​Hội thảo phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam

Nhằm xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” (gọi tắt là Đề án); ngày 24/6/2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Hội thảo phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến; tham dự và chủ trì Hội thảo có đồng chí Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại diện các đơn vị thuộc Bộ; Đại diện các bộ ngành Trung ương: Văn phòng Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Công Thương, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính (Tổng cục hải quan); Lãnh đạo UBND các tỉnh thành phố và lãnh đạo các Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương của tỉnh/thành phố; Các chuyên gia trong lĩnh vực logistics; Các Hiệp hội Logistics (Vận tải biển, Vận tải đường bộ, Kho lạnh…); các hiệp hội ngành hàng nông lâm thủy sản chủ lực; một số doanh nghiệp lớn tiêu biểu, các nhà bán lẻ lớn, các HTX, các thương lái hoạt động trong lĩnh vực Logistics và một số cơ quan thông tấn, báo chí.
Theo báo cáo của Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp nông thôn; để phát triển hệ thống logistics Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1012/QĐ-TTg ngày 03 tháng 07 năm 2015 về việc phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống trung tâm logistics trên địa bàn cả nước đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, có quy hoạch các Trung tâm logistics hạng I cấp quốc gia và trung tâm logistics hạng II cấp vùng, tiểu vùng và hành lang kinh tế. Tuy nhiên, quy hoạch này mới chỉ ra định hướng chung cho các vùng và chưa đề cập rõ quy hoạch các trung tâm logistics phục vụ sản xuất kinh doanh nông sản. Để phát triển các trung tâm logistics cho nông nghiệp, ngày 11/1/2022, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Cần Thơ, trong đó cho phép UBND thành phố Cần Thơ xây dựng Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Gần đây, ngày 28/02/2022 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 287/QĐ-TTg về phê duyệt Quy hoạch phát triển kinh tế xã hội Đồng bằng sông Cửu Long trong đó có quy hoạch các trung tâm đầu mối nông nghiệp tại 8 tỉnh gồm An Giang, Đồng Tháp (thủy sản, trái cây, lúa gạo); Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng (thủy sản ven biển); Tiền Giang, Bến Tre (trái cây, rau màu) và Hậu Giang (tổng hợp). Ngoài ra, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 (theo Quyết định số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng chính phủ) xác định nội dung đầu tư xây dựng trung tâm thu mua - cung ứng nông sản an toàn cấp huyện.
Những định hướng này thể hiện vai trò to lớn của dịch vụ logistics cho sản xuất kinh doanh nông sản đồng thời là căn cứ rất quan trọng để phát triển các hoạt động logistics phục vụ nông nghiệp. Tuy nhiên, những định hướng này vẫn chưa có sự gắn kết chặt chẽ và còn nằm ở các văn bản khác nhau. Để có thể phát triển logistics một cách có hệ thống và phục vụ hiệu quả cho sản xuất kinh doanh nông sản thì cần phải có đề án riêng, có tính dài hạn và phải gắn kết vùng sản xuất với chế biến, tiêu thụ nông sản vì thế việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống logistics nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050” là rất cần thiết.
Đề án đề ra 05 mục tiêu cụ thể đến năm 2035: (i) Đảm bảo cung ứng sản phẩm nông sản chất lượng, an toàn thực phẩm cho thị trường trong nước và xuất khẩu, giữ được vị thế Việt Nam về xuất khẩu nông sản, phấn đấu lọt vào trong nhóm 10 nước về chế biến nông sản hàng đầu trên thế giới. (ii) Nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông sản, giảm 20% chi phí logistics và hao hụt sau thu hoạch cho nông sản so với hiện tại. (iii) Đảm bảo các vùng nguyên liệu lớn đều có hệ thống logistics giúp đảm bảo chất lượng nông sản. Hình thành hệ thống logistics hỗ trợ sản xuất kinh doanh nông sản đồng bộ kết nối giữa vùng sản xuất trọng điểm với các chợ đầu mối, các thị trường trong nước và thị trường xuất khẩu. (iv) Hoàn thiện hệ thống các nhà cung cấp dịch vụ logistics nông nghiệp. Hình thành được đội ngũ doanh nghiệp, HTX và thương lái chuyên nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, logistic “xanh” tham gia hệ thống logistics nông nghiệp. (v) Hoàn thiện thể chế hỗ trợ phát triển logistics cho SXKD nông sản. Thành lập được Hiệp hội logistics nông sản trong đó có sự tham gia của các chủ thể trong hệ thống logistics nông nghiệp. Đồng thời, đề ra 06 nhiệm vụ và 07 giải pháp thực hiện các mục tiêu.
Đặc biệt 01 trong 06 nhiệm vụ quan trong là cần điều chỉnh quy hoạch tổng thể quốc gia bổ sung nội dung quy hoạch về hệ thống logistic nông nghiệp theo 3 cấp: các trung tâm logistics tại vùng sản xuất (vùng nông nghiệp trọng điểm, vùng nuôi trồng thủy sản, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, vùng nguyên liệu gỗ), trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu (đặt tại các tỉnh có cửa khẩu xuất khẩu lớn sang các nước có biên giới với Việt Nam và tại các cảng xuất khẩu lớn trên cả nước).
Hội thảo phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam _hình 1.jpg
Các đại biểu tham dự và thảo luận tại Hội thảo

Tại Hội thảo, đại diện 11 địa phương, đơn vị, doanh nghiệp đã có ý kiến thảo luận, tập trung đóng góp ý kiến vào: mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp, nhất là mục tiêu hướng đến thành lập logistis tại nước ngoài để kết nối với trong nước, đồng thời giải pháp chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cần cụ thể, thiết thực thúc đẩy thực hiện hiệu quả Đề án. Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trần Thanh Nam chỉ đạo thực hiện một số nội dung trọng tâm như: trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu, Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường nghiên cứu, tiếp thu điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện dự thảo Đề án gửi xin ý kiến các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp liên quan; chú trọng 4 vấn đề: (i) xây dựng hệ thống logistic nông nghiệp theo 3 cấp (cấp cơ sở, cấp vùng và cấp cửa khẩu), (ii) rà soát vận dụng các chính sách hiện có và đề xuất chính sách mới mang tính đột phá để tập trung hỗ trợ thực hiện, (iii) đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, kể cả người trực tiếp vận hành thực hiện, (iv) xã hội hóa, huy động nguồn lực của xã hội để cùng tham gia thực hiện Đề án.
Hội thảo phát triển hệ thống Logistics nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam _hình 3.jpg
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT – Trần Thanh Nam phát biểu chỉ đạo Hội thảo  
Quang Tuyên
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​