PHUN PHÂN BÓN LÁ ĐẦU TRÂU 005, 007, 009 CÓ TIẾT KIỆM?

Đó là câu hỏi của bạn Phạm Thành Lâm  ở ấp Hòa An, xã Hòa Lộc, huyện Tam Bình (Vĩnh Long) cũng như nhiều bạn đọc khác.

Bạn Lâm hỏi: Hiện giá lúa hạ, để tiết kiệm chi phí, tôi bón hạn chế phân, không bón như mọi năm. Tôi dùng phân bón lá Đầu Trâu 005, 007, 009 có góp phần giảm chi phí không? Không cần bón phân rước hạt có được không? Vì bón phân giai đoạn này cây lúa không hấp thu tốt. Bón phân vào gốc hay phun lên lá có hiệu quả hơn?
Trả lời: Bạn Lâm thân mến, bạn không cần bón giảm phân xuống, bạn chỉ cần bón đủ phân theo khuyến cáo nhất là dùng phân Đầu Trâu để bón là đã tiết kiệm phân rồi. Dĩ nhiên là cũng tùy chất đất và mùa vụ để quyết định lượng phân bón. Thường bà con bón phân có xu hướng lãng phí phân chủ yếu là do không nắm vững nhu cầu của cây.
Phần lớn bà con bón quá liều, hoặc loại phân này, hoặc loại phân khác nên gây ra lãng phí. Ý của bạn là tăng cường sử dụng phân bón lá để tiết kiệm phân, ý này tốt đấy. Ví dụ, khuyến cáo nói bón 4 bao urê, 4 bao phân lân, 1 bao kali cho 1 ha ruộng của bạn là vừa. Nay bạn rút bớt 1 hay 1,5 bao urê, 1 - 2 bao lân và giữ nguyên 1 bao kali, để bù vào đấy bạn sẽ dùng phân bón lá 005, 007, 009 để phun. Bạn có thể làm như vậy vẫn tốt. Nhưng bạn chú ý là phân 005 phun vào giai đoạn lúa đẻ chồi. Bạn phun sau khi bón phân lần 1,5 - 7 ngày để tiếp sức cho đợt phân lần 1, cứ 7 ngày phun 1 lần. Sau khi bón phân đợt 3 (đón đòng) bạn phun phân 007, phun khoảng 2 - 3 đợt. Còn phân 009 phun khi lúa trổ đều, cũng phun 2 - 3 đợt.Tổng cộng 3 loại phân bạn phun khoảng 9 - 10 đợt. Làm theo cách này thì với diện tích ít bạn làm được. Diện tích nhiều sẽ tốn công đấy. Bạn cũng cần tính tiền công phun vào để xem dùng biện pháp nào lợi hơn, kinh tế hơn. Tôi chắc rằng bạn phun 3 loại phân này và số lần phun như vậy hoàn toàn bù lại số phân bạn giảm xuống mà năng suất không bị giảm, có khi hạt lúa lại đẹp hơn.
Trong kỹ thuật bón phân thì bón phân gốc là cơ bản, phun phân bón là bổ sung. Phân bón lá chỉ thay một phần phân bón gốc chứ không thay hoàn toàn được. Khi cây lúa đã già, nhất là từ sau khi trổ bông trở đi, do bộ rễ cũng già, năng lực làm việc của bộ rễ yếu hơn, càng về sau càng làm việc yếu hơn. Nhiều thí nghiệm và trình diễn cho thấy, ruộng có độ phì trung bình và thành phần cơ giới ở mức trung bình trở lên và đã bón đủ cơ số phân cho đến lúc làm đòng, với lúa ngắn ngày thì không cần bón rước hạt. Trừ đất xấu, đất cát, kém giữ nước và giữ phân thì có thể bón thêm 1 đợt sau khi lúa trổ đều sẽ tốt hơn là không bón.
Vào giai đoạn sau trổ thì phun phân lên lá lợi hơn bón phân vào gốc, lý do như đã nói ở trên. Thông thường khi ta bón phân vào gốc không phải bón bao nhiêu cây lúa hút được bấy nhiêu, nhất là vào thời kỳ bộ rễ lúa đã già như bạn nói. Tính trung bình cả vụ cây lúa chỉ hút được 1 tỷ lệ nhất định thôi, khoảng 35 -40% đối với phân đạm, 15 - 25% đối với lân, có loại đất chua, cây chỉ hút được khoảng 5 - 10% thôi, còn kali cây có thể hút được 40 - 50%. Phần còn lại cây hút chất phân có sẵn trong đất. Nếu phun vào lá thì hiệu suất sử dụng phân cao hơn. Khi phân được hút vào cây, phân được đưa trực tiếp lên lá, ở đấy do quang hợp mà các chất dinh dưỡng này được kết hợp với các gốc hữu cơ khác nhau rồi chuyển xuống nuôi thân, lá, bẹ, rễ. Khi lúa chín, cây hút thức ăn kém thì vận chuyển các chất dự trữ ở lá, bẹ, thân về bông. Vì vậy, bón phân thời kỳ trước để cây hút nhiều hơn, dự trữ nhiều hơn. Còn bón phân muộn quá thì cây sử dụng không được bao nhiêu nên lãng phí nhiều hơn. Vì vậy mà không nên ưu tư lắm về việc bón phân rước hạt hay không mà chú ý cung cấp phân đúng lúc, đúng loại, đúng tỷ lệ là quan trọng nhất.
                                        MAI VĂN QUYỀN
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​