​Bước đi Tích cực của huyện nông thôn mới Miền núi

Định Quán là huyện nông nghiệp miền núi nằmvề phía Đông Bắc của tỉnh, dọc theo Quốc lộ L.20 - nối Quốc lộ 1A, nối liền giữa Thành phốHồ Chí Minh với Đà Lạt là hai trung tâm hành chính thương mại hàng đầu của miền Đông Nam Bộ và Cao Nguyên Lâm Đồng góp phần tạo mối giao lưu kinh tế văn hóa giữa các trung tâm kinh tế phía Nam. Huyện có vị trí rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Nai, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo vệ nguồn nước cho hồ Trị An, bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển du lịch sinh thái; huyện có diện tích tự nhiên khá lớn (hơn 97.000 ha chiếm 16,4% toàn tỉnh, đứng thứ hai trong tỉnh); dân số toàn huyện 212.520 người, mật độ dân cư thưa (219 người/km2), đông đồng bào dân tộc thiểu số (28 dân tộc thiểu số, chiếm 26,2% dân số toàn huyện), với 14 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó thị trấn Định Quán là trung tâm hành chính của huyện; địa hình tự nhiên phức tạp, khó khăn trong việc cơ giới hóa và đầu tư công trình thủy lợi, công trình cấp nước sinh hoạt cho người dân.  
Mặc dù, là huyện có diểm xuất phát điểm thấp khi triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội rất nhiều khó khăn; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 chỉ đạt 27,1 triệu đồng/người; hộ nghèo nhiều (năm 2011 chiếm 16,8%,8.115 hộ). Song, chủ động thấy được những khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống huyện anh hùng trong kháng chiến. Ngay khi bước vào thực hiện chương trình, huyện đã xác định rõ nội dung để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo: “Xây dựng nông thôn mới đi đôi với phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững; trồng, quản lý và khai thác hiệu quả đối với nguồn tài nguyên rừng, góp phần cân bằng sinh thái và bảo vệ quốc phòng, an ninh; phát triển du lịch sinh thái; chú trọng phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ, trong đó, tập trung vào công nghiệp chế biến nông sản hỗ trợ trực tiếp trở lại cho nông nghiệp, nông thôn”. Trong quá trình thực hiện, huyện kết hợp đồng bộ, chặt chẽ các giải pháp; không dễ dãi đối với chất lượng và quyết liệt với khó khăn; kết hợp giữa xây dựng nông thôn mới với nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, Định quán đã đạt được những kết quả có ý nghĩa rất quan và khích lệ trên tất cả các mặt:
Sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập một bước đột phá lớn trong phát triển kinh tế nông thôn. Huyện chú trọng gắn chặt phát triển sản xuất nông nghiệp với thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp: Sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng và toàn ngành nông nghiệp huyện; hình thành được các chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm ở nhiều cây trồng, vật nuôi: ca cao, xoài, cam, quýt, mít, cà phê, cá lóc... .Ước năm 2020 Giá trị sản phẩm bình quân/1 ha đất nông nghiệp đạt 145,58 triệu đồng (tăng 1,63 lần so với năm 2011); đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng nâng lên, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 57, 4 triệu đồng, tăng hơn 111% so với năm 2011; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm mạnh từ 16,8% năm 2011 xuống còn 0,78% đến nay.   
​Bước đi Tích cực của huyện nông thôn mới Miền núi_hình 1.jpg
Cánh đồng trồng rau hẹ theo hướng hữu cơ xã Suối Nho

Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội,với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng, để huy động cao nhất mọi nguồn lực đầu tư cho lĩnh vực này. Các cơ sở hạ tầng quan trọng như hệ thống điện, giao thông kết nối giữa các khu vực, giữa các trung tâm, trường học, trạm y tế, thiết chế văn hóa, hệ thống bảo vệ môi trường của xã, ấp đã có bước phát triển đáng kể, đem lại diện mạo mới, sức sống mới là điểm nổi bật trong xây dựng nông thôn mới: đường giao thông kết nối giữa các trung tâm, giữa các khu vực; hệ thống thủy lợi đáp ứng yêu cầu sản xuất, sinh hoạt dân cư và chủ động phòng chống thiên tai;100% số xã có trường học đạt chuẩn về cơ sở vật chất, trong đó đã có 45% trường đạt chuẩn quốc gia. Điểm nổi bật trong xây dựng thiết chế văn hóa từ huy động nguồn lực xã hội hóa, đã xây dựng 03 nhà văn hóa dân tộc phục vụ sinh hoạt cộng đồng.
​Bước đi Tích cực của huyện nông thôn mới Miền núi_Hình 2.jpg
Tuyến đường kiểu mẫu "Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp" xã Phú Ngọc

Văn hóa, xã hội và môi trường có sự chuyển biến tích cực; Huyện duy trì và thực hiện tốt công tác nâng cao chất lượng dạy và học. Tỷ lệ từng tiêu chí hàng năm đều tăng, vượt so với quy định tiêu chí nông thôn mới: 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 05 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, trung cấp) đạt 99%.Chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện và nâng cao, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt được 90,7%% tăng 87% so với năm 2011; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,toàn huyện có 98,4% hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa; 94,6% ấp đạt chuẩn văn hóa; hệ thống cung cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn ngày càng cải thiện, trong xử lý môi trường, huyện đã huy động nguồn vốn xã hội hóa đầu tư nhà máy xử lý rác thải bằng hình thức đốt và sản xuất phân vi sinh từ năm 2013 (công suất xử lý 245 tấn rác/ngày; quy mô gần 10 ha) đã có sự đóng góp tốt vấn đề xử lý rác của khu vực Tân Phú, Định Quán – là 02 huyện xa nhất của tỉnh.
​Bước đi Tích cực của huyện nông thôn mới Miền núi_Hình 3.jpg
Hồ bơi dạy bơi cho trẻ em chống đuối nước xã Thanh Sơn

