Huyện Xuân Lộc: Tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng và nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

​Với diện tích đất nông nghiệp trên 59 ngàn ha (chiếm 82% tổng diện tích tự nhiên), đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa…huyện Xuân Lộc là địa phương có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nông nghiệp. Đặc biệt, thực hiện Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” và quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện đến năm 2030, huyện Xuân Lộc đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nhân rộng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp nổi trội của địa phương.
Thu nhập cao nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp
Bà Lê Thị Hiệp, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Xuân Lộc cho biết, qua 5 năm triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của huyện Xuân Lộc đã chuyển dịch đúng định hướng; cơ cấu cây trồng, vật nuôi chuyển đổi theo đúng quy hoạch; nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu theo hướng nâng cao chất lượng, an xuất an toàn, thực hành nông nghiệp tốt (GAP); hình thành các chuỗi giá trị trong liên kết.
Nhờ tái cơ cấu theo hướng đồng bộ, giá trị sản xuất ngành nông-lâm-thủy sản của huyện năm 2017 đạt trên 6 ngàn tỷ đồng, tăng hơn 19% so với năm 2013; Tốc độ tăng trưởng bình quân ngành nông nghiệp của huyện đạt từ 3-5%/năm; Giá trị sản xuất trên 01 héc ta đất nông nghiệp năm 2017 đạt 129,3 triệu đồng; Thu nhập bình quân đầu người hiện nay đạt khoảng trên 50 triệu đồng/người/năm, tăng gần 20 triệu đồng so với năm 2013.
“Đặc biệt, xác định rõ việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên của từng xã sẽ góp phần khai thác hết tiềm năng về đất đai, khí hậu, nên thời gian qua huyện Xuân Lộc đã tập trung khuyến khích nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cơ cấu mùa vụ. Đến nay, trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung có giá trị kinh tế cao từ 240 triệu đồng/ha/năm trở lên như: vùng sản xuất xoài khoảng 1.400 ha; hồ tiêu khoảng 1.800 ha; sầu riêng khoảng 240 ha; thanh long khoảng 450 ha; chôm chôm khoảng 750 ha; cam, quýt khoảng 150 ha; bưởi 180 ha; rau an toàn khoảng 550 ha. Bên cạnh đó, các cánh đồng lúa, bắp chuyên canh với diện tích khoảng trên 2.000 ha, cho thu nhập từ 130-140 triệu đồng/ha/năm”, bà Hiệp chia sẻ.
Cũng theo Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Thị Hiệp, 5 năm qua, huyện đã chuyển đổi được khoảng 600 ha đất trồng lúa và khoảng trên 3.200 ha đất trồng điều, cà phê kém hiệu quả, không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng sang trồng các loại cây cho giá trị kinh tế cao hơn như: bắp, rau, xoài, thanh long ruột đỏ…
Riêng lĩnh vực chăn nuôi, huyện Xuân Lộc cũng là một trong những địa phương có tổng đàn chăn nuôi lớn nhất tỉnh. Hiện nay, tổng đàn heo của huyện khoảng 344 ngành con; trên 5,8 triệu con gia cầm. Huyện cũng đã quy hoạch 25 vùng phát triển chăn nuôi tập trung. Toàn huyện đã có 10 tổ hợp tác chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP; 26 trang trại được chứng nhận VietGAHP; 3 xã (Xuân Tâm, Xuân Hiệp và thị trấn Gia Ray) được chọn xây dựng vùng an toàn dịch.
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng thương hiệu
“Muốn đưa ngành nông nghiệp phát triển theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh thế thì việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất gắn với xây dựng thương hiệu được xem là một trong những giải pháp then chốt mà huyện Xuân Lộc đã và đang triển khai thực hiện trong thời gian qua”, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lê Thị Hiệp nhấn mạnh.
Từ chủ trương đó, huyện Xuân Lộc đã khuyến khích và hỗ trợ nông dân mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất; kêu gọi và thu hút doanh nghiệp tham gia liên kết, hình thanh các chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ. Đến nay, trên địa bàn huyện xuất hiện một số mô hình cho thu nhập trên 01 tỷ đồng/ha/năm như: mô hình trồng rau, quả theo hướng hữu cơ của Công ty TNHH Trang trại Việt; mô hình trồng nấm VietGAP của HTX Thương mại Dịch vụ nông nghiệp nấm Lộc; mô hình chăn nuôi hoàn toàn khép kín của trang trại gà Thanh Đức…
“Với quy mô chăn nuôi hơn 270 ngàn con gà theo dây chuyền khép kín từ khâu sản xuất giống, thức ăn đến xử lý, đóng gói sản phẩm, trang trại tôi chỉ cần 15 lao động, trong khi nuôi theo cách truyền thống cần hơn 80 người. Tôi chỉ cần kiểm tra phần mềm máy tính gắn với mạng lưới camera giám sát là nắm được mọi hoạt động của trang trại, kể cả lượng nước uống, thức ăn tiêu thụ hàng ngày của vật nuôi. Nhờ đó, sản phẩm không chỉ tiêu thụ tốt tại nội địa mà còn xuất khẩu đi Nhật”, ông Lâm Thanh Đức (chủ trại gà Thanh Đức, xã Xuân Phú, huyện Xuân Lộc) chia sẻ.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, đến nay tỷ lệ sử dụng giống mới, chất lượng cao đối với cây hàng năm trên địa bàn huyện đạt 100%; đối với cây lâu năm là 86%; trên 80% các khâu sản xuất được ứng dụng cơ giới hóa; hơn 6,1 ngàn ha đất sản xuất được áp dụng công nghệ tưới tiết kiệm…
Bên cạnh đó, huyện Xuân Lộc cũng tập trung xây dựng nhãn hiệu hàng hóa nhằm khẳng định thương hiệu sản phẩm của địa phương. Đến nay, đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 17 sản phẩm; 10 sản phẩm nông nghiệp được chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, trong đó 2 sản phẩm được chứng nhận GlobalGAP là xoài Suối Lớn và chuối Globe FARM.
Thanh Cảnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​