​Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh hiệu quả

Ngày 22/9/2022, đoàn tham quan học tập kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cá cảnh do ông Châu Thanh An, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản làm trưởng đoàn đã đến thăm, học tập một số mô hình tại huyện Củ Chi và trung tâm thành phố Hồ Chí Minh. Tham gia đoàn có đại diện Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh, đại diện cán bộ Phòng Kinh tế/Nông nghiệp các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Trảng Bom, Thống Nhất, Vĩnh Cửu, thành phố Biên Hòa, Long Khánh và một số nông hộ thuộc địa bàn.
Điểm đến đầu tiên trong chuyến tham quan là Khu Nông nghiệp công nghệ cao thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây được xem là đầu tàu dẫn dắt cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực trồng trọt và thủy sản với mục tiêu hướng tới phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp bền vững.
 
Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 1.jpg
Giới thiệu hệ thống bể nổi cho sinh sản dòng cá vàng Ranchu tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao

Đoàn công tác đã được cung cấp một số thông tin về hoạt động của Khu Nông nghiệp công nghệ cao, tham quan khu thực nghiệm và trưng bày sản phẩm, khu học tập và chuyển giao công nghệ thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao. Những năm gần đây, hoạt động nghiên cứu của nhóm thủy sản tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao chủ yếu tập trung vào nghiên cứu sản xuất, sinh sản thực nghiệm các loài cá cảnh có giá trị kinh tế được thị trường ưa chuộng như Neon đỏ, Thần tiên Ai Cập, Tỳ bà bướm, cá vàng Ranchu, Oranda, Hồng Mi…. Trung tâm cũng đã thành công trong ứng dụng mô hình ấp trứng nhân tạo và mô hình sinh học trong sản xuất giống cá Dĩa; sử dụng chỉ thị phân tử “dấu từ PIT” trong việc đánh dấu theo dõi sự phân ly kiểu hình cá chép Nhật; nuôi sinh khối Artemia chủ động nguồn thức ăn cho các loài cá cảnh. Bà Trương Thị Thuý Hằng - Phó phòng Nghiên cứu công nghệ sinh học và thuỷ sản cho biết: “Thị hiếu chơi các dòng cá cảnh cũng thay đổi theo thời gian. Trước đây những dòng cá đầu to (còn gọi là đầu lân, đầu gù) được ưa chuộng nhưng hiện nay đầu to lại bị giới chơi cá cảnh xem là lỗi thời; chẳng hạn với dòng cá vàng Ranchu, phom dáng gọn với lưng cong đều được xem là dáng chuẩn. Tuy nhiên cũng có một số biến dị dị hình thu hút người chơi như cá Hồng két là kết quả lai xa (lai tạo từ giống lai của hai loài khác nhau) với đặc điểm miệng hơi không khép kín và quặp xuống giống như mỏ con két. Xu hướng màu ngũ sắc cũng được ưa chuộng hơn”.
 
 Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 2.jpg
Cá vàng Ranchu được nghiên cứu cho sinh sản, lai tạo thành công
 
Ngoài ra, Đoàn cũng được tham quan khu sản xuất giống, khu nhà màng, khu sản xuất kêu gọi đầu tư, nuôi cấy mô đối với hoa lan, vườn ươm, hoa nền, dưa lưới, cà chua bi, nấm Trang Sinh, khu rau an toàn VietGap, khu nông nghiệp trải nghiệm. Các mô hình này cũng gợi mở cho Đoàn về những mô hình kết hợp sinh vật cảnh có giá trị như hoa lan - bon sai - cá cảnh, vừa thích hợp với phát triển nông nghiệp đô thị vừa đem lại thu nhập cao cho người dân.
    Tiếp đó, đoàn cũng đã đến thăm Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn, nơi có thể được xem là một trong số những “ông lớn” của cả nước trong lĩnh vực nuôi trồng và xuất khẩu thủy sản làm cảnh. Được thành lập năm 2013, Hợp tác xã chủ yếu tập trung sản xuất và xuất khẩu cá cảnh các loại đi các nước trên thế giới, tạo công ăn việc làm cho trên 10 xã viên trực tiếp và trên 150 hộ gia đình trong khu vực. Hợp tác xã cũng đang thực hiện các hoạt động hỗ trợ thành viên như cung cấp vật tư, giống; hỗ trợ kỹ thuật nuôi cá cảnh; nhập khẩu giống cá mới về thuần dưỡng và cung cấp cho các thành viên và hỗ trợ các thành viên tiêu thụ cá cảnh. Với diện tích gần 20 ha, Hợp tác xã còn là đầu mối cung cấp con giống và bao tiêu sản phẩm cho các hộ gia đình trong khu vực Tp. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang và tỉnh Bình Dương với sản lượng xuất khẩu bình quân khoảng trên 10 triệu con/ năm (Năm 2021, mặc dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19 nhưng Hợp tác xã đã xuất  khẩu  được 13 triệu cá cảnh, tăng 18,2% so với năm 2020). Từ những thị trường ban đầu là Mỹ, Tiệp Khắc thì nay Hợp tác xã phát triển ra nhiều thị trường rộng lớn ở châu Âu và châu Á như Singapore, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản,…
Đến thăm Hợp tác xã Sinh vật cảnh Sài Gòn, đoàn đã được ông Trịnh Ngọc Hùng dẫn tham quan các hệ thống ao, bể trong nhà và ngoài trời, khu sản xuất một số đối tượng chủ lực như cá Dĩa, Hồng mi Ấn độ, các dòng bảy màu lai tạo…., Đoàn cũng ghé thăm khu vực đóng gói hàng chuẩn bị xuất khẩu cũng như trao đổi về các biện pháp kỹ thuật và các công nghệ được ứng dụng trong sản xuất. Ông Hùng cho biết, trăn trở nhất của Hợp tác xã hiện nay chủ yếu về chi phí vận chuyển xuất khẩu. Khi dịch Covid cơ bản được khống chế trên thế giới thì cước phí vận chuyển vẫn tăng rất cao, do đó việc tính toán số lượng cá và thời gian vận chuyển hợp lý đóng vai trò rất quan trọng.
 
Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 3.jpg
Ông Trịnh Ngọc Hùng chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm với đoàn tham quan
           
Một trong số những điểm đến hấp dẫn của đoàn tham quan học tập phải kể đến khu cá cảnh quận 5, một trong những chợ đầu mối cá cảnh lâu đời nhất ở thành phố Hồ Chí Minh. Nơi đây cung cấp nhiều loại cá cảnh và các phụ kiện, thuỷ sinh đa dạng từ máy lọc, máy bơm, đèn chiếu sáng, máy sủi, phụ kiện thay thế bể cá, dụng cụ test nước, vật liệu lọc, sưởi bể cá, thức ăn, thuốc trị bệnh, sỏi, vợt... đến các loại đất nền, phân nền vi sinh, cây thủy sinh, tiểu cảnh, rong rêu, lũa gỗ…. Với khoảng hơn ba mươi cửa tiệm kinh doanh, khách hàng đến đây sẽ dễ dàng tìm được hầu hết loại cá cảnh phổ biến, từ các loại giá bình dân, truyền thống đến các dòng cá lai tạo, đột biến hay nhập khẩu như Cánh buồm, Bảy màu Koi, Neon, Hồng mi Ấn độ, Lông gà, Phi phụng đuôi đỏ, cá Đĩa, Hồng két, La hán, Khủng long bông, Sặc mã giáp…
Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 4.jpg
Một số đối tượng lai tạo hoặc nhập khẩu như Cá sặc mã giáp, cá Hồng mi, cá Lông gà được bày bán tại cửa tiệm
 
Khu chợ ra đời từ trước năm 1975, bắt đầu từ nhu cầu của chủ những trại nuôi cá từ nhiều nơi ở Sài Gòn muốn có một địa điểm bán cá tập trung, gần khu vực Chợ Lớn buôn bán sầm uất. Do đó, đây cũng là điểm tập trung buôn bán, kinh doanh và phân phối sản phẩm cá cảnh đi các tỉnh thành trong nước từ nam ra bắc. Chị Dương Tuyết Vân, một tiểu thương cung cấp cá kiểng tại chợ cho biết: “Chợ hoạt động rất sớm, từ 3 - 4 giờ sáng mỗi ngày. Tại chợ, ngoài bày bán các loại cá cảnh tiểu thương còn bán trùn chỉ, bo bo, rùa, ốc, rong, bèo, cua kiểng, cào cào, châu chấu, tép, nhái…Giá bán tại chợ cũng thường thấp hơn so với trong các tiệm cá cảnh”. Cá cảnh được tiểu thương cho vào túi nilon rồi đặt ngay trên lề phố.  Giá cả mỗi túi khác nhau tùy kích cỡ và độ đẹp, xấu của cá.
Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 5.jpg

 Tham quan, học tập mô hình sản xuất kinh doanh cá cảnh_hình 6.jpg
Một số cửa tiệm kinh doanh tại chợ
 
Ngày nay, chất lượng cuộc sống luôn được đặt lên hàng đầu, trong đó tiêu chí giải trí, thư giãn sau những giờ lao động vất vả được đặc biệt quan tâm. Ngắm bể cá cảnh với ánh sáng dịu nhẹ, tĩnh động đan xen sẽ giúp chúng ta phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần nhanh chóng. Do đó, nghề sản xuất cá cảnh ở TPHCM đã có cơ hội phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn trong nhiều năm gần đây. Đây cũng là một lĩnh vực nông nghiệp đô thị đem lại lợi nhuận tốt, đặc biệt Đồng Nai có lợi thế giáp ranh với Thành phố Hồ Chí Minh, một trong những cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của đất nước. Sau chuyến tiếp cận đầu tiên những mô hình sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm cá cảnh tại đầu tàu của cả nước ở lĩnh vực này, hy vọng trong tương lai tỉnh nhà sẽ phát triển hệ thống sản xuất, cung ứng và dịch vụ về cá cảnh, hình thành và phát triển các vùng sản xuất, tổ hợp tác, hợp tác xã, mạng lưới sản xuất cá cảnh hoạt động hiệu quả.
Nguyễn Thị Ngọc Uyên – CC. TS
 
 

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​