Chủ động vào thị trường khó

​Từ ngày 1 - 5 - 2019, Hải quan Trung Quốc sẽ thực hiện thêm một số quy định mới đối với một số loại trái cây nhập khẩu từ Việt Nam; làm chặt việc truy xuất nguồn gốc, đăng ký mã số vườn trồng, cải tiến chất lượng, bao bì...nếu không đáp ứng thì sẽ không vào được thị trường này.
Đã đến lúc nông dân phải chủ động thay đổi cả trong tư duy sản xuất và bán hàng để không bị đẩy ra khỏi sân chơi hội nhập. Tham gia chương trình truy xuất nguồn gốc nông sản, nông dân là người được hưởng lợi với nhiều chương trình hỗ trợ.
Không còn thị trường dễ
Ông Đoàn Trung Ngọc, Tổ trưởng Tổ hợp tác thanh long ruột đỏ xã Hưng Thịnh (huyện Trảng Bom) nhận xét, từ đầu năm đến nay, việc xuất khẩu thanh long giảm 20-30% so cùng kỳ năm ngoái; thanh long cũng không còn giá sốt vào những đợt cao điểm xuất khẩu như mọi năm. “Chúng tôi cũng nghe nói về việc Trung Quốc thực hiện truy xuất nguồn gốc trái cây nhưng thương lái, doanh nghiệp xuất khẩu chưa yêu cầu nên hiện chưa có nông dân nào thực hiện đăng ký truy xuất trái cây. Chúng tôi cũng mong được Nhà nước hỗ trợ để thực hiện truy xuất trái cây” – ông Ngọc nói.
Đã qua thời thị trường Trung Quốc dễ tính, sản phẩm nào họ cũng chấp nhận. Ông Phạm Văn Quý, Giám đốc Công ty TNHH Hồng Thái Dương (huyện Định Quán) nhận xét: “Đã qua thời làm ra nông sản nào cũng bán được và nông dân chỉ quan tâm tăng năng suất để thu lợi nhuận tốt. Nông dân phải chủ động làm  truy xuất nguồn gốc và chứng nhận đảm bảo về chất lượng nếu muốn xuất khẩu được sang thị trường Trung Quốc. Họ phải hiểu rõ về nhu cầu, yêu cầu của thị trường mình muốn bán hàng để điều chỉnh sản xuất cho phù hợp”.
Cùng quan điểm, TS.Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nông dân phải bỏ tư tưởng xin – cho để chủ động tham gia tìm hiểu và thực hiện ngay việc truy xuất nguồn gốc cho nông sản. Trung Quốc bắt đầu thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản nhập khẩu từ năm ngoái và họ áp dụng tiêu chuẩn này cho tất cả các nông sản nhập khẩu chứ không phải áp đặt riêng với Việt Nam. Đây là yêu cầu của người mua và nông dân muốn bán được hàng thì phải đáp ứng tốt nhất nhu cầu của khách.
Hỗ trợ nông dân truy xuất nguồn gốc
ThS. Trần Thị Phương Chi, người đi tiên phong trồng lúa sạch ở Đồng Nai với sản phẩm gạo sạch Tân Bình Lục (huyện Vĩnh Cửu) chia sẻ câu chuyện làm truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm gạo và bưởi sạch: “Nông dân có thể ngồi nhà lên mạng tìm hiểu mọi thông tin về việc đăng ký truy xuất nguồn gốc cho nông sản của mình. Với quy mô sản xuất hộ gia đình dưới 10 ngàn sản phẩm, chi phí chỉ khoảng 1,5 triệu đồng/hồ sơ đăng ký; chi phí duy trì cũng chỉ khoảng 1 triệu đồng/năm. Nông dân càng chủ động thực hiện sớm việc làm nhãn hàng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc thì càng sớm tạo được lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng sản phẩm”.
Đồng Nai đang triển khai thí điểm hàng loạt chương trình truy xuất nguồn gốc cho nông sản, thực phẩm. Tham gia những chương trình thí điểm này, noogn dân được nhiều hỗ trợ như: sử dụng phần mềm miễn phí; được tham gia tập huấn; được hỗ trợ tiêu thụ nông sản sạch; nhiều chương trình quảng bá, xúc tiến thương mại cho nông sản sạch…Theo ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - phát triển nông thôn: “Hiện nông sản muốn vào thị trường tiêu thụ lớn là TP. Hồ Chí Minh phải được truy xuất nguồn gốc. Đồng Nai cũng đang triển khai truy xuất nông sản vào chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) và sẽ tổ chức thí điểm truy xuất nguồn gốc thực phẩm tại các chợ truyền thống. Thực hiện tốt việc truy xuất nguồn gốc nông sản là cơ hội tăng sức cạnh tranh cả ở thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Cùng quan điểm, ông Trương Minh Tiến, Giám đốc Công ty cổ phần bất động sản Thống Nhất - đơn vị đầu tư và quản lý chợ đầu mối nông sản, thực phẩm Dầu Giây (huyện Thống Nhất) cho biết, từ trước và sau khi chợ đầu mối đi vào hoạt động, hàng chục chương trình kết nối hỗ trợ hợp tác xã, nông dân thực hiện chứng nhận nông sản an toàn, truy xuất nguồn gốc nông sản… Ông Tiến dẫn chứng kết quả của các chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản địa phương: “Hiện nay, nông sản Đồng Nai đang chiếm tỷ lệ áp đảo từ 50-55% trên tổng sản lượng nông sản tại chợ đầu mối. Nhiều loại nông sản đang được đăng ký chứng nhận an toàn và truy xuất nguồn gốc. Đây không chỉ là chợ đầu mối nông sản của tỉnh mà của cả khu vực với mục tiêu vươn lên tầm quốc tế, góp phần đưa nông sản nội địa tham gia sân chơi hội nhập”.
Chủ động vào thị trường khó_hình 1.JPG
Ảnh: Vựa sầu riêng tại huyện Xuân Lộc.
Bình Nguyên
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​