​Hiện trạng sản xuất và những vấn đề cần quan tâm trong việc phát triển cây Bơ ở Đồng Nai

Cây bơ có nguồn gốc ở tỉnh Puebla, Mexico, các giống bơ cổ được phát hiện tại quần đảo Antiles, những vùng này đều thuộc khí hậu nhiệt đới và thích hợp cho sự phát triển cây bơ. Hiện nay có rất nhiều giống bơ được lại tạo từ giống bơ cổ, tuy nhiên các giống bơ được sử dụng nhiều và đem lại hiệu quả chủ yếu thuộc các chủng Mexico, Guatemala và West Indica (Antiles).
Cây bơ sinh trưởng tốt từ 40 vĩ độ Bắc - 39 vĩ độ Nam, thường phân bố ở độ cao dưới 1.000 – 2.700 m, yêu cầu nhiệt độ trung bình hàng năm là 14 - 250 C. Tùy chủng loại giống mà sự thích nghi về nhiệt độ thay đổi.
– Chủng Mexico có khả năng chịu lạnh tốt nhất, thích hợp ở những vùng cao, nhiệt độ thấp.
– Chủng Guatemala có khả năng chịu lạnh trung bình và chỉ thích hợp ở vùng có độ cao từ 700 – 1.000 m.
– Chủng Antiles thích hợp với khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, trồng ở độ cao 100 – 700 m.
Ở Việt Nam, cây bơ phần nhiều thuộc chủng Antiles. Hiện nay Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên (WASI) có 83 giống bơ, gồm 43 giống thương mại nhập về từ Mexico, Mỹ, Úc, Cu ba và 40 giống bơ nội; WASI cũng đã bảo vệ thành công 4 giống bơ đạt chuẩn quốc gia, chất lượng vượt trội, phù hợp với những vùng khí hậu, thổ nhưỡng khác nhau, đáp ứng được yêu cầu của các thị trường khó tính trên thế giới là TA1, TA 40, Booth7 và Reed.
Hiện tại, cây bơ được trồng nhiều nơi nhưng tập trung chủ yếu ở các vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.
Hiện trạng sản xuất bơ ở Đồng Nai
Tại Đồng Nai, diện tích trồng bơ có xu hướng tăng trong vài năm gần đây do cây bơ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các cây trồng khác, hiện nay khoảng 894 ha.
Phần lớn cây bơ được trồng xen trong vườn cây ăn trái (chôm chôm, sầu riêng…), vườn cây công nghiệp (cà phê, tiêu…), diện tích chuyên canh cây bơ rất ít. Các huyện có diện tích trồng bơ nhiều là Cẩm Mỹ (300 ha), Tân Phú (200 ha), Thống Nhất (188 ha), Xuân Lộc (104 ha), thị xã Long Khánh (52 ha)… .
Giống bơ phổ biến là bơ MĐ 02 (bơ không tên), bơ Năm Lóng, bơ Quốc Minh, các giống bơ được trồng từ hạt (có chất lượng ngon được tuyển chọn), ngoài ra một số giống bơ du nhập từ Tây Nguyên, Lâm Đồng cũng được trồng những năm gần đây như 34, Hass, Booth7, …. Năm 2017 Sở NN-PTNT Đồng Nai chứng nhận cây đầu dòng cây bơ MĐ02 cho chủ nguồn giống là ông Nguyễn Ngọc Thạch (ấp Tân Hạnh, xã Xuân Bảo, huyện Cẩm Mỹ).
Đa số các giống bơ trồng ở Đồng Nai cho thu hoạch chính vụ từ tháng 4 - 8 dương lịch (một số ít nhà vườn cũng đã xử lý trái vụ cho thu hoạch từ tháng 12 đến tháng 3 năm sau); cây bơ sau trồng 3 - 4 năm thì cho thu bói từ 5 - 10 kg/cây, sau đó năng suất tăng dần theo tuổi cây, bơ 6 năm tuổi trung bình 35 - 45 kg/cây; 8 - 10 năm tuổi trung bình từ 80 - 120 kg/cây, trên 10 năm tuổi năng suất tương đối ổn định đạt >150 kg/cây. Chất lượng bơ ở Đồng Nai khá ngon, nổi tiếng là bơ của huyện Cẩm Mỹ, chủ yếu được tiêu thụ dưới dạng ăn tươi ở trong nước.
Kết quả từ đề tài tuyển chọn giống bơ tại Tây Nguyên và Đông Nam bộ phục vụ xuất khẩu của WASI cho thấy các giống TA40, Reed, Booth7 tại Đăk Nông và Đồng Nai cho năng suất cao hơn các tỉnh còn lại; riêng giống Reed ở Đồng Nai cho năng suất cao vượt trội và tăng dần theo tuổi cây, năm thứ 4 đạt 56kg/cây đã thể hiện khả năng thích ứng cao với vùng có nhiệt độ nóng. Những giống này có khả năng sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất trung bình trên 100 kg/cây/năm (cây 10 năm tuổi trở lên), trọng lượng quả 310 – 420 g, tỷ lệ thịt quả 65 %, hàm lượng chất khô trên 24 %, lipit trên 17 %, vỏ dày trên 2,1 mm, có khả năng chín muộn từ tháng 9 –12.
