​Đồng Nai: Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Nông nghiệp công nghệ cao (CNC) không chỉ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi và hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích mà còn thích ứng với tình trạng biến đổi khí hậu. Phát triển nông nghiệp CNC cũng đang nhận được nhiều ưu đãi về các cơ chế, chính sách hỗ trợ.

Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp CNC tại Đồng Nai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tại Đồng Nai thời gian qua, việc phát triển nông nghiệp CNC đã được khuyến khích và đẩy mạnh ứng dụng vào thực tế sản xuất. Trong lĩnh vực trồng trọt, hiện trên địa bàn tỉnh đã có 573 ha cây trồng sản xuất theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP; hơn 46.000 ha ứng dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm; 210 ha diện tích cây ca cao đạt chứng nhận UTZ; 282 ha cà phê sản xuất theo tiêu chuẩn 4C; 100% diện tích cây trồng sử dụng giống mới; tỷ lệ bình quân các khâu cơ giới hóa trên cây trồng đạt khoảng 84%, trong đó 100% diện tích đất trồng lúa đã được ứng dụng cơ giới hóa hoàn toàn…

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh đang triển khai áp dụng 54 mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả, với diện tích thực hiện trên 79.000 ha. Trong đó, nhiều mô hình cho thu nhập cao như: mô hình thâm canh sầu riêng đạt 700 triệu đồng/ha; mô hình thâm canh cây thanh long ruột đỏ đạt 600- 01 tỷ đồng/ha; mô hình trồng bưởi đạt 400-900 triệu đồng/ha; mô hình trồng dưa lưới đạt hơn 01 tỷ đồng/ha… 

Là một trong những người đi tiên phong tại địa phương trong phát triển nông nghiệp ứng dụng CNC, anh Đỗ Nhật Tâm, chủ trang trại dưa lưới Tâm Hương, ấp Bảo Định, xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) hiện đang phát triển mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng theo hướng ứng dụng CNC. Toàn bộ diện tích 2 sào đất trồng dưa đều được anh xây dựng nhà màng theo công nghệ của Israel. 

Đồng Nai Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao_Hình 2.jpg
Trang trại trồng dưa lưới trong nhà màng của anh Đỗ Nhật Tâm, xã Xuân Định, huyện Xuân Lộc 

“Xác định ngay từ đầu là sản xuất sản phẩm sạch, an toàn và truy xuất nguồn gốc để hướng đến xuất khẩu, nên tôi không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất hay thuốc bảo vệ thực vật nào. Việc thụ phấn cho dưa cũng được thực hiện bằng việc nuôi ong nên đảm bảo sạch tuyệt đối. Chính vì vậy, thông qua một đối tác, sản phẩm dưa lưới mang thương hiệu Tâm Hương hiện đã được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất và hệ thống siêu thị trái cây sạch ở TP. Hồ Chí Minh….Thu nhập từ 2 sào dưa lưới đạt khoảng 1,2 đến 1,5 tỷ đồng mỗi năm”, anh Tâm chia sẻ. 

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, ngoài các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng CNC quy mô nhỏ lẻ, hiện tỉnh Đồng Nai cũng đã thu hút được một số tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp CNC như: Công ty TNHH 2 thành viên Vineco đã xây dựng được 80 ha nhà màng và sản xuất trên 40 loại rau, củ, quả, đồng thời có khoảng 450 ha các loại cây ăn trái có ứng dụng công nghệ cao ở các khâu trong quy trình sản xuất; Công ty TNHH Trang trại Việt tại xã Xuân Trường, huyện Xuân Lộc có quy mô sản xuất 13 ha, trong đó xây dựng được 17 nhà màng để trồng các loại rau, củ, quả để cung ứng sản phẩm cho thị trường TP.Hồ Chí Minh; hay Công ty Cổ phần Việt Rau đã đầu tư xây dựng 8ha nhà màng, nhà lưới để sản xuất từ 30-40 loại rau xuất khẩu sang thị trường Châu Âu…

Đồng Nai Đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao_hình 1.JPG
Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT trình bày về thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao tại Đồng Nai

