​Nông nghiệp hữu cơ - hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp

Những năm gần đây, đặc biệt là từ khi Việt Nam tham gia hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, các sản phẩm nông nghiệp trong nước gặp phải sự cạnh tranh gay gắt của các nước trong khu vực và trên thế giới. Đây là thách thức song cũng là cơ hội để nông sản Việt khẳng định thương hiệu và vượt lên chính mình. Một trong những hướng đi được dự báo là tất yếu đó là việc đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, lấy chất lượng để cạnh tranh sòng phẳng. Đồng Nai là tỉnh đã có nhiều bước tiến trong phát triển nông nghiệp hữu cơ và bước đầu gặt hái những kết quả đáng mừng.
Xu thế tất yếu của tương lai
Nhu cầu của con người cùng với thời gian đã dần thay đổi, riêng với ẩm thực thị trường đã từng bước đi từ ăn no đến ăn ngon và giờ đây còn thêm cả ăn sạch. Nghĩa là, người tiêu dùng yêu cầu thực phẩm họ tiêu thụ phải đảm bảo không chứa dư lượng thuốc trừ sâu, phân bón, không chứa kim loại nặng, các loại virus, vi khuẩn gây bệnh và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng – đó là sản phẩm của nông nghiệp hữu cơ. Nhưng, nông nghiệp hữu cơ hay còn được gọi là nông nghiệp tự nhiên dựa vào những nguyên tắc cơ bản như quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và quá trình phát triển tự nhiên phù hợp với từng điều kiện của địa phương, nhằm duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người.
Với mục đích nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ, tạo sự chuyển biến trong nhận thức của người sản xuất về sản xuất nông nghiệp sạch, cải tạo đất, bảo vệ môi trường sinh thái và nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, từ tháng 6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Để án Phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn 2020 – 2030 với mục tiêu nâng cao giá trị, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.
Trước đó, tại Đồng Nai, những mô hình sản xuất nông sản hữu cơ ở quy mô nhỏ đã thu thút được sự tham gia của đông đảo giới trẻ khởi nghiệp bởi những sản phẩm nông sản này luôn được thị trường ưu ái lựa chọn vào giỏ hàng tiêu dùng. Tận dụng những lợi thế sẵn có về điều kiện tự nhiên, con người và thị phần sản phẩm nông sản, Đồng Nai hứa hẹn sẽ trở thành vùng trồng trọt, chăn nuôi có ưu thế hàng đầu cả nước.
Giữa bối cảnh đó, Đồng Nai hiện đang có nhiều loại nông sản chủ lực như: tiêu, cà phê, điều, nhiều loại cây ăn trái đặc sản... đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, chất lượng tốt nhưng đầu ra ổn định vẫn là bài toán chưa có lời giải. Thời kỳ hậu nông thôn mới, Đồng Nai định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Trong đó, tỉnh chú trọng đầu tư cho nhãn hàng hóa và khâu quảng bá với mục tiêu tạo những tên tuổi, thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện mà nông sản hữu cơ chính là chìa khóa mở ra cảnh cửa mới cho nông sản Đồng Nai.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai, từ đầu năm 2020 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ cho 209 hộ dân với 300 ha cây trồng thực hiện thủ tục đánh giá tư vấn cấp chứng nhận VietGAP. Dự kiến đến cuối năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 895 ha được cấp chứng nhận VietGAP. Trước đó, Đồng Nai đã hình thành các vùng chuyên canh với những cây nông nghiệp mang lại sản lượng và giá trị kinh tế cao với nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nên gần đây ngày càng xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ.
Trong đó, các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu); vùng chôm chôm VietGAP (xã Bình Lộc, TP.Long Khánh); vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)... đang dần trở thành những điểm du lịch sinh thái hấp dẫn với du khách, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.
Việc sản phẩm nông nghiệp hữu cơ dần quen thuộc với đại đa số người tiêu dung đã tạo ra hướng đi mới, bền vững cho nhiều nông dân, doanh nghiệp sản xuất. Xác định đây là hướng đi bền vững, góp phần nâng cao giá trị nông sản, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, nhiều dự án nông nghiệp hữu cơ với vốn đầu tư lên đến hàng tỉ đồng đã được hình thành.
Nhằm định hướng và đồng hành cùng nông dân trong sản xuất nông nghiệp sạch với mục tiêu chuyển dần tập quán canh tác của nông dân từ hướng sản xuất nông nghiệp vô cơ sang sản xuất hữu cơ, giảm chi phí đầu vào, nâng cao chất lượng nông sản, nâng cao năng lực cạnh tranh của nông sản địa phương, tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ phát triển du lịch sinh thái nhiều lớp tập huấn sản xuất nông nghiệp hữu cơ đã được tổ chức. Đặc biệt, tháng 6/2020 lớp tập huấn tại huyện Vĩnh Cửu đã thu hút trên 230 lãnh đạo, nhân dân trong tỉnh và nông dân các tỉnh Gia Lai, Đắc Lắc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, An Giang, Bình Dương, thành phố Hồ Chí Minh cùng tham dự trao đổi và học tập kinh nghiệm.