Hiện tại, cây bơ thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cho người sản xuất; tuy nhiên trong tương lai khi thị trường tiêu thụ bơ trong nước bão hòa thì vấn đề chế biến, đa dạng chủng loại sản phẩm và xuất khẩu cần được quan tâm. Do đó để cây bơ phát triển ổn định, bền vững bên cạnh việc tăng cường đầu tư công nghệ bảo quản, chế biến sâu, tạo các sản phẩm đa dạng từ bơ thì cũng cần quan tâm định hướng phát triển các giống bơ đáp ứng yêu cầu xuất khẩu. Hầu hết thị trường tiêu thụ quốc tế hiện nay ưu tiên tiêu thụ quả bơ Hass hay “bơ dạng Hass”.
Nhận định một số khó khăn
Bên cạnh những lợi thế của Đồng Nai về khí hậu, nhiệt độ, đất đai phù hợp để trồng bơ, thì để phát triển cây bơ đáp ứng thị trường cần phải quan tâm một số vấn đề tồ tại như sau:
- Hiện nay thị trường tiêu thụ bơ chủ yếu trong nước, dưới dạng ăn tươi, thông tin thị trường xuất khẩu còn hạn chế, chưa có nghiên cứu đầy đủ, toàn diện về cung cầu ngành hàng quả bơ, chưa có công nghệ và nhà máy chế biến sâu (thành bột bơ, dầu bơ), xuất khẩu chủ yếu dưới dạng quả tươi, đông lạnh, thiếu ổn định về sản lượng và giá; tuy nhiên diện tích trồng bơ vẫn đang gia tăng dẫn đến nguy cơ cung vượt cầu, nhất là các thời điểm chính vụ.
- Sản xuất quy mô nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết theo chuỗi, hệ thống thông tin thị trường còn hạn chế dẫn đến công tác đầu tư, quản lý chất lượng và tiêu thụ sản phẩm khó khăn hơn. Chưa hình thành nên những vùng chuyên canh cho từng loại giống nên mẫu mã, chất lượng quả bơ không đồng đều, chưa đủ khối lượng từng giống để cung cấp cho các thị trường lớn.
- Vốn đầu tư trồng chăm sóc cho 1 ha lớn.
- Chất lượng bơ còn thấp, tỷ lệ thất thoát còn cao, công nghệ bảo quản và chế biến bơ chưa phát triển do đó chưa tạo ra giá trị gia tăng cho nhóm sản phẩm này.
- Tác động của biến đổi khí hậu (mưa trái mùa, khô hạn…), tình hình sâu bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất và chất lượng quả bơ.
Đề xuất giải pháp
- Quy hoạch: định hướng quy hoạch diện tích trồng từng vùng, theo từng chủng loại giống phù hợp, ổn định chất lượng; xây nhà máy chế biến sâu định hướng sản xuất theo chuỗi ngành hàng.
- Công tác giống: Phục tráng, bảo tồn phát triển các giống bơ địa phương có chất lượng cao phù hợp điều kiện sinh thái vùng, có thể rải vụ sản xuất, đáp ứng thị hiếu đa dạng của người tiêu dùng; ưu tiên phát triển các giống có chất lượng cao; nghiên cứu, tuyển chọn giống và gốc ghép phù hợp, đáp ứng với tác động của biến đổi khí hậu (chống chịu sâu bệnh, khô hạn, ngập úng, …)
- Khoa học công nghệ: Tập hợp các thành tựu khoa học của cây bơ thành các gói kỹ thuật đồng bộ ở cấp độ cao, cấp độ tiên tiến, cấp độ trồng thuần và trồng xen gắn với đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm để áp dụng vào các vùng sản xuất bơ có điều kiện khác nhau. Ưu tiên nghiên cứu, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật đặc biệt là về xử lý ra hoa, sản xuất nghịch vụ, phòng chống sinh vật gây hại trong điều kiện biến đổi khí hậu, sản xuất theo hướng hữu cơ. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dây chuyền công nghệ tiên tiến, hiện đại và đồng bộ vào chế biến, bảo quản quả bơ, tăng cường chế biến sâu.
- Giải pháp về thị trường: Tiến hành nghiên cứu thị trường một cách cụ thể về nhu cầu, thị hiếu, đặc điểm tiêu dùng sản phẩm bơ ở các khu vực và mùa trong năm. Xác định lại định mức sản xuất phù hợp với khả năng tiêu thụ của thị trường trong và ngoài nước đối với từng loại sản phẩm có nguồn gốc từ cây bơ với các yêu cầu về chất lượng để chọn giống và mô hình canh tác phù hợp. Xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu bơ cho từng vùng, tăng cường quảng cáo để mở rộng nhu cầu nội địa tạo tiền đề hướng tới xuất khẩu.
- Giải pháp thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi: Tăng cường liên kết dọc giữa các người trồng với nhau, thành lập các nhóm, hợp tác xã sản xuất, hiệp hội những người trồng bờ ở địa phương. Khuyến khích doanh nghiệp lớn đầu tư, liên kết với nông dân sản xuất qua hợp đồng sản xuất theo chuỗi giá trị từ sản xuất – tiêu thụ - phát triển du lịch. Chỉ đạo liên kết vùng, rải vụ giữa các tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam bộ.
- Giải pháp chính sách: khuyến khích, hỗ trợ cho người sản xuất có đủ nuồn lực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư sản xuất; cho doanh nghiệp phát triển các nhà máy chế biến bơ.
Công Tài

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​