Trên lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai còn có hơn 80% tổng đàn heo và 90% tổng đàn gà chăn nuôi trang trại có quy mô công nghiệp và ứng dụng CNC như: sử dụng chuồng lạnh, tự động hóa nhiều khâu trong quy trình sản xuất; quản lý hoạt động chăn nuôi bằng các phần mềm hiện đại… 

Định hướng phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp, thời gian qua trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình ứng dụng CNC, nông nghiệp sạch như: mô hình trồng bưởi VietGAP cho thu nhập từ 1,2-2 tỷ đồng/ha; nuôi tôm công nghệ cao đạt từ 2,5-3 tỷ đồng/ha; giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt mức tăng trưởng bình quân giai đoạn 2011-2018 là 3,67%/năm…Tuy nhiên, nhìn chung sản xuất nông nghiệp của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức cho sự phát triển bền vững. Đó là tình trạng sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún, tự phát, chưa theo quy hoạch, chất lượng chưa ổn định. Trong đó, đặc biệt là các khâu thu hoạch, bảo quản, sơ chế và chế biến còn nhiều hạn chế…

Để nông nghiệp phát triển hiệu quả và bền vững, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho rằng việc ứng dụng các CNC, công nghệ tiên tiến dựa trên số hóa và kết nối tạo ra các mô hình nông nghiệp CNC, nông nghiệp thông minh là yêu cầu cấp thiết và tất yếu nhằm tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Vì thế, hội nghị ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp tại Đồng Nai – thực trạng và giải pháp sẽ là cơ hội để các nhà quản lý xem xét, đề xuất những cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển và ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản; đồng thời thúc đẩy cơ hội liên kết giữa 4 nhà “nhà nông – nhà doanh nghiệp - nhà khoa học – nhà nước”.

Ông Lê Văn Gọi, Phó giám đốc Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, mặc dù kết quả ứng dụng CNC trong nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số thành tựu nhất định, nhưng thực tế vẫn còn nhiều khó khăn. Đó là vốn đầu tư cho phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC là rất lớn, song hầu hết các sản phẩm làm ra lại chưa có thị trường tiêu thụ ổn định, chưa có công cụ cần thiết để phân biệt và bảo vệ sản phẩm, nên hiệu quả đầu tư còn hạn chế và chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia.

“Việc chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất được các ngành, địa phương và người sản xuất quan tâm thực hiện. Cơ sở hạ tầng và các hoạt động dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, phát triển đồng bộ. Thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện việc xây dựng các Trung tâm dịch vụ nông nghiệp tại một số địa phương để trực tiếp hỗ trợ nông dân ứng dụng các tiến bộ khao học kỹ thuật vào sản xuất, cập nhật thông tin về thị trường, giá cả, định hướng sản xuất…”, ông Gọi chia sẻ.

TS. Lê Quý Kha, Phó viện trưởng Viện Khoa học Kỹ thuật Nông nghiệp miền Nam cho biết, để đẩy mạnh phát triển nông nghiệp CNC trong thời gian tới, tỉnh Đồng Nai cần đột phá ở một số lĩnh vực như: Đột phá gắn với phong trào mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Đột phá trong tổ chức quản lý, phát huy hiệu quả của máy móc cơ giới hóa; Đột phá trong tiếp cận thị trường tiêu thụ và truy suất nguồn gốc; Đốt phát trong chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch….Đặc biệt nông nghiệp Đồng Nai nên có định hướng tạo ra nông sản, thực phẩm phục vụ sân bay Long Thành trong thời gian tới.

Việc xây dựng và phát triển các mô hình nông nghiệp ứng dụng CNC đòi hỏi cần nguồn vốn đầu tư khá lớn. Vì vậy, muốn khuyến khích nông dân đẩy mạnh áp dụng thì nhà nước cũng cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ ưu đãi. 

Bà Nguyễn Thị Hoàng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ cho biết, hiện nay ngoài việc triển khai các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn thì Chương trình khoa học và công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nâng lực cạnh tranh, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, bảo hộ sở hữu trí tuệ trong quá trình hội nhập (gọi tắt là Chương trình 837) sẽ hỗ trợ nông dân, Hợp tác xã xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp CNC; hỗ trợ chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt VietGAP và GlobalGAP; hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, xây dựng Website để quảng bá sản sẩm, truy suất nguồn gốc…

Thanh Cảnh


Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​