​Đồng Nai gắn bản đồ thương hiệu nông sản ở những làng quê

Những năm gần đây, thay vì xuất bán nông sản thô, hiện nay nhiều sản phẩm nông sản của tỉnh Đồng Nai xuất hiện trên thị trường với mẫu mã, nhãn mác ấn tượng, điểm đặc biệt nhất đó là nơi sản xuất đồng thời cũng là nơi chế biến. Từ đây những thương hiệu nông sản từ làng bắt đầu “cất cánh”.
Nông sản từ làng “cất cánh” thông qua Chương trình OCOP
Những năm qua, Đồng Nai chú trọng hỗ trợ xây dựng thương hiệu nông sản không chỉ ở thị trường trong nước mà còn hướng đến thị trường xuất khẩu. Cùng với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), nhiều nhãn hàng nông sản, đặc sản địa phương đã được thị trường nhận diện. Để làm được điều đó, khâu đầu tư cho nhãn hiệu hàng hóa có ý nghĩa quan trọng tạo nên thương hiệu cho nông sản. Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu là cơ sở để các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) bảo vệ, nâng cao thương hiệu hàng hóa trên thị trường.
Do đó, tỉnh rất quan tâm đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu nông sản. Theo báo cáo của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh có 225 đơn vị đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Trong đó, có 95 nhãn hiệu trong lĩnh vực nông nghiệp như xoài Phú Lý (huyện Vĩnh Cửu); sầu riêng Xuân Định, chôm chôm Bảo Hòa (huyện Xuân Lộc); khổ qua rừng Hiệp Vân (TP. Long Khánh); sen Trường Phát (huyện Nhơn Trạch)… Toàn tỉnh có 2 sản phẩm được xác lập chỉ dẫn địa lý là bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh. Trong năm 2020, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đã xây dựng nhãn hiệu chứng nhận tôm càng xanh Trà Cổ (huyện Tân Phú). Mục tiêu trong năm 2022, sẽ có 2 nhãn hiệu nông sản được chứng nhận là bưởi da xanh Vĩnh Cửu và bánh sữa Long Thành.
Đặc biệt, chương trình OCOP được triển khai sâu rộng, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX, nông dân xây dựng thương hiệu cho nông sản trên địa bàn tỉnh ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu. Chương trình OCOP là cầu nối giúp đưa các sản phẩm từ làng, sản vật vùng miền “cất cánh”, đến với các thị trường lớn. Đến nay, toàn tỉnh có 100 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 36 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm tiềm năng 5 sao. 99% sản phẩm OCOP đều đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa.
Bà Hoàng Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH Calm, người sáng lập HTX Nông nghiệp An Hòa Hưng (phường An Hòa, TP. Biên Hòa) cho biết, HTX mới thành lập, sản phẩm cũng chưa được thị trường biết đến nhiều nhưng nhờ chương trình OCOP, HTX được hỗ trợ tham gia nhiều chương trình xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ từ trực tiếp đến thương mại điện tử, đặc biệt là tiếp cận được nhiều kênh truyền thông, báo chí nên sản phẩm được người tiêu dùng biết tiếng. “Điều này rất quan trọng với những HTX mới thành lập như chúng tôi vì chương trình OCOP được triển khai trên khắp các tỉnh, thành và nhờ chương trình này mà chỉ trong một thời gian ngắn, HTX mở được thêm nhiều đại lý tiêu thụ ở khắp các tỉnh, thành”, bà Kim Anh nói.
Là câu chuyện đầu tư lâu dài…
Xây dựng thương hiệu cho nông sản là câu chuyện đầu tư lâu dài từ chăm chút cho chất lượng sản phẩm đến đầu tư quảng bá, phát triển thị trường. Do đó, các chủ thể sản xuất cần sự thay đổi về tư duy bài bản hơn. Mặt khác, để có được những thương hiệu nông sản thực sự lớn, cần giải pháp đồng bộ từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ của nhà nước đến sự triển khai đồng bộ chính sách vào thực tế của chính quyền địa phương.
Đơn cử, câu chuyện xây dựng thương hiệu cho đặc sản bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh của tỉnh Đồng Nai không chỉ dừng lại ở việc được cấp chỉ dẫn địa lý. Nông dân, HTX phải quan tâm đúng mức trong việc chung tay cùng bảo hộ, xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản mang đặc trưng riêng của cả vùng sản xuất. Trong đó, chất lượng nông sản chính là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, vững mạnh của nhãn hiệu. Ở đây, chính người nông dân trực tiếp sản xuất phải nhận thức rõ sự cần thiết phải có thương hiệu khi bán nông sản ra thị trường, nhất là ra thị trường quốc tế. Họ phải hiểu rằng xây dựng được thương hiệu nông sản có liên quan trực tiếp đến lợi ích của mình qua việc nâng cao giá thành sản phẩm và mở rộng thị trường. Người nông dân có thể hưởng lợi từ thương hiệu, không chỉ khi trực tiếp kinh doanh sản phẩm, mà cả khi cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp đã có thương hiệu hay đang xây dựng thương hiệu.
Giám đốc HTX Liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản sạch Thanh Bình (huyện Trảng Bom) Lý Minh Hùng, người nông dân có thâm niên làm chuối hơn 10 năm cho biết, trên thế giới nhiều nước đã sử dụng bẹ chuối làm nguyên liệu sản xuất ra các sản phẩm có ích. Tại Việt Nam, một số cá nhân cũng học cách tái chế bẹ chuối thành sản phẩm để xuất khẩu. Nhưng riêng với tỉnh Đồng Nai lại chưa có ai làm. Ông Hùng trăn trở mãi rồi quyết định học cách làm bẹ, biến bẹ chuối thành tiền, nơi sản xuất cũng là nơi chế biến sản phẩm.
Theo chia sẻ của ông Hùng, thị trường sản phẩm bẹ chuối, sơ, sợi chuối rất có tiềm năng. Không chỉ các đối tác nước ngoài, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng liên hệ thu mua bẹ chuối sấy khô để làm ra các sản phẩm thủ công mỹ nghệ và đồ gia dụng thân thiện với môi trường. Do đó, ông đã đặt hàng thêm thiết bị máy móc, mở rộng quy mô nhà xưởng đẩy mạnh sản xuất bẹ chuối, sơ, sợi chuối. Lên kế hoạch mở thêm cơ sở làm bẹ chuối sấy khô ở miền Trung và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Hùng dự định, thời gian tới sẽ mở làng nghề sản xuất xơ, sợi chuối ngay tại địa phương để tận dụng hết những phụ phẩm từ thân cây chuối nhằm nâng cao thu nhập, tạo thêm việc làm mới cho lao động lớn tuổi địa phương và xây dựng làng nghề làm chuối. Những sản phẩm được làm từ sợi chuối có thể kể đến giỏ, sọt, thảm trải nhà, thảm trải sàn, chổi… “Chúng tôi rất mong muốn nhà nước có cơ chế chính sách phù hợp để nông dân rộng đường vay vốn cũng như đầu tư máy móc cho chế biến, nâng cao giá trị nông sản, từ đó làm nên thương hiêụ cho sản phẩm làng quê”, ông Hùng bày tỏ.
Bích Phượng
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​