Hội thảo Đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng

​Ngày 14/01/2022, Tổng cục Lâm nghiệp tổ chức Hội thảo trực tuyến với 19 tỉnh thành trong cả nước về Đánh giá kết quả thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững (Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1288/QĐ-TTg ngày 01/10/2018). Ông Bùi Chính Nghĩa - Phó Tổng cục Trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì Hội thảo tại điểm cầu Hà Nội.
 Hội thảo Đánh giá kết quả 03 năm thực hiện Đề án quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng_hình 1.jpg
Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Đồng Nai có ông Lê Văn Gọi- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT và đại diện các phòng, đơn vị thuộc sở.
Đề án đã xác định các mục tiêu, định hướng thực hiện cụ thể như sau: (1) về mục tiêu, đó là: Quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái và các giá trị dịch vụ môi trường rừng; thúc đẩy cấp chứng chỉ rừng ở Việt Nam nhằm đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước và thế giới về nguồn gốc gỗ hợp pháp; Tạo nguồn nguyên liệu gỗ rừng trồng trong các khu rừng thực hiện quản lý rừng bền vững, đáp ứng tối thiểu khoảng 80% cho nhu cầu sản xuất sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu; Nâng cao giá trị gỗ rừng trồng, góp phần xóa đói giảm nghèo đối với người làm nghề rừng và nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Lâm nghiệp; (2) Về định hướng, gồm: Toàn bộ các ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp hiện đang quản lý 7.216.889 ha rừng hoàn thành việc xây dựng và thực hiện phương án quản lý rừng bền vững; Công nhận nhiều loại chứng chỉ rừng hợp pháp của các tổ chức chứng chỉ rừng thế giới trong hoạt động đánh giá và cấp chứng chỉ rừng tại Việt Nam; Hình thành được tổ chức trong nước đáp ứng yêu cầu về chuyên môn để cấp chứng chỉ rừng theo quy định của Việt Nam và của các tổ chức chứng chỉ rừng thế giới; Duy trì toàn bộ diện tích rừng hiện đã được cấp chứng chỉ là 235.000 ha; Giai đoạn từ năm 2018 – 2020, xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 300.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ; giai đoạn từ năm 2020 - 2030; xây dựng và tổ chức cấp chứng chỉ rừng cho 1.000.000 ha rừng trồng sản xuất, phòng hộ của các tổ chức, hộ gia đình và ban quản lý rừng phòng hộ.
Nhằm thực hiện và hoàn thành các mục tiêu, định hướng đề án xác định 05 nhóm nhiệm vụ cụ, thể: (1) Xây dựng văn bản pháp luật, tài liệu hướng dẫn thực hiện quản lý rừng bền vững;  (2)Xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; (3)Xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững hướng tới cấp chứng chỉ rừng tại một số địa phương;  (4) Đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực, tuyên truyền quản lý bảo vệ rừng và Chứng chỉ rừng; (5)Thiết lập hệ thống chứng chỉ rừng quốc gia.
Dự kiến, nguồn kinh phí bố trí thực hiện đề án khoảng 1.269 tỷ đồng, trong đó nguồn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 301 tỷ đồng (chiếm khoảng 23,7%) để hỗ trợ cấp chứng chỉ rừng hỗ trợ đóng niêm liễm cho tổ chức chứng chỉ rừng quốc tế trong 02 năm đầu hợp tác; nguồn huy động từ các chủ rừng và xã hội hóa khoảng 968 tỷ đồng.
Theo báo cáo của Ban tổ chức Hội thảo, sau 3 năm triển khai thực hiện Đề án đã đạt được một số kết quả quan trọng như sau: (1) về xây dựng văn bản, pháp luật, tài liệu: đã ban hành 01 Thông tư; 6 quyết định và các tài liệu về quản lý rừng, chứng chỉ rừng; (2) về tập huấn: đã tổ chức 12 lớp tập huấn cho 700 cán bộ quản lý và 14 lớp tập huấn cho 560 đơn vị chủ rừng về xây dựng phương án rừng bền vững; tổ chức 03 lớp đào tạo chuyên gia, tiểu giáo viên cho 180 người; 01 lớp tập huấn phát triển tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững  cho 50 người; 03 lớp tập huấn nâng cao nhận thức, năng lực chủ rừng và doanh nghiệp cho 180 người và 02 hội thảo giới thiệu về Hệ thống VFCS/PEFC, đồng thời in ấn  1000 cuốn sổ tay; 1000 tờ rơi, v.v…(3) Về xây dựng phương án quản lý rừng bên vững: đến nay 3.935.372 ha rừng các loại có phương án quản lý rừng bền vững, chiếm 47,8% tổng diện tích rừng của các đơn vị chủ rừng; (4) về xây dựng mô hình quản lý rừng bền vững và Chứng chỉ rừng, kết quả đạt được, gồm: nhóm hộ/ hợp tác xã có 2072 ha đạt chứng chỉ FSC; công ty Lâm nghiệp: 4084 ha đạt chứng chỉ FSC; tập đoàn cao su Việt Nam có 70.013 ha đạt chứng chỉ PEFC/VFCS và 22 nhà máy chế biến mủ đạt chứng chỉ PEFC CoC; mô hình liên kết hộ gia định với doanh nghiệp 1568 ha chứng chỉ PEFC/VFCS. Kết quả câp chứng chỉ rừng bền vững đến hết năm 2021, đã cấp 56 chứng chỉ FSC với tổng diện tích là 258.526 ha; đã cấp 14 chứng chỉ PEFC/VFCS với tổng diện tích là 71.581 ha.
Lãnh đạo sở Nông nghiệp và PTNT dự hội thảo tại điểm cầu Đồng Nai_hình 2.jpg
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT và các đại biểu dự Hội thảo tại điểm cầu Đồng Nai

