​ Đồng Nai 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới giai đoạn 2016-2020

Mặc dù là tỉnh công nghiệp - dịch vụ, tỷ trọng nông nghiệp chỉ chiếm gần 9% trong cơ cấu kinh tế, song tỉnh luôn coi phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững trên  địa bàn. Bước vào xây dựng nông thôn mới, tỉnh xác định nguồn lực là một trong nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nhất là nguồn nhân lực. Tỉnh đã xây dựng, ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 05/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa X) về huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Sau 05 năm tổ chức thực hiện Nghị quyết, mặc dù gặp nhiều khó khăn như: Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; dịch bệnh, nhất là dịch tả lợn Châu Phi đến sản xuất nông nghiệp, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội chung trên địa bàn. Song các cấp, các ngành, đơn vị đã bằng những giải pháp cụ thể, vượt qua khó khăn, thách thức; khai thác khá tốt tiềm năng, thu hút cao các nguồn lực, hầu hết các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết đề ra đều đạt và vượt. Điểm nổi bật: Giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã huy động hơn 327 ngàn tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới, gấp hơn 1,8 lần so với giai đoạn 2011-2015. Trong đó, nguồn vốn ngân sách đạt hơn 39,630 ngàn tỷ đồng, chiếm 12,12% tổng nguồn vốn, vượt cao so với mục tiêu Nghị quyết (vượt 45%); nguồn vốn tín dụng, doanh số cho vay xây dựng nông thôn mới hơn 340 ngàn tỷ đồng và dư nợ tín dụng cho vay xây dựng nông thôn mới đến ngày 31/12/2020 hơn 66,719 ngàn tỷ đồng đạt cao, gấp gần 2 lần so với mục tiêu và cho vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh chiếm tỷ trọng cao (57%) hơn 195,712 ngàn tỷ đồng; huy động các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư vào khu vực nông thôn đạt hơn 185,506 ngàn tỷ đồng, chiếm 56,73% tổng nguồn vốn huy động, vượt 48% so với mục tiêu; nguồn vốn nhân dân đóng góp đạt cao (hơn 34,770 ngàn tỷ đồng, chiếm 10,63% tổng nguồn vốn, vượt 16% so với mục tiêu), đã góp phần tăng cao tỷ lệ nhựa hóa, bê tông hoá các tuyến đường ngõ xóm. Việc bố trí, sử dụng các nguồn vốn, quỹ đất đai, được các cấp, các ngành thực hiện theo đúng yêu cầu chỉ đạo của Nghị quyết số 05-NQ/TU, “hợp lý, kịp thời, hiệu quả”: Nguồn vốn ngân sách, chủ động cân đối, bố trí tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông, thủy lợi, trường học, hạ tầng thương mại nông thôn, y tế, văn hóa,...; bố trí hỗ trợ thực hiện xã hội hóa giao thông nông thôn; hỗ trợ huyện còn khó khăn (Tân Phú, Định Quán, Cẩm Mỹ, Vĩnh Cửu); nguồn vốn ngân sách thể hiện rõ vai trò đối với công trình trọng điểm và dẫn dắt, kích thích  huy nguồn vốn từ các thành phần kinh tế khác.
Đồng Nai 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05_Hình 1.jpg
Công trình thủy lợi Hồ Cầu mới, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

