Khoa học công nghệ, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và nông nghiệp công nghệ cao – đòn bẩy để ngành nông nghiệp phát triển nhanh và bền vững

                                                         
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong các đột phá chiến lược quan trọng nhất tiến tới phát triển nhanh, bền vững. Về phía tỉnh Đồng Nai, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh Đồng Nai, nhiệm kỳ 2020 – 2025 cũng xác định nhiệm vụ quan trọng là “đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; tích cực chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Bên cạnh đó, cùng với đánh giá của Chính phủ về vai trò của ngành nông nghiệp, nhất là trong đại dịch Covid-19 vừa qua: “Trong bối cảnh khó khăn, nông nghiệp khẳng định vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia”, có vẻ như “kinh tế nông nghiệp” đang dần được nhận thức lại và được trả về đúng vị trí vốn có trong bức tranh tổng thể của nền kinh tế nước ta - một nước Việt Nam có thế mạnh về kinh tế nông nghiệp.
Kỳ 1: “Ngành nông nghiệp thực hiện tốt nhiệm vụ khoa học và công nghệ, tập trung hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”
Thực hiện tốt công tác tuyên truyền
Trong thập kỷ qua, Đảng, Chính phủ, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành một số Nghị quyết, Chương trình hành động, Kế hoạch liên quan đến khoa học và công nghệ, Cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Căn cứ nội dung Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 01 tháng 11 năm 2012 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội, chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; Kế hoạch số 155-KH/TU ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Tỉnh ủy; Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy; Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh về việc Triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị và Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy;
Sở Nông nghiệp và PTNT đã phổ biến, quán triệt, tuyên truyền thường xuyên, liên tục về quan điểm, mục tiêu, ý nghĩa, yêu cầu, nội dung phương thức tiếp cận, đồng thời lồng ghép trong các hoạt động chuyên môn của ngành. Qua đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn ngành đã nắm bắt, nhận thức sâu sắc vai trò, trách nhiệm của tổ chức và của từng cá nhân trong việc góp phần thực hiện thành công Nghị quyết số 20-NQ/TW BCH Trung ương Đảng khóa XI và Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị.
Căn cứ nội dung Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03/7/2020 của UBND tỉnh về việc Triển khai Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Kế hoạch số 331-KH/TU ngày 26 tháng 02 năm 2020 của Tỉnh ủy; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai đến các đơn vị, các phòng thuộc Sở nghiên cứu, căn cứ chức năng, nhiệm vụ triển khai thực hiện các nội dung thuộc trách nhiệm được giao của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 03/7/2020. Các nội dung thực hiện này được lồng ghép trong công tác chuyên môn của ngành trong các năm qua và sẽ tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo.
Công tác phối hợp triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ có hiệu quả cao
Hàng năm, Sở Nông nghiệp và PTNT luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ với Sở Khoa học và Công nghệ trong công tác triển khai các nhiệm vụ khoa học công nghệ, cụ thể từ tuyển chọn các nhiệm vụ đạt yêu cầu để trình UBND tỉnh phê duyệt đưa vào danh mục thực hiện; cho đến bước tuyển chọn tổ chức/cá nhân đủ điều kiện thực hiện các nhiệm vụ cũng như công tác kiểm tra tiến độ, nghiệm thu kết quả thực hiện các nhiệm vụ. Sở Nông nghiệp và PTNT luôn bám sát định hướng phát triển chung của tỉnh, định hướng phát triển của ngành nông nghiệp để đưa ra các ý kiến, đề xuất, đặt hàng,... làm cơ sở cho Sở Khoa học và Công nghệ thông báo, mời các Trường Đại học, Viện nghiên cứu tham gia ứng tuyển nhằm giúp hỗ trợ giải quyết các vấn đề khoa học mà tỉnh có nhu cầu.
Việc phối hợp chặt chẽ, đầy trách nhiệm của hai bên đã giúp hoạt động khoa học và công nghệ lĩnh vực nông nghiệp được phát huy, phát triển mạnh mẽ, thể hiện qua số lượng cũng như chất lượng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ được các tổ chức, cá nhân tham gia đề xuất. Hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã có những bước chuyển mình và ngày càng gần hơn với thực tiễn, phục vụ có hiệu quả sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Với chủ trương khoa học và công nghệ tập trung hướng về phục vụ cơ sở, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ và đưa công nghệ đến với người dân, doanh nghiệp ứng dụng một cách nhanh chóng và hiệu quả. Cơ chế chính sách về khoa học và công nghệ được đổi mới, tạo hành lang pháp lý vừa thông thoáng vừa chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ. Công tác nghiên cứu và triển khai đã chú trọng xác định các nội dung gắn liền với sản phẩm cụ thể, các nhiệm vụ đều gắn với việc phát triển các sản phẩm hàng hóa chủ lực của tỉnh, nhằm nâng cao giá trị gia tăng và tính cạnh tranh của các sản phẩm, có địa chỉ ứng dụng cụ thể đáp ứng nhu cầu cấp thiết của các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp.
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp _Kỳ 1_Hình 1.jpg 
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp _Kỳ 1_Hình 2.jpg
Lãnh đạo Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và PTNT phát biểu
tại buổi làm việc trao đổi một số nội dung liên quan đến các nhiệm vụ
khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo
 
