​Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật

Trong những năm qua, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp; đồng thời chỉ đạo tăng cường công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật, kiểm tra vệ sinh thú y. Nhằm đánh giá tình hình công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật, triển khai mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung, quản lý cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại địa phương; những khó khăn, tồn tại, bất cập trong công tác quản lý kiểm soát giết mổ động vật những năm vừa qua; đề xuất các giải pháp cụ thể để khắc phục, tổ chức triển khai thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo. Ngày 26/6/2024, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Long An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Long An tổ chức “Hội nghị kiểm soát giết mổ động vật; góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 09/2016/TT-BNNPTNT, Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT và Chương trình giám sát ATTP đối với thực phẩm có nguồn gốc động vật”
hội nghị kiểm soát giết mổ động vật_hình 1.png
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến khai mạc Hội nghị

Tham dự hội nghị có Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến, đại diện cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, đại diện Lãnh đạo Uỷ ban nhân dân, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đại diện một số doanh nghiệp giết mổ động vật, cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, sản xuất nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế, cần không ngừng phát huy và gia tăng giá trị nông nghiệp để trụ đỡ ngày càng vững bền; chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, đường biên giới dài nên việc quản lý nhập lậu động vật, sản phẩm động vật còn khó khăn; việc bày bán sản phẩm chưa đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; tình trạng giết mổ tập trung chưa đảm bảo vệ sinh thú y, còn giết mổ tại chợ, tại nhà; việc kiểm soát giết mổ động vật đóng vai trò rất quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh động vật, bảo đảm vệ sinh thú y và an toàn thực phẩm. Trong những năm qua, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương đã có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng các chuỗi chăn nuôi, cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến động vật, sản phẩm động vật. Do đó, số lượng cơ sở giết mổ tập trung tăng lên đáng kể, số cơ sở giết mổ nhỏ lẻ đã giảm.
hội nghị kiểm soát giết mổ động vật_hình 2.png
Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An

Ông Nguyễn Minh Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, trong những năm qua, công tác quản lý thú y trên địa bàn tỉnh luôn được chú trọng, tập trung đánh giá nguy cơ dịch bệnh động vật, ATTP thông qua các hoạt động giám sát trong quá trình chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ động vật, bảo quản, buôn bán sản phẩm động vật. Long An vừa tiếp giáp vừa là cửa ngõ phía Tây của Thành phố Hồ Chí Minh. Một số huyện của Long An có khoảng cách khá gần 2 chợ đầu mối lớn nhất của Thành phố Hồ Chí Minh là Bình Điền và Hóc Môn. Ngoài ra, Long An có đường biên giới tiếp giáp nước bạn Campuchia khá dài, cư dân sinh sống tập trung vùng ven biên giới, chăn nuôi trâu bò là chủ yếu. Đây cũng là một thách thức lớn đối với tỉnh trong việc phòng chống buôn lậu gia súc, gia cầm qua biên giới.
Cục Thú y cho biết, đến tháng 4 năm 2024, cả nước có tổng cộng 440 cơ sở giết mổ (CSGM) động vật tập trung và 24.858 CSGM động vật nhỏ lẻ. Trong đó: Có 433 cơ sở GMTT đang hoạt động (98.4%), 07 cơ sở GMTT (1,6 %) tạm dừng hoạt động do không có đầu vào, chuẩn bị di dời do cơ sở xuống cấp, gần khu dân cư, không đủ điều kiện về vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm theo quy định; trong tổng số 24.858 CSGM động vật nhỏ lẻ, có 18.102 cơ sở (chiếm 73 %) không có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động.
Tại một số địa phương, hoạt động giết mổ còn diễn ra tự phát, CSGM động vật nhỏ lẻ nhiều, không bảo đảm yêu cầu VSTY, ATTP; ý thức chấp hành pháp luật thú y về giết mổ của người dân chưa cao; nhiều CSGM nhỏ lẻ giết mổ và bày bán ngay tại nhà, vỉa hè…, gây khó khăn cho cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện đúng, đầy đủ kiểm tra VSTY, KSGM và truy xuất nguồn gốc sản phẩm động vật. Trong khi chính quyền địa phương chưa quan tâm đúng mức về công tác quản lý, giám sát; việc chưa xử lý kiên quyết, dứt điểm tình trạng giết mổ không phép trên địa bàn vẫn còn phổ biến tại nhiều địa phương.
Các tỉnh, thành phố còn hệ thống Trạm Chăn nuôi và Thú y cấp huyện thuộc Chi cục quản lý chuyên ngành thú y cấp tỉnh trực tiếp thực hiện KSGM tại các CSGM. Công tác KSGM do nhân viên của Chi cục hoặc hợp đồng lao động với Chi cục Chăn nuôi và Thú y thực hiện. Lực lượng này có trình độ từ trung cấp chăn nuôi và thú y trở lên, đã được đào tạo, tập huấn về công tác kiểm dịch, kiểm tra VSTY, KSGM. Công tác quản lý hoạt động giết mổ ở các địa phương này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, số CSGM nhỏ lẻ đã giảm dần trong khi CSGM tập trung tăng về số lượng về quy mô và công suất giết mổ (Bình Định, Hồ Chí Minh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tây Ninh, Đồng Nai).
Bà Phạm Thị Ngọc Hà, Tổng giám đốc Công ty San Hà, đưa ra kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và PTNT, cần có những chính sách ưu đãi đặc biệt đối với doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Thực trạng còn thiếu nhà máy giết mổ đạt chuẩn phục vụ trong nước và hướng đến xuất khẩu, vì vậy cần chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư ngành nghề này. Cái khó hiện nay, doanh nghiệp gánh chi phí đầu vào cao (chuyển mục đích sử dụng đất, xây dựng, phòng cháy chữa cháy, phí xử lý môi trường đạt chuẩn...) trong khi lợi nhuận ngành này còn hạn hẹp, khó cạnh tranh với giết mổ truyền thống, giết mổ không phép. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tự xoay sở nguồn vốn cho việc đầu tư đất đai. Việc tiếp cận quỹ từ Nhà nước, cũng như hưởng chính sách ưu đãi còn hạn chế.
Kết luận hội nghị, ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, tình trạng vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật vẫn còn chưa đảm bảo theo quy định. Đề nghị các địa phương tăng cường hơn nữa trong công tác kiểm soát giết mổ động vật. Để làm được điều đó, các địa phương cần có mạng lưới cơ sở giết mổ tập trung bảo đảm các quy định về điều kiện vệ sinh thú y, quy trình kiểm soát giết mổ động vật. Các tỉnh, thành phố cần tập trung vào cơ chế, chính sách để thu hút nhà đầu tư vào cơ sở giết mổ tập trung, tăng cường nguồn ngân sách cho quản lý, đặc biệt là hệ thống thú y các cấp, tập trung chỉ đạo, giám sát 100% các cơ sở này. Đồng thời, Cục Thú y tăng cường tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ thú y ở cơ sở và hợp tác với các tổ chức quốc tế để quản lý tốt hơn cơ sở giết mổ, bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh.
Hiện nay, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan tương đối đầy đủ từ Luật, Nghị định, Thông tư đến các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đặc biệt là Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22 tháng 03 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021 – 2030. Đây chính là căn cứ pháp lý để các địa phương xây dựng và ban hành các văn bản để triển khai thực hiện.
Tống Thanh Lộc – Chi cục Chăn nuôi và Thú y
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​