​Triển khai một số điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 38/2024/NĐ-CP ngày 05/4/2024 của Chính Phủ.

Ngày 05/4/2024, Chính phủ ban hành Nghị định số 38/2024/NĐ-CP thay thế Nghị định số 42/2019/NĐ-CP ngày 16/5/2019 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản. Sau đây là một số nội dung chính quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản.
Triển khai một số điểm mới trong xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực thủy sản theo Nghị định số 38_2024_NĐ-CP _hình 1.jpg
Triển khai phổ biến tuyên truyền các điểm mới trong Nghị định số 38/2024/NĐ-CP của Chính phủ tại Mã Đà, Vĩnh Cửu, Đồng Nai

Nghị định số 38/2024/NĐ-CP được cấu thành gồm 4 Chương, 8 Mục và 62 Điều trong đó các điểm mới được điều chỉnh, bổ sung so với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP bao gồm:
1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản nâng lên là 02 năm cho tất cả các trường hợp.
2.Bổ sung thêm nhiều biện pháp khắc phục hậu quả đối với lĩnh vực này như:
- Buộc thả bổ sung loài thủy sản theo quy định;
- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng loài thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, trường hợp không đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi thì buộc tiêu hủy thủy sản hoặc giống thủy sản hoặc thức ăn thủy sản hoặc sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản;
- Buộc di dời hoặc phá dỡ công trình nuôi trồng thủy sản;
- Buộc hủy bỏ kết quả đăng kiểm;
- Buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá;
- Buộc tái xuất tàu cá nhập khẩu, trường hợp không thể tái xuất tàu cá thì buộc chuyển đổi mục đích sử dụng tàu cá hoặc phá dỡ tàu cá hoặc đánh đắm tàu cá;
- Đình chỉ hoạt động sản xuất thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản của cơ sở vi phạm;
- Buộc vây bắt, tiêu diệt thủy sản sống bị thoát ra môi trường tự nhiên.
Việc bổ sung các biện pháp khắc phục này sẽ khắc phục được tình trạng bỏ lọt hành vi vi phạm
3. Mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện trong lĩnh vực thủy sản là 1.000.000.000 đồng và đối với tổ chức vi phạm như của cá nhân thì mức phạt tiền bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân tức là 2.000.000 đồng.
4. Hành vi vi phạm và mức xử phạt vi phạm hành chính được quy định theo theo từng trường hợp. So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP thì tại Nghị định số 38/2024/NĐ-CP, các hành vi vi phạm được chia nhỏ theo: chiều dài đường nước thiết kế tàu cá (các mức dưới 6m, từ 6m đến 12m, từ 12m đến dưới 24m và trên 24m), khối lượng thủy sản để phù hợp và đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện xử phạt. Đồng thời bổ sung các hành vi vi phạm quy định về: Cơ sở sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản bố mẹ không duy trì một trong các điều kiện sản xuất, ương dưỡng giống thủy sản; Sản xuất, ương dưỡng và kinh doanh giống thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam hoặc chưa được công nhận hoặc chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép; Địa điểm nuôi trồng thủy sản không đúng với vị trí đã đăng ký; nuôi trồng loài thủy sản không có trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam; sử dụng chất cấm trong nuôi trồng thủy sản; Cung cấp thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định; cung cấp kẹp chì hoặc kẹp chì thiết bị giám sát hành trình tàu cá không đúng quy định; không có thiết bị VMS trên tàu khi đang hoạt động; không mang Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá khi hoạt động theo quy định; không đánh dấu nhận biết tàu cá hoặc đánh dấu sai quy định trong trường hợp sử dụng tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 06 mét đến dưới 12 mét; không mang bản chính hoặc bản sao có chứng thực Giấy phép khai thác thủy sản khi tàu cá hoạt động; không bố trí đủ định biên an toàn tàu cá theo quy định; không báo cáo, báo cáo không kịp thời, không đúng, không đầy đủ hoặc không cập nhật dữ liệu theo quy định đối với tàu cá cập cảng, rời cảng, sản lượng và thành phần loài thủy sản, sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng cá theo quy định; thu gom, mua bán, sơ chế, bảo quản, vận chuyển thủy sản có nguồn gốc từ khai thác bất hợp pháp hoặc loài thủy sản không có tên trong Danh mục loài thủy sản được phép kinh doanh tại Việt Nam.
5. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động thủy sản.
So với Nghị định số 42/2019/NĐ-CP thì Nghị định số 38/2024/NĐ-CP có bổ sung một số chức danh được quyền xử phạt trong lĩnh vực thủy sản như: Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Cục Quản lý xuất nhập cảnh; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, Trưởng phòng Cảnh sát đường thủy, Trưởng phòng Cảnh sát môi trường, Trưởng phòng Cảnh sát cơ động, Trưởng phòng Cảnh sát bảo vệ, Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Trưởng phòng An ninh kinh tế, Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Thủy đoàn trưởng ….Đặc biệt bổ sung 01 Điều quy định về thẩm quyền xử phạt của Kiểm lâm để đảm bảo các hành vi phạm về bảo vệ nguồn lợi thủy sản tại các Vườn quốc gia, khu bảo tồn được phát hiện và xử lý kịp thời…
Nghị định số 38/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/5/2024.
Hoàng Nga - Chi cục Thủy sản
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​