​Thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp hữu cơ

Sở NN-PTNT và một số địa phương trên địa bàn tỉnh đã hợp tác với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm (TP.HCM) triển khai nhân rộng mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ. Điểm đặc biệt, nông dân tham gia chuỗi liên kết tận dụng được các phế, phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn chăn nuôi, phân bón hữu cơ góp phần giảm chi phí đầu vào, tăng cao giá trị sản xuất.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm khẳng định, Quế Lâm đã hoàn thiện được một hệ sinh thái nông nghiệp tuần hoàn tiên tiến nhất, gắn kết giữa trồng trọt, chăn nuôi, khép kín đầu vào và đầu ra. Khi tham gia quy trình sản xuất này, nông dân sẽ làm chủ được công nghệ và quy trình sản xuất.
Hỗ trợ nông dân sản xuất hữu cơ
Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm đang phối hợp với H.Cẩm Mỹ và Định Quán triển khai thí điểm mô hình trồng lúa, nuôi heo hữu cơ. Doanh nghiệp (DN) có nhiều chính sách hỗ trợ cho nông dân khi tham gia chuỗi liên kết. Cụ thể, nông dân trồng lúa được DN hỗ trợ 50% vật tư đầu vào, được tập huấn quy trình sản xuất hữu cơ, đảm bảo đầu ra; đặc biệt được hướng dẫn ứng dụng chế phẩm vi sinh xử lý rơm, rạ chuyển đổi thành phân bón hữu cơ góp phần tiết kiệm được phần nào tiền phân bón.
Mô hình chăn nuôi heo hữu cơ được triển khai thí điểm tại H.Định Quán, DN cung cấp giống heo nái hậu bị, thức ăn chăn nuôi, tập huấn kiến thức nuôi heo hữu cơ, cử cán bộ kỹ thuật về tận nơi sản xuất hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về quy trình, kỹ thuật. Mô hình chăn nuôi này có nhiều ưu điểm nổi bật như: chuồng nuôi được thiết kế không dụng hàng với một phần diện tích sử dụng đệm lót sinh học, bên trên có hệ thống phun sương làm mát nên chuồng nuôi không mùi hôi, không chất thải, kiểm soát dịch bệnh tốt; heo được nghe nhạc thư giãn…
Ông Lê Văn Tưởng, Phó Chủ tịch UBND H.Cẩm Mỹ cho biết, mô hình trồng lúa hữu cơ mang lại nhiều lợi ích, nhất là bảo vệ môi trường. Địa phương rất ủng hộ và sẽ nhân rộng mô hình này. Dự kiến vụ Đông Xuân tới, huyện và xã sẽ mở rộng diện tích trồng lúa theo hướng hữu cơ lên trên 10ha.
Cùng quan điểm, ông Ngô Tấn Tài, Phó Chủ tịch UBND H.Định Quán cho hay, dự kiến đến năm 2025, địa phương sẽ nhân rộng mô hình chăn nuôi hữu cơ ra toàn huyện. UBND huyện cũng đã đề nghị Tập đoàn Quế Lâm ban hành định mức kỹ thuật, kinh phí thực hiện cụ thể đối với từng mô hình nông nghiệp theo quy trình kỹ thuật của Tập đoàn. Từ đó, các nhà quản lý có căn cứ để hỗ trợ cho các hộ dân. Địa phương cũng mong muốn Tập đoàn tiếp tục nghiên cứu, triển khai các mô hình nông nghiệp hữu cơ trên các loại cây trồng, vật nuôi khác là thế mạnh của huyện trong thời gian tới.
Hiệu quả mô hình kinh tế tuần hoàn
Tập đoàn Quế Lâm là DN đi tiên phong làm nông nghiệp hữu cơ tại Việt Nam. Đến nay, DN đã xây dựng được chuỗi sản xuất tuần hoàn từ phân bón hữu cơ, đến chăn nuôi an toàn sinh học và trồng trọt hữu cơ. DN này cũng là hạt nhân, vận động và bảo trợ thành lập Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam.
Trong đó, DN có thế mạnh là công nghệ vi sinh, giúp giải quyết nhiều vấn đề, không chỉ trong sản xuất nông nghiệp mà người dân có thể sử dụng rác hữu cơ và dùng vi sinh để tự sản xuất phân bón. Hiện nhiều địa phương đã nhân rộng, tự sản xuất được phân vi sinh. Đồng Nai là tỉnh chăn nuôi, rất thuận lợi để nhân rộng mô hình chất thải chăn nuôi đưa vào sản xuất phân bón hữu cơ và phục vụ trở lại cho ngành trồng trọt.
Ông Huỳnh Ngọc Tây, nông dân tham gia thí điểm nuôi heo hữu cơ tại xã Thanh Sơn (H.Định Quán) chia sẻ, ưu điểm nổi bật của mô hình nuôi heo hữu cơ này là nông dân tận dung nguồn rau cỏ, thảo dược tự trồng trong vườn nhà làm thức ăn chăn nuôi đồng thời tăng sức đề kháng cho vật nuôi. “Đây là mô hình chăn nuôi không có rác thải, lại giảm được từ 30-50% chi phí thức ăn chăn nuôi. Vườn cây hầu như không tốn chi phí mua phân bón hóa học mà vẫn phát triển tốt nhờ nguồn phân bón hữu cơ từ chăn nuôi”” – ông Tây nói.
Theo ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm: “Tôi rất vui vì đến Đồng Nai tham quan các mô hình trồng lúa, chăn nuôi hữu cơ và đã thấy sự thành công. Điều tôi đánh giá cao là chính quyền của Đồng Nai, nhất là Sở NN-PTNT rất quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi trong xây dựng chuỗi liên kết chăn nuôi, trồng trọt hữu cơ. DN đã ký kết hợp tác làm nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn với UBND tỉnh, với các địa phương của Đồng Nai.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp hữu cơ_hình 1.jpg
Giám đốc Sở NN-PTNT Cao Tiến Sỹ (giữa) và Chủ tịch tập đoàn Quế Lâm Nguyễn Hồng Lam (bìa phải) thăm mô hình sản xuất lúa hữu cơ tại xã Sông Ray, H.Cẩm Mỹ.
Ngọc Ngân

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​