​Phát triển kinh tế rừng bền vững

Đồng Nai là tỉnh có tỉ lệ che phủ rừng lớn nhất vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Năm 2021, kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhưng kinh tế lâm nghiệp của tỉnh vẫn duy trì tốc độ phát triển tích cực, khai thác rừng đạt trên 3 ngàn ha; kim ngạch xuất khẩu gỗ đạt trên 1,86 tỉ USD, tăng 10,8% so với năm 2020.
Với diện tích trên 73,2 ngàn ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất, tỉnh có tiềm năng rất lớn phát triển kinh tế dưới tán rừng nhưng thực tế vẫn chưa thật sự được khai thác hiệu quả. Ngành lâm nghiệp tỉnh đang tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng nhằm mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.
Còn nhiều hạn chế
Theo báo cáo của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, tổng diện tích rừng của Đồng Nai là 172,7 ngàn ha, gồm 123,7 ngàn ha rừng tự nhiên, 49 ngàn ha rừng trồng. Theo quy hoạch chia làm 3 loại rừng gồm: rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất. Trong đó, tỉnh vẫn đang thực hiện chủ trương đóng tất cả các loại rừng tự nhiên. Riêng với hơn 73,2 ngàn ha rừng phòng hộ và rừng sản xuất có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế dưới tán rừng. Thời gian qua, một số mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng đã được người dân triển khai như: trồng cây dược liệu như vối, đinh lăng, bạc hà, nghệ vàng dưới tán rừng. Tuy nhiên, hiệu quả kinh tế chưa đạt như mong đợi.
Thời gian gần đây, Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa Đồng Nai đã đăng ký với Sở Khoa học công nghệ thực hiện đề tài “Xây dựng mô hình trồng thử nghiệm cây mật nhân”. Đề tài đã được xét duyệt thông qua, đơn vị đang triển khai thực hiện, dự kiến đến cuối năm 2025 sẽ hoàn thành.
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp H. Xuân Lộc đã tổ chức trồng thí điểm 3 mô hình bước đầu cho kết quả tốt như: trồng điều và cây dược liệu như quế, bình vôi, đinh lăng, sả kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp như Sao, Dầu; trồng điều, rau rừng kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp và mô hình trồng điều, chuối rừng kết hợp trồng bổ sung cây lâm nghiệp.  
Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng vẫn chưa thu hút được chủ rừng và người trồng rừng quan tâm do còn nhiều khó khăn như: chưa có mô hình phù hợp với điều kiện cây trồng tại địa phương; thiếu nguồn nước tưới; chi phí đầu tư để sản xuất cao, đầu ra của sản phẩm chưa ổn định…
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ H. Xuân Lộc cho biết, toàn huyện có hơn 10 ngàn ha đất rừng và đất lâm nghiệp, chủ yếu là rừng trồng. Trong đó, hơn 4,7 ngàn ha rừng keo lai giao khoán cho hơn 2,2 ngàn hộ gia đình trên địa bàn H. Xuân Lộc. Giá trị kinh tế thu trên diện tích đất rừng thời gian qua còn thấp, bình quân chỉ thu được khoảng 20-25 triệu đồng/ha/năm. Đây là bài toán nan giải mà nhiều năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Xuân Lộc đã tích cực tìm kiếm, áp dụng nhiều mô hình nhằm vừa đảm bảo đúng mục đích sử dụng đất, đảm bảo vấn đề môi trường vừa tăng nguồn thu, ổn định cuộc sống cho người trồng rừng nhưng chưa mang lại kết quả như mong muốn.
Thu hút doanh nghiệp tham gia
Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc và Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (tỉnh Đồng Tháp) vừa tổ chức Lễ ký kết hợp đồng hợp tác trồng nấm thảo dược dưới tán rừng. Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS sẽ hợp tác với Ban Quản lý rừng phòng hộ Xuân Lộc triển khai đầu tư dự án trồng nấm linh chi dưới tán rừng keo lai với quy mô ban đầu khoảng 230ha. Sau khi triển khai dự án có hiệu quả sẽ tiếp tục mở rộng quy mô ra các hộ dân nhận khoán trồng rừng trên địa bàn huyện. Các hộ dân tham gia chương trình sẽ được doanh nghiệp hỗ trợ về giống nấm, chuyển giao kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm…
Ông Hoàng Đình Long, Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ H.Xuân Lộc chia sẻ, kết quả trồng thử nghiệm nấm linh chi dưới tán rừng tại địa phương bước đầu cho thấy rất hiệu quả như: phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tại địa phương; tận dụng nguồn đất rừng trồng vốn có; chi phí đầu tư thấp nhưng tạo ra sản phẩm có giá trị cao cho thị trường; tăng thêm nguồn thu cho người trồng rừng, giảm chi phí chăm sóc rừng, tạo việc làm cho lao động tại chỗ…Dự kiến, doanh thu từ nấm linh chi trồng dưới tán rừng trong 8 tháng đạt khoảng 200 triệu đồng/ha, lợi nhuận 70 triệu đồng/ha, giải được bài toán sinh kế cho người trồng rừng và mang lại nhiều lợi ích thiết thực về kinh tế, môi trường, giúp công tác quản lý, phát triển rừng bền vững hơn.
Ông Trần Thanh Sang, Tổng giám đốc Công ty TNHH Lâm nông nghiệp vi sinh VOS HARVEST (H. Xuân Lộc) và Giám đốc Phát triển Dự án của Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS cho hay, doanh nghiệp nhận thấy rừng trồng ở Việt Nam, cụ thể là với cây keo lai gọi là cây xóa đói giảm nghèo nên có tình trạng trồng đến năm thứ 5 là đã khai thác. Khi khai thác cây rừng trồng quá sớm, cây rừng bán theo dạng củi thường có giá khá thấp nhưng để lại đến năm thứ 8 mới khai thác, bán với giá gỗ khối sẽ tăng lên gấp 3 lần. Ý nghĩa lớn nhất của mô hình trồng linh chi dưới tán rừng giúp người trồng rừng có thêm thu nhập để giữ rừng lâu năm hơn. Doanh nghiệp đã triển khai mô hình này ở nhiều tỉnh thành và đạt hiệu quả tốt. Nấm linh chi trồng dưới tán rừng được cấy trên cây keo lai cho năng suất hơn hẳn so với cách trồng truyền thống; đặc biệt nấm linh chi trồng dưới tán rừng của doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận cho ra dược liệu cao hơn từ 1,5-2 lần so với nấm linh chi cùng loại ở một số nước trên thế giới. Nấm linh chi trồng dưới tán rừng được doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu đi Nhật Bản. Mục tiêu của dự án là sẽ mở rộng cho người dân trồng rừng. Doanh nghiệp sẽ cung cấp nguồn giống, chuyển giao kỹ thuật, công nghệ trồng và bao tiêu sản phẩm cho người trồng.  
Phát triển kinh tế rừng bền vững_Hình 1.JPG
​Phát triển kinh tế rừng bền vững_Hình 2.JPG
 Rừng Mã Đà, H.Vĩnh Cửu thu hút nhiều du khách về nguồn
Bình Nguyên