Trước đó, đề án “Minh bạch sản phẩm nông nghiệp hữu cơ huyện Vĩnh Cửu” triển khai ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất đã mang lại hiệu quả rất lớn cho nông dân cả về hiệu quả kinh tế cũng như hiệu quả về mặt xã hội. Trước tiên người nông dân được lợi về việc đầu tư với chi phí rất thấp, chủ động về nguồn phân bón, thuốc Bảo vệ thực vật tại chỗ, không gây hại sức khỏe cho người sản xuất và người tiêu dùng, môi trường đất, không khí, nước ngày càng được cải thiện, đầu ra của sản phẩm  được người tiêu dùng chấp nhận, có khả năng mở rộng được thị trường trong và ngoài nước....
Khởi đầu bằng những đam mê
Anh Phạm Phú Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường (H.Cẩm Mỹ) là một trong những nông dân nặng lòng với nông nghiệp hữu cơ. Trước khi đến với nông nghiệp sạch, anh Cường trồng dâu nuôi tằm. Cũng do “mê” làm nông nghiệp sạch anh lấy những chiếc mùng không còn sử dụng may lại với nhau thành màng hạn chế muỗi và côn trùng cắn rau. Thấy hoa màu trồng theo hướng hữu cơ cho năng suất, chất lượng  cao, anh quyết định đầu tư làm nhà màng. Từ vài luống rau ban đầu, đến nay anh Cường đã liên kết với các hộ dân phát triển được 6ha rau, trái VietGAP. Trung bình mỗi năm, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Phú Cường cung cấp ra thị trường khoảng 25 tấn rau ăn lá và dưa leo, 10 tấn dưa lưới, 10 tấn cà chua.
Phát hiện ong hút mật, thụ phấn là tăng năng suất các loại cây ăn trái khoảng 30%, đồng thời sâu bệnh giảm đáng kể, anh đã đưa đàn đàn ong vào sinh sống trong nhà màng từ đó toàn bộ các loại cây ăn trái đều được thụ phấn nhờ ong. Tuy nhiên, do chưa có kinh nghiệm nuôi ong, thêm vào đó chưa biết cách hạ nhiệt độ bên trong nhà màng nên đến bầy ong thứ 3 anh mới thành công. Hiện sản phẩm của HTX đang được bán online từ fanpage Rau sạch Phú Cường, bỏ mối tại chợ trên địa bàn huyện. Mới đây, một doanh nghiệp tại TP.HCM đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đưa vào siêu thị nông sản sạch và xuất khẩu. “Tôi đang đầu tư vốn cho các hộ nông dân mở rộng nhà màng, sản xuất theo quy trình sạch, trong đó bao gồm cả nuôi ong thụ phấn cho hoa màu để đáp ứng số lượng và chất lượng cho thị trường xuất khẩu” - anh Cường chia sẻ.
Nhắc đến nông nghiệp hữu cơ không thể không nhắc đến ông Vũ Mạnh Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và phát triển nông nghiệp bền vững (H.Trảng Bom) với những nỗ lực trong thay đổi thói quen làm nông nghiệp của nông dân.
Bằng sự kiên trì và tâm huyết, hơn 50 dự án nông nghiệp sạch đã được ông và nhóm thực hiện, chuyển giao thành công cho người dân ở Đồng Nai và các tỉnh miền Đông Nam bộ. Trong đó có: bưởi GlobalGAP Tân Triều (H.Vĩnh Cửu), xoài GlobalGAP (H.Xuân Lộc), hồ tiêu GlobalGAP Lâm San (H.Cẩm Mỹ), sầu riêng VietGAP Nhân Nghĩa (H.Cẩm Mỹ), lúa hữu cơ Long Phước... Để giúp các vùng dự án phát triển bền vững, Trung tâm đã đứng ra tư vấn, hỗ trợ nông dân thành lập HTX, triển khai truy xuất nguồn gốc nông sản bằng công nghệ blockchain, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nông dân. Cùng với đó, kết nối 3 nhà là nhà cung cấp vật tư đầu vào, nhà nông và doanh nghiệp thu mua tạo thành chuỗi bền vững.
 “Chúng tôi đang phối hợp với Hội Nông dân tỉnh, Sở KH-CN triển khai thêm nhiều dự án phát triển nông nghiệp bền vững trên địa bàn tỉnh như: dự án sản xuất giống lúa ngon nhất thế giới năm 2019 theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Long Phước (H.Long Thành); nâng tiêu chuẩn VietGAP lên GlobalGAP đối với các sản phẩm: chôm chôm Lạc Sơn (H.Thống Nhất), bưởi Bàu Hàm (H.Trảng Bom), xoài Phú Lý (H.Vĩnh Cửu). Hy vọng sẽ góp phần nhỏ bé tạo sự thay đổi tích cực cho nông dân, nông nghiệp và môi trường” - ông Hà chia sẻ.
Các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin đã đưa các sản phẩm nông nghiệp của nông dân vươn xa hơn, hạn chế việc phụ thuộc vào thương lái, thông qua tập huấn mở hướng cho nông dân kết hợp sản xuất các cây trồng chủ lực kết hợp sản xuất các sản phẩm phụ từ các phế phẩm nông nghiệp, các giải pháp lấy ngắn nuôi dài, mang lại thu nhập thường xuyên cho nông dân, nâng cao giá trị nông sản, mục tiêu đầu tư phát triển phục vụ phát triển du lịch sinh thái nhà vườn trong thời gian tới.
Dương Hiến
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​