗi sản xuất nông nghiệp, ổn định kinh tế, bảo vệ tài nguyên và hệ sinh thái nông nghiệp. Quản lý và sử dụng bền vững diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới (nhất là rừng gỗ lớn) và tái sinh tự nhiên để tăng độ che phủ và khả năng hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng; phát triển nông nghiệp sinh thái, đa dạng thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến khích áp dụng các công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống chịu cao, xác lập cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp xanh, phát thải các-bon thấp.
- Nghiên cứu về các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Tập trung nghiên cứu, ứng dụng, đổi mới công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học vào quá trình phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn nông nghiệp phù hợp với từng địa phương và khu vực. Hoàn thiện và nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp phù hợp với điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán của mỗi địa phương, khu vực.
- Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp (chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...).
- Nghiên cứu các thể chế, chính sách khuyến khích nông dân, doanh nghiệp, người tiêu dùng tham gia thực hiện các giải pháp phát triển xanh, nông nghiệp tuần hoàn, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính.
(6) Nghiên cứu các giải pháp khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới Thực hiện có hiệu quả Quyết định số 923/QĐ-TTg ngày 02/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Chương trình khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 để cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030 theo hướng phát triển toàn diện, bền vững; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Lâm Trúc

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​