Đeo vòng cho heo - khó,nhưng phải làm.

​Phần lớn người chăn nuôi heo đều ủng hộ việc thực hiện truy xuất nguồn gốc heo nhưng lại cho rằng “thao tác” đeo vòng nhận diện hiện khá phức tạp, khó làm. Đặc biệt, trong thời điểm giá heo đang xuống thấp như hiện nay, chi phí mua vòng “đeo chân” cho heo cũng làm tăng chi phí đối với người chăn nuôi.
Trong khi đó, theo các cơ quan quản lý, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo vừa nhằm bảo vệ người dùng vừa hình thành thói quen chăn nuôi sạch. Đồng thời, cũng giúp xây dựng thương hiệu “heo Đồng Nai”, vì vậy người chăn nuôi sẽ được hưởng lợi về lâu dài.
Khó trước mắt nhưng lợi lâu dài
Đề án Quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo do Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh và Đồng Nai phối hợp đã được chính thức triển khai từ đầu tháng 3 vừa qua. Theo đề án, để được nhập vào thì trường TP. Hồ Chí Minh, heo từ Đồng Nai buộc phải đeo vòng nhận diện nhằm phục vụ việc truy xuất nguồn gốc.
Tuy nhiên, ngay từ khi bắt đầu thực hiện, việc đeo vòng nhận diện cho heo đã khiến không ít người chăn nuôi và thương lái gặp khó. “việc đeo vòng nhận diện cho heo khiến việc chăn nuôi càng thêm… rắc rối. Bởi, hiện việc đeo vòng vẫn được thực hiện thủ công, rất nguy hiểm. “Đã xảy ra việc người đeo vòng vào hai chân sau của heo đã bị đá vào mặt, gây thương tích”, bà Bùi Thị Thủy, một tiểu thương ở Tân Hòa, TP. Biên Hòa cho biết.
Đặc biệt, thời điểm chính thức thực hiện việc đeo vòng nhận diện cũng là lúc giá heo đang xuống thấp khiến người chăn nuôi càng gặp nhiều khó khăn. Theo quy định, mỗi con heo khi nhập vào TP. Hồ Chí Minh phải đeo 2 vòng nhận diện vào 2 chân sau. Giá bán mỗi vòng nhận diện là 3.000 đồng, như vậy mỗi con heo khi xuất bán phải chịu thêm phí đeo vòng 6.000 đồng. “Với giá bán heo khoảng từ 29.000 đến 31.000 đồng/kg như hiện nay, người nuôi chúng tôi đã phải chịu lỗ khoảng 1 triệu đồng trên mỗi con heo bán ra. Giờ lại phải chịu thêm chi phí mua vòng đeo chân heo thì càng khó hơn. Trang trại nuôi 1.000 heo thịt thì cũng phải tốn 6 triệu đồng tiền vòng đeo chân”, ông Trần Quang Trung, một người chăn nuôi heo tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất than.
Trước những khó khăn của người chăn nuôi, ông Nguyễn Nguyên Phương, đại diện Sở Công Thương TP.Hồ Chí Minh, cho biết quy trình truy xuất nguồn gốc thịt heo đã được tính toán ở mức hợp lý nhất, những buổi tập huấn đã giải thích nhưng nhiều người không tham dự nên không hiểu. Ngoài ra, trước ý kiến của người chăn nuôi cho rằng việc thực hiện đeo vòng cho heo hiện do thương lái thực hiện thì khó đảm bảo tính chính xác ông Phương cũng trình bày rõ: “Đây chỉ là bước ban đầu để triển khai đưa heo vào chợ đầu mối còn về sau việc đeo vòng phải xuất phát từ trang trại mới đảm bảo được việc truy xuất nguồn gốc”.
Đeo vòng cho heo - khó,nhưng phải làm_Hình 1.jpg
Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ giúp xây dựng thương hiệu heo Đồng Nai nhằm tăng giá trị và khả năng cạnh tranh.
 
