​Hội nghị trực tuyến tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn

Ngày 21/12/2021, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp đã chủ trì Hội nghị trực tuyến Tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn. Tham dự Hội nghị có đại diện các bộ ngành liên quan; cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; doanh nghiệp, tổ chức quốc tế; đại diện của UBND các tỉnh, thành phố và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại các điểm cầu của 63 tỉnh thành trên cả nước. Tại điểm cầu tỉnh Đồng Nai, đồng chí Trần Đình Minh – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được sự ủy quyền của UBND tỉnh đã chủ trì Hội nghị tại Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tham dự Hội nghị có đại diện các sở ngành, địa phương, đơn vị liên quan trên địa bàn tỉnh.
HNTT tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn_hình 1.jpg
Đồng chí Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì Hội nghị

Theo báo cáo của Tổng cục Thủy lợi, sau 5 năm triển khai (2015 - 2020), đến nay cả nước đã có gần 530 nghìn hecta diện tích cây trồng ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, vượt mục tiêu 6% kế hoạch đề ra. Tính đến cuối năm 2015, diện tích cây trồng cạn được áp dụng tưới tiết kiệm nước đạt khoảng 115.000 hecta; đến cuối năm 2016, diện tích này đã đạt khoảng 150.000 hecta, tăng hơn 30% so với năm 2015 và đến cuối năm 2017, có khoảng 276.000 hecta cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, tăng hơn 84% so với năm 2016. Năm 2020 đạt khoảng 529.000 hecta tăng 91% so với năm 2017 và tăng hơn 4,5 lần so với năm năm 2015 (năm đầu kế hoạch). Các vùng phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước mạnh mẽ gồm: Đông Nam bộ (trên 181.000 hecta), Tây Nguyên (trên 142.000 hecta), Đồng bằng sông Cửu Long (hơn 111.700 hecta), Nam Trung Bộ (trên 44.000 hecta). Vùng thấp nhất là Bắc Trung bộ (hơn 9.000 hecta). Có 12 tỉnh đứng đầu danh sách áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước (với diện tích áp dụng trên 10.000 hecta), theo thứ tự là: Tây Ninh, Đắk Lắk, Đồng Nai, Lâm Đồng, Gia Lai, Bến Tre, Đồng Tháp, Bình Thuận, Tiền Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh, Trà Vinh. Việc phát triển mạnh mẽ diện tích ứng dụng biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã góp phần quan trọng vào các thành tựu phát triển của nông nghiệp, nông dân, nông thôn, thủy lợi nói riêng và sự nghiệp phát triển đất nước nói chung và đóng góp hữu hiệu trong ứng phó với hạn hán, bảo đảm an ninh nguồn nước, biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, trong 5 năm qua, kế hoạch phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã vượt mục tiêu đề ra. Vấn đề quan trọng hơn là nhiệm vụ này đã bước đầu huy động được sự tham gia của người dân, cộng đồng doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ thể sản xuất. Đây là yếu tố rất quan trọng, nền móng đầu tiên, tạo tiền đề cho phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong giai đoạn tiếp theo. Tuy nhiên, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cũng chỉ ra một số tồn tại hạn chế nhất định như: Nhận thức của một bộ phận lãnh đạo và nhiều tầng lớp nhân dân đối với vấn đề này là chưa đầy đủ; chưa thu hút được sự vào cuộc mạnh mẽ của khu vực tư nhân, từ đó chưa có sự đầu tư thực sự xứng tầm. Một số chính sách tốt của Nhà nước để thúc đẩy ứng dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước được ban hành, có động lực nhưng thực tế chưa đi vào cuộc sống. Việc tiếp cận và thụ hưởng chính sách của doanh nghiệp, người dân còn nhiều hạn chế, một số địa phương còn thiếu nguồn lực, nhiều nơi có nguồn lực thì việc triển khai lại thiếu bài bản, đồng bộ.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đạt 700.000 - 800.000 hecta (khoảng 30% diện tích cây trồng cạn được tưới) nhằm nâng cao giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, giảm lượng nước tưới, tăng thu nhập cho người dân, góp phần bảo đảm an ninh nguồn nước. Thứ trưởng yêu cầu, Tổng cục Thủy lợi cần quyết liệt triển khai các giải pháp, không thể dừng lại ở việc tiếp tục đầu tư xây dựng các mô hình, nếu tiếp tục làm như vậy chúng ta sẽ thất bại. Bên cạnh đó, việc tưới tiết kiệm không thể làm theo cách đầu tư mô hình rồi nhân rộng, bởi cần rất nhiều nguồn kinh phí lớn từ ngân sách Nhà nước, khi không còn ngân sách hỗ trợ, tính khả thi của mô hình sẽ không cao. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ ngành, địa phương cần phối hợp, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của các thành phần kinh tế.   
Dưới sự chỉ đạo của Thứ trưởng, Tổng cục Thủy lợi cho biết sẽ tập trung triển khai xây dựng quy hoạch thủy lợi vùng, tỉnh sau khi “Quy hoạch phòng chống thiên tại, thủy lợi giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn 2045” được phê duyệt. Rà soát, lồng ghép giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trong các quy hoạch khu/vùng nông nghiệp công nghệ cao. Thực hiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước. Điều chỉnh bổ sung vào các dự án đầu tư trung hạn 2021 - 2025 nội dung phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây cạn chủ lực, có quy mô sản xuất tập trung, có giá trị,…Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ, kỹ thuật thông qua các hoạt động nghiên cứu, chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp.
HNTT tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn_hình 2.jpg
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu của Bộ Nông nghiệp và  Phát triển nông thôn

Tại tỉnh Đồng Nai, đến nay đã triển khai xây dựng, lắp đặt hệ thống tưới nước tiết kiệm (tưới gốc, tưới phun mưa) cho cây trồng cạn với diện tích 56.890 hecta, tăng 42.934 hecta so với năm 2015, trong đó nhóm cây hàng năm 11.187 hecta, nhóm cây ăn trái 22.979 hecta, nhóm cây lâu năm, cây công nghiệp 21.924 hecta và nhóm cây lâm nghiệp là 800 hecta. Việc ứng dụng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước đã mang lại hiệu quả tích cực đối với sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh, tăng năng suất và chất lượng cây trồng, giảm 25% chi phí lao động kéo ống tưới nước (đối với việc giảm công tưới là một thành công rất lớn vì công tưới chiếm tỷ lệ lớn trong sản xuất), tiết kiệm khoảng 20% lượng nước tưới, tăng thu nhập cho người dân khoảng 25% so với những người dân chưa áp dụng hệ thống tưới, tiên tiến, tiết kiệm nước. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm còn là giải pháp hữu hiệu cho bài toán khó về thiếu nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhất là tình trạng nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt.
HNTT tổng kết 5 năm thực hiện kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn_hình 3.jpg
Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai
Nghiệp - TL
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​