Huyện Định Quán: Hiệu quả tích cực từ Dự án ghép chuyển đổi nhanh vườn xoài bưởi kém chất lượng sang vườn xoài chất lượng cao

​Sau gần 3 năm triển khai thực hiện, Dự án “Ứng dụng phương pháp ghép chuyển đổi nhanh vườn xoài bưởi kém chất lượng ở huyện Định Quán sang giống xoài chất lượng cao” đã mang lại những tín hiệu rất tích cực, góp phần nâng cao kỹ thuật canh tác, hiệu quả kinh tế và định hướng phát triển cây xoài theo hướng an toàn, bền vững.
Diện tích nhiều nhưng hiệu quả kinh tế thấp
Xoài là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Đồng Nai với tổng diện tích trên 9.000 hécta và tập trung nhiều tại các huyện Định Quán, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu.
Riêng tại huyện Định Quán có diện tích nhiều nhất (khoảng trên 5.700 hécta, trong đó khoảng trên 4.800 hécta đang cho thu hoạch) và được trồng nhiều ở các xã La Ngà, Thanh Sơn, Phú Ngọc, Ngọc Định và Túc Trưng, năng suất bình quân đạt 82,9 tạ/ha, sản lượng hơn 40 ngàn tấn/năm.
Mặc dù có diện tích xoài khá lớn, nhưng kỹ thuật canh tác của các nhà vườn hầu như không theo một quy trình kỹ thuật thống nhất nào, dẫn đến chất lượng thấp, không đồng đều và hiểu quả kinh tế mang lại không cao. Các giống xoài được nông dân trồng trên địa bàn huyện cũng rất đa dạng, với khoảng 20 giống khác nhau, trong đó có 8 giống chủ lực như xoài bưởi, xoài Đài Loan xanh, xoài Cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài Thái Lan, xoài keo, xoài Úc và các giống xoài khác (giống xoài bưởi được trồng nhiều nhất chiếm 44% diện tích).
Qua khảo sát của Dự án cho thấy, trên diện tích cây 10 năm tuổi, mỗi hécta xoài bưởi chỉ cho thu nhập khoảng 69 triệu đồng/ha, trong khi xoài Thái đạt 175 triệu đồng/ha, xoài Cát Hòa Lộc đạt 260 triệu đồng/ha, xoài Đài Loan đạt trên 278 triệu đồng/ha.
Thạc sĩ Nguyễn An Đệ, Chủ nhiệm Dự án cho biết, do giống xoài bưởi có chất lượng kém, hiệu quả kinh tế thấp nên nhiều nhà vườn tại Định Quán đã đốn bỏ để trồng thay thế bằng các giống chất lượng cao. Việc làm này dẫn đến thiệt hại lớn cho nhà vườn do không có thu nhập trong thời gian chờ giống mới ra quả khá lâu (khoảng 3-4 năm). Điều đáng tiếc nhất là những vườn xoài bưởi bị đốn bỏ đang ở giai đoạn cây sung sức nhất (7-10 năm tuổi).
Ngoài ra, một số nhà vườn cũng đã sử dụng phương pháp ghép cây xoài bưởi với các giống chất lượng cao, nhưng tỷ lệ sống sau ghép thấp và chỉ mang tính tự phát, trong khi các giống được chuyển đổi không có nguồn gốc rõ ràng.
Đặc biệt, sau nhiều năm thu hoạch, phần lớn diện tích bưởi xoài tại Định Quán đã trở nên già cỗi, năng suất thấp. Vì thế, nhiều nhà vườn mong muốn chuyển đổi sang các giống xoài khác hoặc trồng mới. Qua khảo sát của ban chủ nhiệm Dự án cho thấy, có đến 83% số hộ trồng xoài bưởi tại Định Quán có nhu cầu chuyển đổi giống. Trong đó, đa số hộ muốn chuyển đổi sang trồng xoài Đài Loan xanh, vì đây là giống xoài vừa cho năng suất cao mà giá bán lại ổn định.
Ứng dụng phương pháp ghép chuyển đổi nhanh bằng các giống chất lượng cao
Dự án “Ứng dụng phương pháp ghép chuyển đổi nhanh vườn xoài bưởi kém chất lượng ở huyện Định Quán sang giống xoài chất lượng cao” được thực hiện từ tháng 12/2014 đến 5/2017. Mục tiêu của Dự án là chuyển đổi giống xoài chất lượng cao cho vườn xoài bưởi (hay còn gọi là xoài ba mùa mưa) bằng biện pháp chuyển đổi giống nhanh hiệu quả kinh tế cao hơn 20% so với biện pháp cưa bỏ hay trồng mới trong điều kiện sinh thái của huyện Định Quán. Dự án được thực hiện với sự phối hợp giữa Sở Khoa học và Công nghệ, UBND huyện Định Quán và Trung tâm Nghiên cứu cây ăn quả miền Đông Nam bộ.