Tại Đồng Nai, sau 03 năm triển khai thực hiện đề án đã đạt được một số kết quả quan trọng như: (1) Về xây dựng phương án quản lý rừng bền vững, đã có 5/6 đơn vị chủ rừng do địa phương quản lý được UBND tỉnh phê duyệt phương án với tổng diện tích 136.842ha rừng các loại; có 3/4 đơn vị chủ rừng được Tổng cục Lâm nghiệp và cơ quan cấp trên phê duyệt phương án với diện tích 64.844 ha (Vườn Quốc gia Cát Tiên 39.544 ha; Công ty TNHH Lâm nghiệp La Ngà 24.485 ha; Công ty cổ phần giống lâm nghiệp vùng Nam 815 ha); (2) về cấp chứng chỉ rừng bền vững, đã có 7.737 ha rừng sản xuất được cấp chứng chỉ FSC và khoảng 3.263 ha rừng trồng đang triển khai thực hiện nhưng chưa có kết quả đánh giá.
Tại Hội thảo, các đại biểu tham dự đã tập trung thảo luận về những mặt còn tồn tại hạn chế trong quá trình thực hiện đề án, gồm: Đến nay vẫn còn nhiều diện tích rừng của các tổ chức chưa được xây dựng phuong án quản lý rừng bền vững; còn khoảng 3 triệu ha rừng do UBND các xã quản lý không phải là chủ rừng để xây dựng phương án quản lý rừng bền vững; việc triển khai  phương án quản lý rừng bền vững sau khi được phê duyệt gặp khó khăn do năng lực và nguồn kinh phí của chủ rừng còn hạn chế; công tác đánh giá, giám sát thực hiện phương án quản lý rừng bền vững chưa được quan tâm; phần lớn diện tích rừng của các chủ rừng nhỏ chưa được cấp chứng chỉ; thiếu dự kết nối chủ rừng với doanh nghiệp có nhu cầu nguyên liệu có chứng chỉ; diện tích cấp chứng chỉ nhỏ lẻ, manh mún làm cho chi phí thực hiện cao. Kết luận Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Bùi Chính Nghĩa đề nghị các địa phương và đơn vị có liên quan trong thời gian tới cần tập trung thực hiện các nội dung: tập trung nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ để không phụ thuộc vào các đơn vị tư vấn trong quá trình triển khai thực hiện; việc xây dựng phương án quản lý rừng bền vững phải đảm bảo tính khả thi, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị; Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu về quản lý rừng bền vững; các địa phương tổ chức lại sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị; trong thời gian tới Tổng cục Lâm nghiệp sẽ tham mưu Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển Lâm nghiệp bền vững nhằm hỗ trợ sau đầu tư về cấp chứng chỉ rừng bền vững.
Nguyễn Văn Đều- Phòng Kế hoạch-Tài chính

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​