Cây ca cao lên đời

​Trong thời gian qua, hàng loạt dự án liên kết giữ các doanh nghiệp với người trồng cây ca cao đã và đang được xúc tiến thực hiện, mở ra hướng phát triển lâu dài cho loại cây trồng này. Có thể nói, chưa bao giờ việc phát triển cây cao cao lại “sôi động” như hiện nay.
“Tấp nập” xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao
Đi đầu trong việc thực hiện liên kết với nông dân xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên cây ca cao nhằm phát triển vùng nguyên liệu phục vụ cho mục tiêu xuất khẩu là Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức (Công ty Trọng Đức).
Ngay từ năm 2011, Công ty Ca cao Trọng Đức đã liên kết nông dân các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, Lâm Đồng… đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao). Đến năm 2014, Công ty Ca cao Trọng Đức là một trong những doanh nghiệp đầu tiên được UBND tỉnh phê duyệt thực hiện xây dựng cánh đồng lớn trên cây ca cao theo chủ trương phát triển các chuỗi liên kết sản xuất-tiêu thụ nông sản của tỉnh.
Theo ông Đặng Tường Khanh, Giám đốc Công ty Ca cao Trọng Đức, sau hơn 2 năm triển khai xây dựng đến nay, cách đồng lớn trên cây cao cao của công ty đã phát triển được 400 ha diện tích. Đặc biệt, từ cuối năm 2015, công ty cũng đã tiến hành ký hợp đồng bao tiêu trái ca cao tươi cho 235 hộ dân (diện tích 315 ha) thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bình Thuận, Lâm Đồng. Theo hợp đồng, mức giá sàn thấp nhất được công ty bao tiêu cho nông dân là 6.000 đồng/kg ca cao tươi có chứng nhận UTZ và 5.700 đồng/kg với ca cao thường, trong trường hợp giá thị trường cao hơn mức giá bao tiêu, công ty sẽ tăng giá thu mua cho nông dân.
Bên cạnh Ca cao Trọng Đức, tháng 4 vừa qua, Sở Nông nghiệp và PTNT Đồng Nai cũng đã chấp thuận chủ trương cho Công ty TNHH Nguyên Lộc ADICO (xã Hàng Gòn, thị xã Long Khánh) về xây dựng Dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ca cao với diện tích 200ha.
Mới đây nhất, vào đầu tháng 8, Công ty cổ phần Bamboo Capital (BCG trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) cũng đã có buổi gặp gỡ với nông dân huyện Trảng Bom tham gia dự án cánh đồng lớn, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ ca cao do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư.
Đây cũng  là dự án đã được Sở NN-PTNT có văn bản chấp nhận về chủ trương. Ban đầu, dự án sẽ triển khai liên kết với nông dân phát triển 1.000ha ca cao trồng xen canh trong vườn điều tại 3 xã An Viễn, Đông Hòa và Sông Trầu.
0318102016_Chinh.JPG
Mô hình liên kết sản xuất của dự án cánh đồng lớn ca cao đang cho hiệu quả cao

Có thể nói, chưa bao giờ việc phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh lại trở nên “nhộn nhịp” như hiện nay. Đặc biệt, việc phát triển cây ca cao hiện nay đều có sự tham gia chặt chẽ của các doanh nghiệp thay vì phát triển “tự phát” của chỉ người trồng ca cao như trước đây.
Việc phát triển ca cao với sự gắn kết chặt chẽ giữ doanh nghiệp- người nông dân mở ra hướng phát triển bền vững cho loại cây trồng này. Bởi khi tham gia vào các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông dân sẽ được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với giá ổn định, được hỗ trợ một phần giống, phân bón, hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật trồng, chăm sóc, kỹ thuật sau thu hoạch...Trong khi đó, các doanh nghiệp lại xây dựng được vùng nguyên liệu có quy mô, diện tích lớn, tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đồng đều để tăng sức cạnh tranh và phát triển bền vững cho sản phẩm ca cao.

PHÁT TRIỂN CẢ LƯỢNG LẪN CHẤT
Theo ông Đặng Tường Khanh, lợi thế của ca cao Việt Nam hiện nay là có chất lượng tốt, được thế giới ưa chuộng. “Sau thời gian chào hàng sản phẩm chocolate tại thị trường Nhật Bản và sản phẩm ca cao mass tại thị trường Hàn Quốc, công ty đã có được những đơn hàng ổn định tại các thị trường này. Theo đó mỗi tháng công ty xuất 300 kg chocolate vào thị trường Nhật và 10 tấn ca cao mass vào thị trường Hàn Quốc”, ông Khanh cho biết.
Cũng theo ông Khanh, có được điều này ngay từ khi bắt tay làm ca cao, công ty đã rất chú trọng đến việc xây dựng vùng nguyên liệu sạch phục vụ cho việc chế biến ra các sản phẩm từ ca cao có chất lượng tốt. “Đã tính đến chuyện xuất khẩu thì chất lượng sản phẩm phải đặt lên hàng đầu, muốn vậy phải có được nguồn nguyên liệu sạch và đạt chuẩn”, ông Khanh khẳng định.
Hiện tại, trong số 235 hộ (diện tích 315 ha) tham gia xây dựng cánh đồng lớn mà Công ty Ca cao Trọng Đức tiến hành ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm có trên 50% số hộ đã đạt chứng nhận UTZ (chứng nhận sản xuất tốt của quốc tế cho cây ca cao)
Đặc biệt, vào đầu tháng 8 vừa qua, Công ty Ca cao Trọng Đức đã ký hợp tác với Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam (ACOM) mở Trung tâm Phát triển ca cao Đồng Nai (CDC). Trung tâm đặt tại huyện Định Quán với tổng kinh phí hoạt động trong 3 năm đầu ước khoảng 160.000USD.
Việc thành lập CDC nhằm xây dựng một trung tâm cung cấp những kiến thức chuẩn về quy trình trồng. Qua đó, giúp nông dân tăng năng suất; tăng chất lượng ca cao, từng bước đảm bảo sản phẩm đạt chuẩn xuất khẩu. CDC cũng đặt mục tiêu xây dựng đội ngũ kỹ thuật viên nòng cốt tại địa phương, xây dựng vườn mẫu ca cao năng suất cao và mở rộng diện tích.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lộc, Giám đốc Công ty TNHH Nguyên Lộc ADICO cũng cho rằng, chất lượng chính là yếu tố quyết định sự phát triển của doanh nghiệp cũng như người trồng ca cao. Chính vì vậy, công ty đã hợp tác với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai xây dựng quy trình trồng, chăm sóc cây ca cao với mục đích nâng cao năng suất cũng như chất lượng sản phẩm ca cao.
LÊ ĐỨC
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​