Về vấn đề người nuôi phải chịu thêm chi phí mua vòng nhận diện, ông Phương cho biết, giá heo đang xuống thấp nên việc bỏ ra 6.000 đồng để mua vòng gắn cho heo gây khó thêm cho người chăn nuôi, nhưng đây là số tiền không lớn nếu giá heo tăng trở lại. “Tại sao nông dân nuôi heo lại khó khăn? Vì quá phụ thuộc vào Trung Quốc nên phải chấp nhận. Sắp tới giá heo nhập vào VN cũng rất rẻ nên nếu không tăng cường cho vệ sinh an toàn thực phẩm sẽ không thể cạnh tranh được”.
Đặc biệt, về lâu dài việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sẽ giúp xây dựng thương hiệu “heo Đồng Nai” nhằm làm tăng giá trị cũng như khả năng cạnh tranh khi mở cửa thị trường. Bởi theo ông Phương, TP. Hồ Chí Minh là một thị trường lớn, một ngày tiêu thụ 10.000 con heo. Nếu chúng ta khai thác thị trường này tốt chúng ta có đầu ra ổn định thì bà con mới yên tâm để nuôi heo. Tuy nhiên, đây không phải là thị trường đê thoải mái khai thác. Lý do là tới đây các hiệp định thương mại có hiệu lực, Việt Nam bắt buộc phải mở cửa thị trường cho thịt nước ngoài nhập vào. “Qua tìm hiểu chúng tôi biết giá heo nhập vào Việt Nam cũng rất rẻ. Nếu chúng ta không có bước chuyển mình thì tới lúc đó không phải chúng ta khổ nữa mà chúng ta chết chắc vì chúng ta không còn đường đấu lại với thịt nhập khẩu”, ông Phương phân tích.
Tìm hướng hỗ trợ cho người chăn nuôi
Nhằm chia sẻ với những khó khăn của người chăn nuôi trong thời điểm giá heo xuống thấp, ông Phương cũng cho biết đã xin ý kiến để thực hiện hỗ trợ một phần chi phí mua vòng nhận diện cho người chăn nuôi. “Chúng tôi đang xin ý kiến, trước mắt trong thời gian đầu, có thể là trong tháng đầu này thực hiện các trang trại, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ được hỗ trợ 50% chi phí”. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai, phương án thực hiện việc hỗ trợ đối với người chăn nuôi hiện cũng đang “làm khó” người chăn nuôi. Cụ thể, theo ông Công, như phương án dự tính, để khoản hỗ trợ nếu được thông qua đến tay người chăn nuôi, tiền sẽ chỉ được chuyển khi vòng nhận diện được kích hoạt. Điều này, nếu thực hiện thì khoản hỗ trợ khi đến được tay người chăn nuôi cũng rất mất thời gian. “Hiện vòng nhận diện đều do thương lái đeo. Do vậy để việc hỗ trợ đến đúng tay người chăn nuôi, 50% chi phí mua vòng sẽ chỉ được chuyển khi có thông tin về trại nuôi thông qua việc kích hoạt vòng nhận diện”, ông Công cho biết.
Theo ông Công đây là việc làm cần thiết để tiền hỗ trợ đến đúng “địa chỉ”, tuy nhiên việc làm này sẽ mất rất nhiều thời gian. Trong khi, ở thời điểm khó khăn do giá heo xuống thấp như hiện nay, người chăn nuôi rất cần được hỗ trợ ngay. Từ thực tế trên, ông Công, cho biết hiện Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai đã có kiến nghị để Hiệp hội đứng ra phân phối vòng nhận diện đã được hỗ trợ giá đến tay người chăn nuôi
Ông Phan Minh Báu, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp- phát triển nông thôn, cho rằng nếu không làm truy xuất nguồn gốc, thịt heo Đồng Nai sẽ không thể đưa vào TP.Hồ Chí Minh cũng như các tỉnh thành khác. Trong giai đoạn thử nghiệm có những vấn đề còn khúc mắc, chính quyền và bà con nông dân sẽ cùng nhau giải quyết. Nhưng truy xuất là bắt buộc không chỉ đảm bảo cho người tiêu dùng mà còn là tiền đề để Đồng Nai có thể xây dựng được thương hiệu thịt heo sạch, an toàn trong thời gian tới. Khi đó, thịt heo Đồng Nai được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn, bán được với giá cao hơn.
Lê Đức

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​