​Nâng cao năng lực quản lý khai thác công trình thủy lợi

Qua làm việc với các địa phương, đơn vị quản lý công trình thuỷ lợi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT nhận thấy hiện nay một số đơn vị chưa đáp ứng yêu cầu về năng lực tối thiểu đối với tổ chức khai thác đập, hồ chứa nước, hệ thống kênh mương, công trình ngăn mặn, tiêu thoát lũ như Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện: Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Xuân Lộc, Long Thành, Nhơn Trạch, Khu bảo tồn thiên nhiên - Văn hoá Đồng Nai; một số cán bộ làm công tác quản lý nhà nước ở địa phương cũng như đơn vị, quản lý công trình thuỷ lợi đang sử dụng nguồn nhân lực chuyên ngành từ nhiều ngành khác nhau như: Kinh tế, Nông Lâm, Địa chính, Thuỷ sản, nên việc triển khai công tác quản lý, khai thác công trình thuỷ lợi ở địa phương chưa đáp ứng yêu cầu.
Mặc dù các địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, thông báo tuyển dụng cán bộ thuỷ lợi, tuy nhiên mấy năm gần đây vẫn không tuyển dụng được cán bộ chuyên môn do mức thu nhập thấp, địa bàn làm việc tại vùng nông thôn. Qua trao đổi với Trường Đại học Thuỷ lợi, Sở được biết những năm gân đây có rất ít học viên tham gia đăng ký đào tạo chuyên ngành Thuỷ lợi do tính kỹ thuật phức tạp, công trình được xây dựng ở những nơi xa xôi, hẻo lánh, trong khi thu nhập của người làm trong ngành Thủy lợi thấp hơn so với nhiều ngành khác như: Công nghệ thông tin hay tài chính, ngân hàng, nên không thu hút được sinh viên đăng ký đào tạo.
Ngoài ra, hiện nay các Trung Tâm Dịch vụ nông nghiệp cấp huyện đang hoạt động theo hình thức tự chủ hoặc tự chủ một phần, nên nguồn kinh phí hoạt động gặp nhiều khó khăn, cần có sự hỗ trợ từ nguồn ngân sách tỉnh để thực hiện công tác đào tạo, nâng cao năng lực, trình độ cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tại các cơ quan, đơn vị.
Ngày 14/5/2018, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2018/NĐ-CP về Quy định chi tiết một số điều của Luật Thuỷ lợi trong đó quy định về năng lực tối thiểu đối với tổ chức, cá nhân khai thác đập, hồ chứa nước; khai thác trạm bơm điện cố định; khai thác cống đầu mối, hệ thống dẫn, chuyển nước. Mặt khác, trước tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, đòi hỏi công tác tổ chức quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi và phòng chống thiên tai cần phải được nâng cao hơn nữa để đáp ứng yêu cầu, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí thuỷ lợi, phòng chống thiên tai trong chương trình xây dựng nông thôn mới. Trước tình hình đó cần thiết phải đào tạo bổ sung về chuyên ngành Thuỷ lợi (văn bằng 2) từ nguồn nhân lực tại chỗ đã được đào tạo từ các chuyên ngành khác trong các cơ quan, đơn vị để đảm bảo hoàn thành tốt công tác quản lý nhà nước, công tác tổ chức, quản lý, khai thác, vận hành các công trình thủy lợi theo đúng quy định và đạt hiệu quả.
Để hoàn thành mục tiêu nêu trên, Sở Nông nghiệp và PTNT vừa có văn bản đề nghị các địa phương, đơn vị rà soát, tổng hợp nhu cầu đào tạo trình độ đại học (văn bằng 2 Đại học Thuỷ lợi hệ vừa học vừa làm) đã được đào tạo từ các chuyên ngành khác; nhu cầu bồi dưỡng năng lực, kiến thức quản lý, vận hành công trình thuỷ lợi cho các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của địa phương, đơn vị gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức lớp đào tạo tại tỉnh Đồng Nai.
Nguyễn Ngọc
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​