1.Phó giám đốc Sở NN-PTNT Lê Văn Gọi:
Kỳ vọng phát triển kinh tế lâm nghiệp lên tầm cao mới
Đồng Nai có hơn 100 ngàn ha rừng, đây là tiềm năng phát triển rất lớn nhưng đến nay chưa được khai thác hiệu quả. Trong những năm qua, quan điểm của tỉnh là bảo vệ và phát triển vốn rừng. Trên thực tế Đồng Nai đã làm tốt công tác này với tỉ lệ che phủ rừng toàn tỉnh đạt gần 29,3%, là tỉnh có tỷ lệ che phủ rừng lớn nhất vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Muốn bảo vệ và phát triển rừng bền vững hơn thì kinh tế lâm nghiệp phải được xem trọng; rừng phải sinh ra tiền, tạo ra sản phẩm cho xã hội.
Lâu nay, chúng ta đã làm được nhiệm vụ bảo vệ nguồn nước của rừng, chức năng hấp thu khí thải carbon của rừng và chức năng cung cấp gỗ và lâm sản. Tuy nhiên, tiềm năng rất lớn là phát triển kinh tế dưới tán rừng còn bị bỏ ngõ dù nhiều hộ dân đã trồng cây dược liệu dưới tán rừng nhưng vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ, hiệu quả chưa cao. Người làm nghề rừng vẫn còn lúng túng trong tìm ra giải pháp phát triển kinh tế rừng. Mô hình dùng cây gỗ keo lai sạch để trồng nấm linh chi là một giải pháp đa dạng hoá sản phẩm về rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển rừng bền vững. Đề nghị chính quyền địa phương hỗ trợ hết lòng để dự án hợp tác được thuận lợi.  
2. TS. Lê Hoàng Thế, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH hệ sinh thái THE VOS (tỉnh Đồng Tháp):
Mong muốn tạo sinh kế cho người trồng rừng
VOS là hệ sinh thái doanh nghiệp trẻ mang tính chất chia sẻ và hợp tác cùng có lợi hình trong lĩnh vực lâm, nông nghiệp vi sinh, là ngành mới ở Việt Nam, kết hợp các công tác nghiên cứu khoa học tại phòng thí nghiệm ra đến thực tế sản xuất và đoạn cuối là tiêu thụ. Hệ sinh thái VOS ứng dụng công nghệ cao theo hướng xây dựng chuỗi giá trị cho sản phẩm từ thổ nhưỡng, cây giống đến người tiêu dùng. Hệ sinh thái có sự góp mặt của các nhà khoa học, doanh nhân là người Việt Nam đang sinh sống và định cư ở nhiều nước trên thế giới. Doanh nghiệp cũng hợp tác với nhiều viện nghiên cứu, trường đại học ở Việt Nam với mục tiêu tạo sự thay đổi cho ngành nông nghiệp tiến tới thực hiện công nghệ số, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.  
Riêng mô hình trồng thảo dược nấm linh chi dưới tán rừng, chúng tôi mong muốn góp phần thực hiện công tác bảo tồn đồng thời tạo ra sản phẩm mang lại sức khỏe cho người dân. Trong đó, điều mong muốn nhất của doanh nghiệp là người nông dân, người trồng rừng sẽ có thu hoạch ít nhất 200 triệu đồng/ha/năm. Về lâu dài, mong muốn của doanh nghiệp là Việt Nam không còn là nước chủ yếu xuất khẩu gỗ băm mà hướng đến phát triển mô hình trồng rừng gỗ lớn, xuất khẩu gỗ có giá trị cao.
 


Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​