Nguồn vốn tín dụng và doanh nghiệp, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ, phát triển ngành nghề nông thôn. Nguồn vốn xã hội hoá, tập trung cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội nông thôn có quy mô vừa, nhỏ: đường ngõ xóm, đầu tư mua sắm trang thiết bị cho nhà văn hóa ấp, khu vui chơi giải trí ấp…Về nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ, công chức, cơ bản đảm bảo về trình độ chuyên môn, trình độ chính trị, có 100% công chức xã đạt chuẩn theo quy định; lực lượng lao động kỹ thuật có trình độ từ trung cấp trở lên chiếm 26,24% tổng số người trong độ tuổi lao động khu vực nông thôn, vượt chỉ tiêu Nghị quyết; trong đó, mỗi hợp tác xã, mỗi trang trại đều có từ 1 đến 2 lao động kỹ thuật trở lên, cơ bản đáp ứng tốt  việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra giai đoạn vừa qua.
 Những kết quả đạt được từ thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, có vai trò, ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong thực hiện thành công Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh: năm 2019 Đồng Nai là một trong hai tỉnh đầu tiên của cả nước được Thủ tướng Chính phủ công nhật tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới với 100% (133/133) xã và 100% (11/11) đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương cao quý độc lập hạng ba. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, các địa phương tiếp tục thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh đã có 54/133 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, trong đó có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và Xuân Lộc là 01 trong 04 huyện của cả nước được Trung ương chọn thực hiện thí điểm huyện kiểu mẫu về phát triển sản xuất hàng hoá nông nghiệp bền vững.
Với những kết quả đạt được nêu trên, bộ mặt, diện mạo nông thôn đã có sự đổi mới rõ nét, đời sống vật chất và tinh thần người dân có bước nâng cao, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 thu nhập bình quân đầu người đạt 61,75 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 1,53 lần so với đầu năm 2015; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn Trung ương giảm mạnh từ 1,89% năm 2015, đến nay xuống chỉ còn 0,09%; hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang hơn, các tuyến đường giao thông được nhựa hóa, bê tông hóa, mở rộng, kết nối liên thông giữa các khu vực; hệ thống trường học các cấp, trạm y tế xã đạt chuẩn; hệ thống điện phục vụ sản xuất, sinh hoạt dân cư, hạ tầng thương mại nông thôn phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu trao đổi mua bán hàng hoá người dân; môi trường nông thôn có bước cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố và nâng cao về chất lượng hoạt động, ý thức và trách nhiệm làm chủ của người dân nâng lên rõ rệt; tình hình an ninh trật tự ổn định, giữ vững. Đặc biệt, gắn thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU với thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, hưởng ứng phong trào thi đua “Toàn tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị- xã hội, các cơ quan, ban ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia, đã trở thành phong trào thi đua sâu rộng. Qua đó, đã xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay, sáng tạo trong huy động các nguồn lực tham gia xây dựng nông thôn mới: mô hình Ngày thứ bảy xanh, sạch, đẹp, Ngày chủ nhật xanh; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, mô hình “Ánh sáng dân sinh”, mô hình Tổ tự quản vệ sinh môi trường, mô hình tuyến đường “Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp”, mô hình Đội Dân phòng nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Đội thanh niên tình nguyện Thắp sáng niềm tin, mô hình hỗ trợ nuôi bò, nuôi dê phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững….
Đồng Nai 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05_Hình 2.jpg
Tuyến đường ấp 05, xã Bình Lợi, huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai

Song song những kết quả đạt được, việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU thời gian qua còn những tồn tại, hạn chế: Nhận thức của một bộ phận cán bộ, người dân đối với việc thực hiện Nghị quyết chưa thật sự đầy đủ. Thực hiện Nghị quyết, còn có chỉ tiêu chưa đạt: chỉ tiêu công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn giai đoạn 2016-2020 thực hiện 19.406 người, chỉ tiêu là 25.000 người đạt (77,62%). Chậm rà soát việc nâng cao hiệu quả sử dụng các công trình (nhà văn hóa xã, ấp, một số chợ….) đã xây trước đây bằng nguồn vốn ngân sách (hiện công suất sử dụng thấp) hiệu quả chưa cao. Nguồn vốn tín dụng nông dân tiếp cận có giới hạn, vốn vay tín chấp được ngân hàng duyệt rất thấp. Việc thực hiện liên kết giữa các trường, các viện nghiên cứu đào tạo nguồn nhân lực và mời chuyên gia hỗ trợ trực tiếp cho từng cụm xã trong sản xuất nông nghiệp; liên kết của các địa phương với Khu Công nghệ cao Công nghệ sinh học tỉnh chưa nhiều. Số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp tham mưu thực hiện chương trình nông thôn mới còn hạn chế, nhất là bố trí công chức chuyên trách thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới chưa phù hợp với vị trí việc làm theo quy định.  
Về nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc, tồn tại, hạn chế: Ngoài những nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh dịch bệnh, đời sống người dân miền núi, vùng sâu, vùng xa còn khó khăn,…). Nguyên nhân chủ quan, tập trung vào các nguyên nhân: Công tác tuyên truyền có lúc có nơi chưa thực hiện thường xuyên, liên tục, nội dung và cách làm chưa thật sát thực tiễn; công tác tuyên truyền trực quan bằng pano, áp - phích, xe lưu động về vùng sâu còn chưa kịp thời,bộc lộ những hạn chế. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số địa phương có lúc, có nơi chưa được tập trung kịp thời, thiếu giải pháp hiệu quả để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đặt ra trong huy động cũng như bố trí sử dụng các nguồn lực đầu tư. Một số đơn vị sản xuất chưa có phương án hoạt động kinh doanh khả thi, ngân hàng chưa dám mạnh dạn cho vay; một bộ phận nông dân không có tài sản để thế chấp theo yêu cầu của ngành ngân hàng; các dịch vụ ngân hàng tại khu vực nông thôn chưa nhiều. Công tác phối hợp giữa các ngành liên quan với địa phương triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trong huy động nguồn lực cũng như quản lý, khai thác các công trình sau đầu tư (nhà văn hoá, chợ…), để nâng cao hiệu quả vốn đầu tư; hoạt động liên kết đào tạo nguồn nhân lực với các cơ quan liên quan chưa được chú trọng, đẩy mạnh thực hiện.
Xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc. Trong đó, nguồn lực luôn đóng một vai trò quan trọng, quyết định lớn đến sự thành công của Chương trình. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới đến năm 2025 đã được xác định tại Đại hội Đại biểu lần thứ XI Đảng bộ tỉnh: Tập trung huy động cao nhất các nguồn lực trong và ngoài nước; khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và từng địa phương góp phần đẩy mạnh thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nông thôn mới gắn với đô thị văn minh, tiếp tục nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người dân, nâng cao hoạt động an sinh xã hội, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hoá nông thôn Việt Nam, nhằm đảm bảo nông thôn mới trên địa bàn Đồng Nai luôn phát triển ổn định và bền vững, hướng tới một nông thôn giàu có, văn minh và hiện đại. Phấn đấu đến năm 2025: có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 25% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; ít nhất 5 huyện hoàn thành nông thôn mới nâng cao và huyện Xuân Lộc hoàn thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Tỉnh tập trung chỉ đạo các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, căn cứ chức năng nhiệm vụ liên quan, tập trung quán triệt, tổ chức thực hiện tốt một những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm:
1. Trên cơ sở kết quả tổng kết 05 năm Nghị quyết số 05-NQ/TU, tổ chức rà soát, đánh giá rõ những chỉ tiêu, nhiệm vụ chưa đạt hoặc đạt được nhưng còn hạn chế, trên cơ sở đó, phân tích và xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, giải pháp thiết thực, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương, từng đơn vị để tổ chức triển khai, thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/TU trong giai đoạn 2021-2025.
2. Thường xuyên thực hiện tốt công tác tuyên truyền vận động, để vừa nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về Nghị quyết nói chung; vừa thấy rõ kết quả thực hiện Nghị quyết trong 5 năm qua (2016-2020), đặc biệt là những mô hình, những cách làm hay để phát huy; những khó khăn, tồn tại hạn chế để khắc phục; những cơ chế chính sách, nhiệm vụ giải pháp mới có liên quan đến thực hiện Nghị quyết để mỗi người tiếp tục phát huy cao vai trò chủ thể trong tham gia thực hiện. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong huy động nguồn lực, trong phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
3. Tập trung tháo gỡ kịp thời các vướng mắc, khó khăn: các chính sách thu hút đầu tư đối với vốn doanh nghiệp, việc tiếp cận, mở rộng đối với vốn tín dụng… Khắc phục tồn tại: chậm giải ngân đối với vốn ngân sách, nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện đối với các dự án do người dân tự đóng góp vốn… đảm bảo sử dụng hiệu quả, hợp lý đối với các nguồn vốn; nhằm huy động cao nhất các nguồn vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
 4. Tiến hành rà soát, điều chỉnh, ban hành kịp thời các cơ chế, chính sách theo thẩm quyền phù hợp với thực tiễn, quy định của pháp luật và chỉ đạo tổ chức thực hiện: Chính sách đất đai; cơ chế hỗ trợ các tuyến đường ngõ, xóm do người dân tự làm để khuyến khích hơn nữa đối với nguồn nhân dân đóng góp; tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, về hỗ trợ các chủ thể tham gia chương trình mỗi xã một sản phẩm.  
5. Chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo hướng chuyên nghiệp và ổn định; trong đó, chú trọng đào tạo nâng cao trình độ sau đại học, năng lực cán bộ công chức cấp xã, vấn đề luân chuyển cán bộ, nhất là việc luân chuyển đổi vị trí công tác công chức địa chính cấp xã, phát huy tốt vai trò người đứng đầu các tổ chức đảng, chính quyền và đoàn thể trong xây dựng nông thôn mới; đổi mới mạnh mẽ công tác đào tạo nghề: đào tạo theo địa chỉ, đào tạo nghề trình độ cao; gắn đào tạo với nhu cầu việc làm, với nhu cầu lao động thị trường, đảm bảo chủ động đáp ứng yêu cầu lao động trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và phát triển kinh tế xã hội nói chung trên địa bàn thời gian tới.
 Đồng Nai 05 năm thực hiện Nghị quyết số 05_Hình 3.jpg
Trường đào tạo nghề chất lượng cao, xã Long Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai

6.Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của bộ máy của Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát của các tổ chức đảng, chính quyền; phát huy hơn nữa vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và các tầng lớp nhân dân tại cộng đồng dân cư; công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong huy động nguồn lực, xây dựng nông thôn mới.
Phát huy những thành quả đạt được có ý nghĩa nền tảng quan trọng thời gian qua, cùng với việc tiếp tục huy động cao nhất các nguồn lực; nhất là, nguồn nhân lực. Giai đoạn tới, sẽ tin tưởng rằng, nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, tiếp   tục tạo ra bước phát triển cao hơn nữa, xa hơn nữa, từng bước tiến tới: Nông thôn khá giả, giàu có, văn minh và hiện đại. Hoàng Sơn

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​