Xây dựng hệ thống chính trị; đảm bảo an ninh trật tự ở nông thôn: Chất lượng nguồn nhân lực và hoạt động của bộ máy các cơ quan, đơn vị, các cấp được nâng cao, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ thực tế tại địa phương. Cán bộ có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đạt chuẩn chiếm 98,54%, tăng 44,5% so với năm 2011; công chức xã đã đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, trình độ lý luận chính trị chiếm 95,24%, tăng 68,7% so với năm 2011; đội ngũ cán bộ chuyên môn trong lĩnh vực nông nghiệp ngày càng được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Cấp ủy Đảng, hệ thống chính quyền, mặt trận và các đoàn thể ở nông thôn thực hiện tốt vai trò, chức năng nhiệm vụ trong xây dựng nông thôn mới. 100% UBND cấp xã sử dụng phần mềm một cửa điện tử eGov để phục vụ cho tổ chức, người dân trong công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính., khai thác, sử dụng có hiệu quả cơ sở dữ liệu về thông tin khoa học và công nghệ phục vụ sản xuất và đời sống. Lực lượng quân sự, công an được tập trung đào tạo theo hướng chính quy, hiện đại; thực hiện tốt phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc. Trong các năm qua, tình hình an ninh chính trị - an toàn trật tự xã hội trên địa bàn huyện luôn được giữ vững và ổn định; các loại tội phạm, tai nạn, tệ nạn xã hội và các vi phạm pháp luật đều giảm.  
Với những thành quả đạt được toàn diện trên tất cả các mặt: Đến cuối năm 2018 toàn thể 13/13 xã đều đạt chuẩn nông thôn mới và huyện vinh dự được Thủ tướngChính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới; thực hiện nông thôn mới nâng cao, tuy là xã vùng núi có nhiều khó khăn, song đến tháng 6/2020, huyện đã có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, dự kiến đến cuối năm 2020 có từ 02 đến 04 xã đạt chuẩn nâng cao. Cùng với thực hiện nông thôn mới nâng cao, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu; trong năm 2020, Định Quán đã 02 tuyến đường “Sáng, xanh, sạch, đẹp” đạt giải Hội thi cấp huyện và tỉnh; đang được triển khai thực hiện khu dân cư kiểu mẫu, nhằm tiến tới thực hiện xã nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến năm 2021 có 02 khu dân cư thuộc 02 xã Phú Túc và Phú Vinh đạt chuẩn kiểu mẫu theo Bộ tiêu chí của tỉnh.  
Bên cạnh những thành tựu rất đáng khích lệ đạt được, huyện Định Quán còn một số tồn tại, hạn chế sau: Sản xuất nông nghiệp, tuy có bước phát triển khá rõ nét, nhưng nông nghiệp công nghệ cao, chế biến nông sản phát triển chưa nhiều; sức cạnh tranh của nền sản xuất nhìn chung còn thấp; công tác giảm nghèo tuy chuyển biến mạnh, nhưng vẫn còn tiềm ẩn khả năng tái nghèo; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tính hiện đại, tính đồng bộ còn thấp; diện mạo nông thôn đã có bước khởi sắc, nhưng cũng còn một số nơi, chưa được thực sự sáng, xanh, sạch, đẹp.  
Giai đoạn tới, với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Phát huy thành tựu, kinh nghiệm đạt được hơn 10 năm qua; cùng với các giải pháp đồng bộ, tạo điểm nhấn mới trong phát triển:  
Tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền vận động, đặc biệt là về nội dung tuyên truyền, đi sâu vào những thông tin mới, những vấn đề thực tế đặt ra cần tập trung chỉ đạo đối với chương trình: nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, để mọi người dân nhận thức rõ và sâu sắc, tiếp tục xác định tốt trách nhiệm của mình trong thực hiện Chương trình. Tiếp tục thực hiện tốt Nghị quyết số 05-/NQ ngày 05/9/2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và Kế hoạch số 12367/KH-UBND ngày 19/12/2016 về huy động nguồn lực xây dựng và phát triển nông thôn mới để huy động tối đa mọi nguồn lực thực hiện Chương trình.  
Đẩy mạnh đầu tư phát triển dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, gắn phát triển nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái; tăng cường phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh phục vụ trở lại cho nông nghiệp, nông thôn; thực hiện hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).  
Tập trung chỉnh trang, tạo cảnh quan môi trường, đảm bảo nông thôn luôn “sáng, xanh, sạch, đẹp”. Xem công tác chỉnh trang nông thôn là nhiệm vụ chính yếu trong thực hiện nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu. Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, trong đó chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng chuyên nghiệp, đào tạo cán bộ khoa học kỹ thuật, lao động có trình độ nghề cao. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. Nâng cao chất lượng của lực lượng quân sự, công an, thực hiện tốt phong trào tự quản trong khu dân cư, đảm bảo giữ gìn và ổn định an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
​Bước đi Tích cực của huyện nông thôn mới Miền núi_hình 4.jpg
Gian hàng sản phẩm nông thôn mới xã Phú Lợi

Phấn đấu đến năm 2024 huyện có 100 số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, năm 2025: huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 04 xã và 10 khu dân cư đạt chuẩn nông thôn mới mới kiểu mẫu; góp phần tích cực vào sự phát triển chung của Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Sơn
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​