​Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2024

Nhận thức rõ chuyển đổi số là xu thế tất yếu trên toàn cầu, mở ra cơ hội chưa từng có cho Việt Nam để bứt phá vươn lên thay đổi thứ hạng Quốc gia, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định chuyển đổi số là một nội dung trong 06 nhiệm vụ trọng tâm và trong ba đột phá chiến lược thực hiện định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021 - 2030.
Trên tinh thần triển khai thực hiện Nghị quyết số 50/NQ-CP ngày 17/4/2020 về việc ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4; Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; Quyết định số 942/QĐ-TTg ngày 15/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Ngày 28/3/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Đồng Nai đã ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU về Chuyển đổi số tỉnh Đồng Nai đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; UBND tỉnh Đồng Nai phê duyệt Chương trình chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 của tỉnh Đồng Nai tại Quyết định số 5003/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2020. Với mục tiêu, nhiệm vụ đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung các nhiệm vụ: Xây dựng các hệ thống dữ liệu của ngành để kịp thời dự báo, cảnh báo thị trường, định hướng phát triển nông nghiệp và quản lý quy hoạch; Xây dựng mô hình chuyển đổi số nhằm phát triển nông nghiệp công nghệ cao hướng chú trọng nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế; Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Trong thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tích cực triển khai thực hiện nhằm nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp, đặc biệt là năm 2020 triển khai 02 dự án: quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm Te-food và dự án truy xuất nguồn gốc sản phẩm thịt có nguồn gốc từ động vật, cùng với đó là xây dựng danh mục các dự án đầu tư công phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025; công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, kỹ năng về Chính phủ điện tử, chuyển đổi số được đẩy mạnh, hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số, kiến trúc an toàn thông tin, phát triển Chính phủ điện tử, chuyển đổi số trong quản lý, điều hành được củng cố và tăng cường.
 Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2024_hình 1.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Hoàng Hiệp và PCT. UBND tỉnh – Võ Văn Phi đồng chủ trì Hội nghị chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đồng Nai năm 2023
 
Ngành đã triển khai vận hành 27 phần mềm/Cơ sở dữ liệu thuộc ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, điển hình như: (i) ứng dụng phần mềm quản lý, theo dõi các hợp tác xã nông nghiệp; (ii) ứng dụng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu Chương trình Mỗi xã một sản phẩm; ứng dụng phần mềm quản lý về an toàn vệ sinh thực phẩm; (iii) hệ thống phần mềm cơ sở dữ liệu  lĩnh vực Bảo vệ thực vật; ứng dụng phần mềm quản lý về dữ liệu bản đồ cây trồng trên địa bàn tỉnh dạng bản đồ ứng dụng GIS; (iv) Ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu bản đồ công trình phục vụ công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh; (v) ứng dụng phần mềm hệ thống cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; ứng dụng phần mềm cơ sở dữ liệu hệ thống kênh mương thủy lợi; (vi) ứng dụng Phần mềm cơ sở dữ liệu Quốc gia về thủy sản; (vii) phần mềm cơ sở dữ liệu giống, thức ăn và sản phẩm xử lý môi trường thủy sản; phần mềm cơ sở dữ liệu về sử dụng hệ thống dữ liệu trong quan trắc cảnh báo môi trường nuôi trồng thủy sản; (viii) ứng dụng phần mềm FORMIS và ảnh vệ tinh trong công tác theo dõi, cập nhật diễn biến rừng; (ix) phần mềm cảnh báo sớm cháy rừng; phần mềm quản lý, theo dõi các cơ sở gây nuôi động vật hoang dã; (x) hệ thống giám sát đánh giá chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững; (xi) hệ thống báo cáo thống kê thực hiện chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng; (xii) ứng dụng hệ thống VAHIS; phần mềm quản lý trang trại chăn nuôi; phần mềm quản lý đàn chăn nuôi và kiểm soát dịch bệnh (Tefood); (xiii) phần mềm theo dõi truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật. Ngoài ra còn có các phần mềm/cơ sở dữ liệu phục vụ công tác thanh tra, tổ chức quản lý, xử lý chồng chéo trong thanh kiểm tra.
  Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2024_hình 2.jpg

Tập trung đẩy mạnh triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong năm 2024_hình 3.jpg
Tham gia tuần lễ Chuyển đổi số năm 2023 (từ ngày 10 – 15/10/2023)
 
Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số vẫn còn hạn chế nhất định như: cơ sở hạ tầng Công nghệ thông tin chưa đồng bộ; Nhân lực cho công nghệ thông tin trong cơ quan, đơn vị còn hạn chế; một số ứng dụng phục vụ công tác chỉ đạo điều hành nhưng riêng lẻ, chưa đồng bộ và liên thông, bảo đảm chia sẻ dùng chung; phần mềm chưa được cập nhật dữ liệu thường xuyên; Chưa có hướng dẫn đầy đủ thông tin về các nội dung triển khai thực hiện chuyển đổi số, phần mềm/Cơ sở dữ liệu (CSDL) sử dụng chung/riêng, phương thức kết nối liên thông giữa Bộ - tỉnh - huyện - xã, nguy cơ xảy ra chồng chéo đầu tư phần mềm/CSDL, không kết nối liên thông được với hệ thống dữ liệu của Trung ương, sẽ  gây lãng phí đầu tư; các hộ nông dân và một số doanh nghiệp/HTX đã tiếp cận công nghệ thông tin, tuy nhiên việc áp dụng vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm thì cần phải được tập huấn, hướng dẫn; đồng thời, chưa có quy định khai báo thông tin lên Hệ thống quản lý, lợi ích khi tham gia vận hành còn hạn chế;.…
Để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số trong năm 2024, Sở Nông nghiệp và PTNT tiếp tục tập trung triển khai thực hiện một số nội dung: (i) Tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Quyết định số 2151/QĐ-BNN-VP ngày 15/6/2022 về phê duyệt Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và Phát triển nông thôn giai đoạn 2022-2025; Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 28/3/2022 và Kế hoạch chuyển đổi số của UBND tỉnh để xây dựng kế hoạch thực hiện, trong đó chú trọng đề ra các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện, đảm bảo hiệu quả và thiết thực. (ii) Phối hợp với các ngành Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông để triển khai thực hiện Dự án nâng cấp và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin của các đơn vị trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT phục vụ chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025 từ nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Đồng thời triển khai 04 dự án thuộc lĩnh vực lâm nghiệp và phòng chống thiên tai. (iii) Tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp thực hiện có hiệu quả 02 dự án có ứng dụng công nghệ thông tin: Dự án quản lý trang trại chăn nuôi thông qua phần mềm TE-FOOD và dự án truy xuất nguồn gốc thực phẩm thiết yếu có nguồn gốc động vật trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh phê duyệt triển khai thực hiện đến năm 2025. (iv) Thường xuyên phối hợp với các cơ quan trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Thông tin và Truyền thông, các ngành của tỉnh để cập nhật hướng dẫn, cơ sở pháp lý để đề xuất và triển khai thực hiện công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh, nhất là các dự án chuyển đổi số nông nghiệp, định mức kinh phí thực hiện việc điều tra, cập nhật dữ liệu ngành nông nghiệp và kinh phí để duy trì hoạt động của các phần mềm cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp. (v) Tiếp tục vận hành hiệu quả các phần mềm và các cơ sở dữ liệu của ngành hiện có, làm nền tảng xây dựng nền tảng số nông nghiệp. Đồng thời, tập trung phối hợp với các cơ quan chuyên môn của Bộ Nông nghiệp và PTNT để xây dựng, cập nhật bổ sung các dữ liệu trong danh mục cơ sử dữ liệu dùng chung (31 cơ sở dữ liệu đang khai thác sử dụng; 06 cơ sở dữ liệu đang xây dựng, nâng cấp; 12 cơ sở dữ liệu đề xuất xây dựng mới hoặc nâng cấp) của Bộ Nông nghiệp và PTNT theo Quyết định số 4290/QĐ-BNN-VP ngày 07/11/2022. Sau khi Bộ Nông nghiệp và PTNT hoàn thành thí điểm xây dựng, hoàn thiện nền tảng cơ sở dữ liệu nông nghiệp số tại các tỉnh: Đồng Tháp, Bến Tre, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tham mưu UBND tỉnh triển khai tại địa phương. (vi) Thường xuyên rà soát khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chuyển đổi số trên các lĩnh vực của ngành, kịp thời tham mưu, đề xuất các Bộ ngành Trung ương, UBND tỉnh và các cơ quan liên qua để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi trong quá trình triển khai thực hiện.
Quang Tuyên
 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​