Hỗ trợ nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất nâng cao thu nhập
Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, xem đây là giải pháp đột phá để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng sản phẩm nông sản. Các kết quả nghiên cứu của trong lĩnh vực nông nghiệp đều đã được đưa vào ứng dụng với các mức độ khác nhau, và đã đem lại những hiệu quả nhất định, đưa ra những mô hình, giống cây trồng, vật nuôi, quy trình sản xuất, phòng trừ dịch bệnh phù hợp. Từ đó giúp góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng kinh tế hàng hóa gắn với thị trường, tăng thu nhập cho người nông dân. Bên cạnh đó, thông qua việc triển khai nghiên cứu, ứng dụng các nhiệm vụ khoa học công nghệ đã tổ chức được nhiều lớp tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức của ngành cũng như nông dân để tiếp cận, tìm hiểu và tiếp tục duy trì, nhân rộng các mô hình có hiệu quả.
 Khoa học công nghệ, khởi nghiệp _Kỳ 1_Hình 3.jpg
Các nhà khoa học tham gia ý kiến cho các hoạt động khoa học công nghệ của ngành nông nghiệp

Song song đó, ngành nông nghiệp cũng đẩy mạnh việc hợp tác toàn diện về nghiên cứu, đào tạo, tư vấn và chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tế của nông nghiệp tỉnh Đồng Nai với một số Trường Đại học, với mong muốn các Trường cùng tham gia đóng góp các giá trị cho cộng đồng thông qua các hoạt động khoa học và công nghệ thực hiện tại tỉnh, góp phần hỗ trợ ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đạt được nhiều kết quả to lớn hơn nữa, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển nông nghiệp bền vững mà Đảng và Nhà nước đang hướng đến.
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp _Kỳ 1_Hình 4.png
Khoa học công nghệ, khởi nghiệp _Kỳ 1_Hình 5.jpg
Tiếp đón và làm việc với một số Trường Đại học

