​Thông qua du lịch sinh thái, kết hợp tiêu thụ nông sản địa phương

Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là nội dung được ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai đặc biệt quan tâm, đã và đang triển khai hiệu quả. Thời gian tới, tỉnh  tiếp tục gắn phát triển du lịch vườn, du lịch nông nghiệp với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để quảng bá, xây dựng thương hiệu đặc sản du lịch ở các địa phương; tiếp tục nhân rộng những mô hình làng du lịch trên địa bàn tỉnh.
Quảng bá hiệu quả đặc sản vùng miền
Cách thành phố công nghiệp Biên Hòa khoảng 10km, xã Hiếu Liêm (huyện Vĩnh Cửu) nằm kề sông Đồng Nai, lại là vùng đệm của rừng nên không gian sống nơi đây vẫn giữ được khá đậm chất làng quê quanh năm xanh mát bóng cây. Xã Hiếu Liêm có làng nuôi hươu, nai truyền thống, lại ở gần các điểm du lịch nổi tiếng như Chiến khu Đ, thủy điện Trị An nên từ lâu đã trở thành một trong những điểm hẹn lý tưởng với khách thập phương.
Ông Phan Xuân Ngọc, chủ trang trại nuôi hươu, nai tại xã Hiếu Liêm nhận xét, thấy lượng du khách về làng ngày càng đông, nhiều trang trại, cơ sở nuôi hươu, nai mở thêm dịch vụ đón khách vào tận trại tham quan, xem thu hoạch nhung hươu, nai trước khi chọn mua đặc sản này về sử dụng hay làm quà tặng. Làng nuôi hươu, nai cũng dần chuyên nghiệp hóa bằng việc liên kết theo chuỗi từ sản xuất con giống đến tiêu thụ sản phẩm, chung tay xây dựng thương hiệu sản phẩm bằng uy tín, chất lượng để tiếng thơm của làng đặc sản du lịch Hiếu Liêm ngày càng lan xa.
Cù lao Tân Triều (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) từ xưa đã nổi tiếng với đặc sản bưởi đường lá cam. Đáp ứng nhu cầu về vườn vui chơi, giải trí của người dân đô thị, nhiều nhà vườn ở xứ bưởi này đã đầu tư mở các khu du lịch sinh thái, quán ăn miệt vườn phục vụ du khách về vui chơi, thưởng thức đặc sản. Người dân trong làng cũng ngày càng có ý thức phát triển đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch như rượu bưởi, mứt bưởi, tinh dầu bưởi… Trong đó, sản xuất rượu bưởi đã thành nghề truyền thống mang lại thu nhập ổn định, thậm chí làm giàu cho nhiều cơ sở, hộ dân ở địa phương.
Xã Bình Lộc là vựa trái cây lớn nhất của TP. Long Khánh, lâu nay nổi danh với nhiều loại đặc sản như chôm chôm, măng cụt, sầu riêng, mít, ổi… Vùng đất này còn là mô hình điểm của tỉnh Đồng Nai trong việc xây dựng thành công làng du lịch vườn kiểu mẫu. Ở đây không chỉ có lẻ tẻ vài nhà vườn làm du lịch mà nông dân cả xã cùng liên kết làm du lịch. Những năm trước đây, Bình Lộc từng là xã nghèo, từ khi phát triển du lịch vườn, vùng đất này trù phú dần lên. Thu nhập của các nhà vườn làm du lịch cũng tăng lên gấp 2-3 lần so với trước. Thế nhưng hiệu quả lớn nhất của mô hình này là góp phần thay đổi cách thức sản xuất của nông dân theo hướng an toàn để vùng quê không chỉ trù phú mà còn sạch đẹp, an toàn, thật sự là nơi đáng sống.
Ông Trần Anh Tùng, nông dân tại xã Bình Sơn (huyện Long Thành) tiên phong trồng sầu riêng theo chuẩn VietGAP chia sẻ, địa phương đang định hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái nên nhiều nông dân trong vùng không chỉ chuyển hướng sang sản xuất an toàn mà còn chăm chút cải tạo cảnh quan vườn cây, trồng thêm hoa cảnh để khu vườn thêm đẹp. Làng quê cũng đẹp hơn nhờ các tuyến đường hoa sáng - xanh - sạch - đẹp không ngừng được nhân rộng.
Tiếp tục nhân rộng mô hình
Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp là nội dung được ngành nông nghiệp đặc biệt quan tâm triển khai trong thời gian tới. Trong đó, sự đa dạng các đặc sản du lịch là lợi thế phát triển. Tỉnh sẽ gắn phát triển du lịch vườn, du lịch nông nghiệp với chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để quảng bá, xây dựng thương hiệu đặc sản du lịch ở các địa phương; tiếp tục nhân rộng những mô hình làng du lịch trên địa bàn tỉnh.
Nhằm tăng cường quảng bá, phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch, Đồng Nai đã tham gia nhiều hoạt động, sự kiện để tạo sự kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp, hộ dân tham gia quảng bá nông sản tại các phiên chợ, hội chợ triển lãm trong và ngoài nước như: Góc phiên chợ xanh tử tế, Hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại khu vực Tây Nam bộ, Festival lúa gạo Việt Nam… với các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của tỉnh được tham gia trưng bày như bưởi da xanh, sầu riêng, măng cụt, chôm chôm… thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách.
Cùng với những thay đổi về diện mạo của các vùng nông thôn, sản phẩm nông nghiệp của nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh được đánh giá rất tiềm năng để khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để khai thác những tiềm năng này, tỉnh đang tiếp tục đẩy mạnh quy hoạch hạ tầng giao thông, khai thác khả năng kết nối, tạo sự liên kết giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh.
Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Lê Văn Gọi chia sẻ, nhờ có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp nên những năm gần đây trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. Trong đó, các vùng trái cây đặc sản VietGAP, GlobalGAP như: bưởi Tân Triều (huyện Vĩnh Cửu), vùng chôm chôm VietGAP Bình Lộc (TP. Long Khánh), vùng sầu riêng VietGAP (huyện Long Thành)… đang tạo được thương hiệu cho từng địa phương. Nhiều nông dân đã xây dựng vườn cây, trang trại của mình thành những điểm đến du lịch hấp dẫn, thu hút du khách khắp nơi trong cả nước, nhất là vào mùa trái cây, dịp lễ, Tết. Sự phát triển này đã góp phần tăng thu nhập cho nông dân, giúp cải thiện, nâng chất lượng cuộc sống cho người dân vùng nông thôn.
Thông qua du lịch sinh thái, kết hợp tiêu thụ nông sản địa phương_hình 1.png
Nhiều nhà vườn củng cố lại vườn cây nhằm thu hút khách du lịch.
Thảo Tâm
 
 
 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​