​Tăng cường biện pháp quản lý Thủy sản nuôi vào thời điểm giao mùa

Thời tiết hiện đang trong cao điểm mùa khô năm 2022, tuy nhiên gần đây tại TP.Biên Hòa và một số địa phương trong tỉnh liên tục xuất hiện các cơn mưa trái mùa. Theo Đài Khí tượng thủy văn Đồng Nai, do ảnh hưởng của hiện tượng La Nina khiến mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn. Năm nay, mùa mưa dự báo có khả năng đến sớm hơn so với mọi năm.
Trong lĩnh vực thủy sản, tôm, cá thuộc nhóm động vật biến nhiệt (thân nhiệt cơ thể phụ thuộc và thay đổi vào nhiệt độ của môi trường sống). Do vậy khi gặp điều kiện thời tiết thay đổi đặc biệt vào thời điểm giao mùa giữa mùa nắng sang mùa mưa, dịch bệnh trên tôm, cá nuôi thường có nguy cơ bùng phát. Do nắng nóng sẽ đi kèm các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá đồng thời làm thay đổi đột ngột các yếu tố môi trường nước như nhiệt độ, ôxy hòa tan, pH, độ mặn…. làm giảm sức đề kháng trong cơ thể tôm cá nuôi, khiến tôm, cá nuôi có nguy cơ bị các vi khuẩn, virus thường trực trong nước tấn công gây bệnh. Bên cạnh đó, khi nhiệt độ môi trường không khí và môi trường nước lên cao, lượng oxy hòa tan vào nước sẽ thấp, lượng thức ăn sau khi tiêu hóa được tôm cá thải ra, gặp nhiệt độ cao quá trình phân hủy sẽ xảy ra nhanh, tiêu tốn nhiều ôxy dẫn đến các hiện tượng thiếu oxy trong nước.
Nhằm hạn chế những tác động xấu do biến động thời tiết giai đoạn đầu mùa mưa, bà con nuôi cá, tôm cần áp dụng các biện pháp quản lý thích hợp để ổn định môi trường nuôi và nâng cao sức đề kháng cho đối tượng nuôi nhất là vào thời điểm hiện nay.
Quản lý các yếu tố môi trường nuôi
Thường xuyên kiểm tra pH trước và sau khi mưa để điều chỉnh kịp thời. Duy trì pH ở mức thích hợp từ 7,5 - 8,5 (tôm) và 6,5- 8,0 (cá), dao động giữa sáng và chiều không quá 0,5 đơn vị. Nếu pH thấp, bà con sử dụng vôi nông nghiệp CaCO3, liều lượng từ 10 - 15 kg/1000m3. Ngoài ra, bà con nên sử dụng vôi nông nghiệp xung quanh bờ ao trước khi mưa với lượng khoảng 10 - 15kg/ha; hoặc treo túi vôi (CaCO3 2 – 5 kg/túi) đầu bè để khử trùng bè nuôi, giúp tránh giảm pH đột ngột sau khi mưa. Có thể sử dụng các loại chế phẩm sinh học để phân hủy mùn bã hữu cơ, tăng cường ô xy, ổn định pH cho ao nuôi.  
Mùa mưa là thời điểm độ kiềm trong ao tụt giảm làm ảnh hưởng đến quá trình lột xác của tôm, làm tôm chậm lớn, giảm tỷ lệ sống hay thường gặp hiện tượng tôm bị mềm vỏ kéo dài do độ kiềm dưới mức thích hợp. Độ kiềm thích hợp cho tôm nuôi từ 80 -160 mg/l. Có thể sử dụng vôi Dolomite liều lượng 20 - 30 kg/1000m3 để tăng độ kiềm.
Tăng cường oxy hòa tan trong môi trường nuôi, khuyến cáo bà con chủ động trang bị và sử dụng quạt nước, sục khí vừa giảm hiện tượng phân tầng nhiệt độ trong môi trường nuôi. Đối với người dân nuôi thủy sản trên bè lưu ý không đặt bè nuôi gần những vị trí nhạy cảm (những nơi tiếp nhận nước thải của các cơ sở sản xuất, dịch vụ, nuớc thải sinh hoạt....); những nơi có dòng chảy yếu hay khu vực cấm đậu bè gần các cống xả thải; bè neo đậu theo quy định, bảo đảm dòng chảy thông thoáng. Đối với các hộ nuôi tôm, cá trong ao, thường xuyên kiểm tra bờ, cống ao tránh rò rỉ mất nước, cấp nước bổ sung cho ao nuôi. Gia cố bờ ao chắc chắn, sên vét đầm nuôi, duy trì mức nước trong ao tối thiểu từ 1,5-2m để tăng khả năng ổn định nhiệt độ nước trong ao nuôi thủy sản. Đối với những ao đang nuôi, hạn chế việc cấp nước, chỉ xả bớt nước mặt khi trời mưa to.
Tăng cường biện pháp quản lý Thủy sản nuôi vào thời điểm giao mùa_hình 1.jpg
Sử dụng lưới che để giảm bớt nhiệt độ từ ánh sáng mặt trời chiếu xuống ao nuôi
 
 Tăng cường biện pháp quản lý Thủy sản nuôi vào thời điểm giao mùa_hình 2.jpg
Sử dụng quạt nước tăng cường lượng 0xy hòa tan cho cá tôm
 
Quản lý con giống
Tuân thủ đúng lịch thời vụ đã khuyến cáo, đối với ao nuôi tôm thâm canh, trong mùa mưa chủ yếu là cải tạo ướt, khó tiêu diệt hết mầm bệnh tồn lưu trong đất, nước, vì thế khuyến cáo chỉ thả nuôi 1 vụ đối với tôm sú, 2 vụ đối với tôm thẻ chân trắng vào mùa nắng, thời gian còn lại có thể thả nuôi một số đối tượng thủy sản khác… nhằm cải thiện lại chất lượng đất, nước cho vụ nuôi tiếp theo.
Con giống thả nuôi cần chọn đúng tiêu chuẩn, bảo đảm chất lượng tốt, không mua giống trôi nổi, không rõ nguồn giống.
 Tăng cường biện pháp quản lý Thủy sản nuôi vào thời điểm giao mùa_hình 3.jpg
Kiểm tra hình thái, ngoại quan, hoạt động của con giống trước khi mua
Quản lý thức ăn và chăm sóc
Cho cá ăn vào sáng sớm và chiều mát, tuy nhiên tránh không cho cá ăn vào ban đêm. Giảm lượng thức ăn cho cá ăn vào những ngày nắng nóng trên 350C và tạm ngừng cho cá ăn ở những thời điểm môi trường nước trên 39-400C; Đối với tôm nuôi, khuyến cáo người nuôi giảm 15 - 30% lượng thức ăn khi thời tiết thay đổi đột ngột; định kỳ bổ sung vitamin, khoáng vi lượng, men tiêu hóa vào thức ăn cho tôm, mỗi đợt 5 - 7 ngày để tăng sức đề kháng, giúp tôm lột xác đồng loạt và nhanh cứng vỏ.
Thường xuyên theo dõi tình trạng sức khỏe, tốc độ sinh trưởng, hoạt động, hình dáng bên ngoài của tôm cá nuôi; định kỳ bổ sung các loại các loại chế phẩm vi sinh để xử lý nước và đáy ao, ổn định lượng vi sinh có lợi trong ao nuôi.  Theo dõi, san thưa mật độ nuôi hợp lý theo từng giai đoạn và đối tượng nuôi; thu hoạch cá, tôm khi đạt kích cỡ thương phẩm.
Ngọc Uyên – Chi cục Thủy sản
 
 

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​