​Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn

Vừa qua, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chủ trì tổ chức Hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Mở đầu hội nghị, Bộ trưởng Lê Minh Hoan giới thiệu về cuốn sách “Tầm nhìn hạn hẹp, bắt chẹt tư duy” của tác giả người Nhật, qua đó gửi gắm tới các doanh nghiệp và hội nghị về góc nhìn, tư duy của nhân vật "tôi ước gì dốc này cao gấp 10 lần hơn nữa, khi ấy sẽ có rất nhiều người bỏ cuộc và tôi sẽ chiến thắng cuối cùng", để thấy rằng, cần thay đổi cách tiếp cận trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững trong tương lai.
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn_hình 1.jpg
Bộ trưởng Nông nghiệp - PTNT Phát biểu khai mạc hội nghị

* Đào tạo đa giá trị và tích hợp
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Điều này, đòi hỏi buộc ngành nông nghiệp phải đặt trong một xu thế chung để tìm ra hướng đi. Sản phẩm của trường đào tạo cần phù hợp với xu thế, trường học không chỉ đào tạo tri thức mà còn phải đào tạo trí tuệ. Đào tạo nguồn nhân lực ngành nông nghiệp phải hướng tới sự tích hợp, tư duy tích hợp sẽ tạo ra giá trị. Vì vậy, các môn học chuyên ngành nông nghiệp khi chuyển từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp sẽ tích hợp nhiều mô hình như nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, chăn nuôi kết hợp với thủy sản,… Qua đó, tích hợp các môn học thành chuỗi giá trị để người học ra trường sẽ làm việc cho các doanh nghiệp mà không mất thời gian doanh nghiệp phải đào tạo lại.
Bộ trưởng cho rằng, khởi nghiệp ở trong trường học, không phải là một phong trào, mà là một cách đào tạo thực học, thực nghiệm qua sản phẩm. Khởi nghiệp trong trường học, hướng đến giúp cho người học đủ tâm thế sẵn sàng để khi ra trường là thực hiện được.
* Tập trung thực hiện các nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao
Theo thống kê Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005 - 2020, giá trị sản xuất nông nghiệp vùng Đông Nam Bộ tiếp tục phát triển tốc độ khá, tăng bình quân 4,63%/năm. Đông Nam Bộ đứng đầu cả nước về sản lượng cao su, điều, lợn... Đến hết năm 2021, vùng Đông Nam Bộ đã có 368/425 xã (86,59%) đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 44,21% so với năm 2015), là vùng có tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới đứng thứ 2 trong cả nước, cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả nước (68,74%).
Hiện có 4/28 trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh Nam Bộ. Trong giai đoạn 2016 – 2022 đã đào tạo với các trình độ: cao đẳng là 15.852 người, trung cấp  là 41.502 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên là 53.813 người. Ngoài ra, thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, các tỉnh trong vùng đã đào tạo ở các cấp với số lượng là 3.092 người trình độ cao đẳng; 11.702 người trình độ trung cấp, 138.149 người trình độ sơ cấp và 390.136 người đào tạo dưới 3 tháng. Đào tạo nghề dưới 3 tháng vùng Đông Nam Bộ là 57.807 người (bằng 7,17% cả nước).
Mục tiêu của ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đưa ra đến năm 2030, tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70% và khoảng 80% giám đốc Hợp tác xã được đào tạo có bằng cấp chứng chỉ nghề. Để đạt được mục tiêu, trong thời gian tới Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu như: tăng cường công tác truyền thông tạo ra sự thay đổi nhận thức của xã hội về vai trò của nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao; sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới  chương trình, phương pháp giảng dạy, xây dựng chuẩn đầu ra cho một số nghề trọng điểm phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế xã hội của khu vực; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của nhà nước và xã hội phục vụ việc đào tạo nhân lực chất lượng cao;…
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn_hình 2.jpg
Bộ trưởng Lê Minh Hoan và ông Võ Văn Phi - Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai tặng hoa chúc mừng các đơn vị ký kết hợp tác đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp tại Hội nghị.

Thông qua hội nghị này đã có các thoả thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp, tổ chức và các cơ sở đào tạo trong và ngoài Bộ kết nối nhu cầu tuyển dụng lao động giữa các doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo, đặc biệt là nhân lực nông nghiệp chất lượng cao.
Thanh Tâm - PTNT
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​