Chăn nuôi Đồng Nai trước thách thức của hội nhập

​Ngày 26/5, Hội Nông dân và Hội Nhà báo tỉnh phối hợp tổ chức toạ đàm ngành chăn nuôi Đồng Nai thời kỳ hội nhập.
Tại buổi toạ đàm, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, tổng đàn heo của Đồng Nai hiện có khoảng 1,7 triệu con (giảm 16,3% so với thời điểm tháng 1/2017). Trong đó, chăn nuôi trang trại chiếm 69% (gần 1.700 trang trại), chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 31%. Tổng đàn gà khoảng 17,5 triệu con. Chăn nuôi trang trại chiếm 87,5%; chăn nuôi nhỏ lẻ chiếm 12,5%.
Sản phẩm chăn nuôi chủ yếu được tiêu thụ trong tỉnh, thị trường TP.HCM, một số địa phương khác và xuất theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Trước thời điểm tháng 11/2016 xuất sang Trung Quốc 5.000-6.000 con heo/ngày; sau đó chỉ xuất hơn 1.400 con/ngày.
Thời gian qua, ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn, người chăn nuôi thua lỗ nặng do giá xuống thấp trong thời gian dài. Lý giải về nguyên nhân ngành chăn nuôi gặp nhiều khó khăn như vừa qua, ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho rằng là do cuộc chiến giá thành. Người chăn nuôi nhỏ lẻ phụ thuộc nhiều vào thức ăn gia súc đóng bao và nguyên liệu đầu vào đã chiếm 70% chi phí giá thành, lỗ khoảng 14.000 đồng/kg. Trong khi nếu tận dụng nguồn thức ăn cho gia súc sẵn có tại địa phương, một số hộ chăn nuôi khác đã bớt lỗ hơn (lỗ khoảng 3.000 đồng/kg). Với các trang trại chăn nuôi quy mô lớn đảm bảo an toàn dịch bệnh, giá thành chăn nuôi của họ cũng thấp hơn do giá nguyên liệu đầu vào thấp hơn, có đầu ra ổn định hơn.
Trước tình hình chăn nuôi gặp nhiều khó khăn trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Sở Công thương, Hiệp Hội Chăn nuôi Đồng Nai và các địa phương tổ chức được 14 điểm bán thịt heo bình ổn giá cho người tiêu dùng, giúp người chăn nuôi bán heo giá tốt hơn, giảm được khâu trung gian: người chăn nuôi bị thương lái ép giá – người tiêu dùng lại phải mua heo giá cao.
Chăn nuôi Đồng Nai trước thách thức của hội nhập_Hình 1.JPG
Ông Phan Minh Báu – Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh phát biểu tại Toạ đàm
Chăn nuôi Đồng Nai trước thách thức của hội nhập_Hình 2.JPG

TS.Kiều Minh Lực – Phó Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam nêu giải pháp phát triển ngành chăn nuôi thời kỳ hội nhập
Để phát triển bền vững ngành chăn nuôi, các đại biểu tham dự toạ đàm cho rằng cần phải thực hiện tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với quy hoạch phát triển chăn nuôi, quy hoạch tổng đàn vật nuôi phù hợp với từng địa phương, tránh tình trạng cung vượt cầu và quy hoạch giết mổ gia súc – gia cầm tập trung. Song song đó là đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng chăn nuôi an toàn, chăn nuôi VietGAHP, giảm giá thành sản xuất; tham gia vào chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ và tăng cường công tác xúc tiến thương mại. Nhà nước cần có giải pháp quản lý tốt giá cả vật tư đầu vào, có giải pháp giảm mức chênh lệch lớn giữa giá thu mua gà, heo hơi cho dân và giá bán ra cho người tiêu dùng.
Ông Trương Phước Đông – Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Nai cho biết, mặt hàng thịt heo không thuộc quản lý giá của Nhà Nước mà theo quy luật cung – cầu trên thị trường. Thị trường tiêu thụ sản phẩm của ngành chăn nuôi Đồng Nai chủ yếu là thị trường TP.HCM: thịt heo cung cấp 60% và thịt gà 70% nhu cầu của thị trường. Các tỉnh lân cận và thị trường Trung Quốc cũng góp phần tiêu thụ sản phẩm ngành chăn nuôi của Đồng Nai. Thời gian qua, Sở đã phối hợp với Sở Công thương TP.HCM tạo các cơ chế thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh cung cấp thịt heo, gà vào thị trường TP.HCM, giảm giá thành trong chuỗi truy xuất nguồn gốc, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu và xây dựng chợ đầu mối. Dự kiến, năm 2018, chợ đầu mối nông sản Dầu Giây sẽ có thêm mặt hàng chăn nuôi đảm bảo an toàn thực phẩm, kho đông lạnh. Thời gian tới, Sở sẽ mở rộng xúc tiến thương mại, tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư nhà máy chế biến sản phẩm ngành chăn nuôi; tham mưu chính sách hỗ trợ người chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, truy xuất nguồn gốc. Đồng thời phối hợp với tham tán thương mại các nước nắm bắt thị trường giá cả để hỗ trợ thông tin thị trường, giá cả cho người chăn nuôi.
Hội nhập và tự do thương mại là xu thế tất yếu. TS.Kiều Minh Lực – Phó Giám đốc Công ty cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam cho rằng, chăn nuôi Việt Nam đang có giá thành cao hơn một số nước, đặc biệt là những nước có nền nông nghiệp sản xuất nguyên liệu thức ăn dồi dào. Lo ngại về nguồn thịt đông lạnh giá rẻ từ nước ngoài tràn vào Việt Nam, TS. Kiều Minh Lực nêu giải pháp cần phải có hàng rào kỹ thuật để hạn chế. Chẳng hạn, có nước quy định thời gian đông lạnh 1 năm, có nước lại quy định 2 năm; thì lập tức nguồn thịt đông lạnh giá rẻ từ nước quy định 1 năm lại được xuất khẩu sang nước quy định 2 năm. Do vậy, nếu Việt Nam quy định thời gian khoảng 3 tháng thì sẽ giảm được nguồn thịt đông lạnh giá rẻ này. Mặt khác, Việt Nam có lợi thế sản phẩm chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, trữ đông tại chỗ sẽ giúp Việt Nam có khả năng điều tiết được thị trường, cạnh tranh được với thịt đông lạnh nước ngoài.
Ngoài ra, các giải pháp ứng dụng phần mềm trong quản lý sản xuất giống, quản lý trang trại, tính toán các chi tiêu kinh tế - kỹ thuật, quản lý số liệu sản xuất, xác định giá thành chăn nuôi… cũng giúp nâng cao hiệu quả chăn nuôi thời kỳ hội nhập.
Phương Trang
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​