Theo thạc sĩ Nguyễn An Đệ (Chủ nhiệm Dự án), để trồng mới vườn xoài từ khi trồng đến khi cho thu hoạch bói cũng phải mất 3-4 năm, vì vậy Dự án đã nghiên cứu phương pháp ghép chuyển đổi với nhiều mô hình khác nhau trên các vườn xoài có độ tuổi khác nhau. Dự án đã tiến hành các phương pháp phù hợp để chuyển đổi giống xoài bưởi 7 năm tuổi sang xoài Đài Loan xanh và xoài Cát Hòa Lộc bằng cách ghép trực tiếp vào thân với kiểu ghép mắt trữ H; Các vườn xoài bưởi 15 năm tuổi được sử dụng bằng phương pháp ghép nêm đoạn cành trên chồi tái sinh để chuyển sang giống xoài Đài Loan và xoài Cát Hòa Lộc. Kết quả cho thấy, thời điểm ghép chuyển đổi giống xoài bưởi sang xoài Cát Hòa Lộc có tỷ lệ bật chồi cao nhất là vào giữa mùa mưa (giữa tháng 7) sẽ cho tỷ lệ bật chồi cao nhất trên 85%.
Dự án đã xây dựng mô hình ghép chuyển đổi nhanh bằng phương pháp ghép trực tiếp vào thân (kiểu ghép mắt chữ H) cho 16 điểm mô hình với tổng diện tích 10 hécta ở 3 xã Là Ngà, Phú Ngọc và Túc Trưng, trong đó mô hình ghép từ vườn xoài bưởi sang xoài Đài Loan là 9,2 hécta và sang vườn xoài Cát Hòa Lộc là 0,8 hécta. Kết quả cho thấy, giống xoài bưởi được ghép chuyển đổi sang xoài Đài Loan có thời gian bật chồi trung bình là 20 ngày, với tỷ lệ bật chồi trung bình là trên 88%. Cây sau ghép sinh trưởng và phát triển tốt, đã cho trái vụ đầu với chất lượng không thay đổi so với giống gốc xoài Đài Loan. Đặc biệt, so với vườn xoài chuyển đổi giống bằng cách cưa bỏ để trồng mới thì mô hình ghép chuyển đổi nhanh cho lợi nhuận cao hơn rất nhiều lần. Sau 3 năm ghép, lợi nhuận đã đạt trên 62,7 triệu đồng/ha, trong khi trồng mới 3 năm vườn xoài mới bắt đầu cho thu hoạch bói và lợi nhuận chỉ đạt trên 3,6 triệu đồng/ha.
Đối với mô hình sử dụng phương pháp ghép từ xoài bưởi sang xoài Cát Hòa Lộc có thời gian bật chồi trung bình là 21 ngày, với tỷ lệ bật chồi trên 85% và hiệu quả kinh tế cũng cao hơn rất nhiều lần. Sau 3 năm ghép, vườn xoài sử dụng giống xoài Cát Hòa Lộc đã cho lợi nhuận gần 61 triệu đồng/ha, trong khi nếu trồng mới thì đạt khoảng gần 1,8 triệu đồng/ha.
“Kết thúc Dự án, chúng tôi đã chuyển giao kỹ thuật ghép chuyển đổi giống nhanh và kỹ thuật canh tác để nông dân nắm vững phương pháp và quy trình chăm sóc sau ghép, từ đó giúp nhà vườn chuyển đổi vườn xoài kém chất lượng bằng các giống chất lượng cao, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và phát triển cây xoài theo hướng an toàn, bền vững”, thạc sĩ Nguyễn An Đệ (Chủ nhiệm Dự án) chia sẻ.
Huyện Định Quán Hiệu quả tích cực từ Dự án ghép_hình 1.png
Ảnh:
Dự án đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế cho nông dân trồng xoài.
Phương pháp ghép chuyển đổi là phương pháp làm trẻ hóa vườn cây, được sử dụng để thay đổi giống cũ bằng một giống khác có giá trị thương mại cao hơn, khi đó cành/thân của cây giống mới sẽ được ghép trực tiếp lên trên cành/thân của cây giống cũ. Việc tiến hành ghép cải tạo trên cây xoài có thể tận dụng được ưu điểm của cây gốc ghép và cây lấy cành ghép, đồng thời rút ngắn thời gian thu quả còn từ 1 đến 2 năm kể từ khi ghép, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế…
 
Thanh Cảnh
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​