Nhờ vậy, trong những năm vừa qua, sản xuất nông nghiệp tỉnh Đồng Nai tiếp tục phát triển ổn định. Nhờ phát huy tốt những lợi thế về điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng,… mà ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai luôn có sự tăng trưởng, phát triển về quy mô diện tích sản xuất, sản lượng, chất lượng sản phẩm, có sự đa dạng và phong phú về các loại sản phẩm nông nghiệp. Nhiều mặt hàng nông sản của Đồng Nai nằm trong nhóm dẫn đầu của cả nước về quy mô sản lượng như: heo, gà, xoài, chuối, chôm chôm, sầu riêng, điều, tiêu,... đã  tham gia vào thị trường xuất khẩu. Trong giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp Đồng Nai duy trì mức tăng trưởng bình quân 3,75%/năm. Riêng năm 2021, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản đạt 45.352 tỷ đồng, tăng 3,43% so với năm 2020, GRDP nông nghiệp trên 10,5%. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 138 triệu đồng/ha/năm. Đến nay toàn tỉnh có 77/120 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (64% tổng số xã), 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, bình quân trên 01 xã đạt 17,28 tiêu chí NTM nâng cao. Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất được các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm thực hiện. Các sản phẩm được chứng nhận VietGAP bước đầu nâng cao giá trị và từng bước tiếp cận người tiêu dùng quan tâm đến thực phẩm an toàn trên thị trường trong tỉnh và các tỉnh lân cận. Qua đó cũng góp phần nâng cao giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn ở các địa phương đã và đang xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Việc tái cơ cấu sản xuất theo hướng phát triển các đối tượng cây trồng, vật nuôi chủ lực đã đạt kết quả khả quan, cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ.
Thách thức và Cơ hội
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai còn phải đối mặt với những ảnh hưởng bất lợi, khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu đến nhanh và mạnh hơn so với dự báo, kèm theo thiên tai khó lường xảy ra thường xuyên; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát, khó dự đoán và kiểm soát; nguồn lực đất đai để đầu tư cho phát triển sản xuất nông nghiệp ngày bị thu hẹp do ưu tiên đầu tư các dự án phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; thị trường nhiều mặt hàng nông sản không ổn định và giá nhiều sản phẩm nông sản chủ lực của tỉnh (tiêu, điều, cao su,..) có xu hướng giảm. Trong giai đoạn 2022-2025, dự báo có nhiều tác động đến phát triển sản xuất nông nghiệp cả nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng. Lĩnh vực nông nghiệp hội nhập nhanh, sâu rộng, toàn diện thông qua các hiệp định thương mại tự do (FTAs), các hiệp định song phương và đa phương khác đã tạo điều kiện cho ngành nông lâm thủy sản mở rộng sản xuất, đầu tư khoa học công nghệ nâng cao năng lực cạnh tranh, tiếp cận và tham gia sâu rộng vào thị trường thế giới. Trong sân chơi toàn cầu đó, Việt Nam chấp nhận cam kết không bảo hộ và tuân thủ hầu hết các tiêu chuẩn của các quốc gia thành viên và phải chấp nhận cạnh tranh ngay lập tức, tuân thủ tiêu chuẩn các nước đặt ra. Hơn nữa, công nghiệp hóa và đô thị hóa trong nước tiếp tục phát triển, cạnh tranh gay gắt hơn với ngành nông nghiệp về không gian, các nguồn lực tự nhiên, đặc biệt là đất đai, nước, lao động. Những hạn chế, yếu kém nội tại của nền sản xuất nhỏ, thiếu liên kết, cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn còn nhiều yếu kém tiếp tục là thách thức lớn để thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; tình hình chính trị, chiến tranh thương mại các quốc gia sẽ tác động lớn tới sản xuất nông nghiệp nói riêng. Ngoài ra, tình trạng thiếu lao động nông nghiệp; lao động tay nghề cao tiếp tục chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; tốc độ đô thị hóa cao của một số địa phương sẽ dẫn đến tình hình quản lý và sử dụng đất nông nghiệp kém hiệu quả; thiên tai, biến đổi khí hậu dự kiến sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp và khả năng sẽ xuất hiện dịch bệnh mới trên cây trồng, vật nuôi gây ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp;…
Tuy còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nông nghiệp tỉnh Đồng Nai vẫn có nhiều cơ hội để phát triển:
(1) Các thành quả đạt được từ Chương trình Xây dựng nông thôn mới như: hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất hiện đại, đồng bộ; người dân nông dân đã được hướng dẫn, tập huấn, đào tạo về kỹ thuật, đồng thời đã có tích lũy về nguồn lực tài chính; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn; chuyển dịch lao động nông nghiệp sang những ngành nghề phi nông nghiệp diễn ra nhanh hơn.
(2) Quá trình hội nhập kinh tế kéo theo thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông sản chiến lược và mặt hàng có lợi thế của Đồng Nai được mở rộng nhờ lợi thế về cam kết cắt giảm thuế quan. Xuất khẩu nông sản là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp Đồng Nai duy trì sự phát triển ổn định, bền vững trong thời gian tới.
(3) Thị trường tiêu thụ các mặt hàng nông sản của Đồng Nai chủ yếu tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ với hơn 20 triệu dân, hiện nay đang chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ bởi các sản phẩm nhập khẩu có chất lượng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, có giá thành cạnh tranh so với sản phẩm của Đồng Nai.
(4) Quá trình hội nhập, tham gia các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi các sản phẩm nông nghiệp của Đồng Nai  khi xuất khẩu phải tuân thủ các quy định về SPS và TBT, do vậy người nông dân bắt buộc phải áp dụng quy trình sản xuất sạch, đảm bảo an toàn về sinh thực phẩm để cạnh tranh về giá cả và chất lượng sản phẩm nông sản, ngay cả với sản phẩm nhập khẩu tại thị trường trong nước.
Có thể thấy rằng, mặc dù đã đạt được một số thành tựu nhất định với rất nhiều điểm mạnh (từ nội tại lẫn bên ngoài) nhưng ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai vẫn phải đối mặt với những thách thức không nhỏ, đòi hỏi cần có giải pháp tháo gỡ, giải quyết để đưa ra được những định hướng phát triển cụ thể và hiệu quả hơn trong giai đoạn tới.
Nguyễn Thị Trúc Quyên

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​