Chủ động giám sát lưu hành mầm bệnh trên cá giống năm 2021 Để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nuôi, đồng thời khuyến cáo người nuôi trồng và kinh doanh thủy sản giống

Để chủ động phòng bệnh, chủ động giám sát phát hiện và khống chế kịp thời một số bệnh nguy hiểm trên các đối tượng thủy sản nuôi, đồng thời khuyến cáo người nuôi trồng và kinh doanh thủy sản giống các loại dịch bệnh truyền nhiễm, các bệnh mới nổi nguy hiểm trên thủy sản, nhất là thủy sản sử dụng làm giống lưu thông trong tỉnh, cần có nguồn gốc rõ ràng, được xét nghiệm âm tính với các tác nhân gây bệnh nguy hiểm. Hằng năm Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Đồng Nai triển khai giám sát lưu hành mầm bệnh trên cá giống trên địa bàn tỉnh.
Năm 2021 Chi cục Chăn nuôi và Thú y tiếp tục triển khai giám sát lưu hành mầm bệnh trên cá giống ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống trên địa bàn tỉnh. Tổng số mẫu cá giống (cá nguyên con) được thu tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống từ ngày 21/10/2021 đến ngày 29/10/2021 là 20/20 mẫu gộp ở 21 cơ sở trên địa bàn 13 phường/xã thuộc 07 huyện, thành phố, hoàn thành  kế hoạch đề ra. Thu mẫu gộp/cơ sở trên cá chép và cá rô phi để xét nghiệm các chỉ tiêu: KHV (Koi herpesvirus), SVCV (Spring viraemia of carp virus), TiLV (Tilapia lake virus) và các vi khuẩn Streptococcus spp, Pseudomonas fluorescens và Aeromonas hydrophila.
Căn cứ các kết quả xét nghiệm số: 21-6694, 21-6695, 21-6696, 21-6710/TYV6-TH ngày 02/11/2021; kết quả xét nghiệm số: 21-6757, 21-6758/TYV6-TH ngày 04/11/2021 của Chi cục Thú y vùng VI  có:
+ 20/20 mẫu cá của 21 cơ sở không phát hiện mầm bệnh trên cá chép, 15/20 mẫu cá của 16 cơ sở không phát hiện mầm bệnh trên cá rô phi;
+ 05/20 mẫu cá của 05 cơ sở phát hiện mầm bệnh trên cá rô phi, trong đó: 02 mẫu cá của 02 cơ sở trên địa bàn huyện Trảng Bom, Cẩm Mỹ có kết quả dương tính với vi khuẩn Aeromonas hydrophila và có kết quả nhạy cảm với kháng sinh Oxytetracyclin, Doxycycline, Florfenicol và Erythromycin; 03 mẫu cá rô phi của 03 cơ sở trên địa bàn thành phố Biên Hòa có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh TiLV (Tilapia lake virus).
Bệnh TiLV (Tilapia lake virus) do vi rút TiLV gây bệnh ở các loài cá rô phi nuôi, gồm: Cá rô phi vằn (Nile tilapia, Oreochromis niloticus), cá rô phi lai tạo (O. niloticus × O. aureus hybrids) và cá rô phi đỏ/cá diêu hồng (Oreochromis sp.) gây tỷ lệ chết cao trong đàn cá nuôi (tỷ lệ chết trong các ổ dịch tự nhiên từ 09-90%), bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu tập trung ở cá giống (cá con). Đây là bệnh nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh thành dịch và gây thiệt hại lớn cho các hộ nuôi xung quanh và khu vực phụ cận. Phòng Phòng Chống dịch đã báo cáo cho Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Đồng Nai về kết quả giám sát trên, phối hợp UBND phường Tam Hiệp kiểm tra thực tế các cơ sở sản xuất, kinh doanh cá giống có kết quả xét nghiệm lưu hành mầm bệnh dương tính với bệnh TiLV (Tilapia lake virus) trên cá rô phi. Kết quả kiểm tra thực tế: đàn cá giống tại Trại cá giống Bùi Hiệp khỏe mạnh bình thường không có dấu hiệu mắc bệnh, Trại cá giống Mười Thạnh và Nguyễn Thị Thu Trang thì ao cá có mẫu dương tính đã xuất bán và không có dấu hiệu mắc bệnh.
Để triển khai hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch quy định tại Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT ngày 10/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Quy định về phòng, chống dịch bệnh động vật thủy sản và công văn số 1357/TY-TS ngày 17/7/2017 của Cục thú y về việc hướng dẫn phòng, chống bệnh do TiLV trên cá rô phi, khuyến cáo các cơ sở nuôi trồng kinh doanh cá giống:
+ Chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh thủy sản; trong điều trị bệnh xuất huyết ở cá rô phi do vi khuẩn Aeromonas hydrophila có thể khuyến cáo sử dụng kháng sinh: Doxycycline, Florfenicol, Oxytetracyclin và Erythromycin.
+ Nếu có hiện tượng cá rô phi chết nhiều bất thường, phải báo ngay cho cơ quan thú y nơi gần nhất để triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống;
+ Tuyệt đối không vận chuyển cá rô phi sống từ các ao nuôi có lưu hành vi rút sang các ao/vùng nuôi khác để hạn chế mầm bệnh lây lan;
+ Không vứt cá chết, cá bệnh, xả thải nước ao nuôi có lưu hành vi rút nhưng chưa qua xử lý ra ngoài môi trường làm lây lan dịch bệnh; xử lý cá chết và chất thải theo hướng dẫn tại Phụ lục VI Thông tư số 04/2016/TT-BNNPTNT;
+ Cá rô phi giống trước khi thả nuôi cần được lấy mẫu gửi phòng thử nghiệm có đủ năng lực để xét nghiệm sàng lọc đối với mầm bệnh TiLV;
+ Áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, tăng cường quản lý ao nuôi để hạn chế mầm bệnh lây lan qua dụng cụ, phương tiện và con người (sử dụng các biện pháp vệ sinh, tiêu độc sát trùng).
+ Chủ động phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y trong công tác điều tra, giám sát dịch bệnh, kịp thời phát hiện và cảnh báo sớm các nguy cơ, chủ động ứng phó với các bệnh dịch trên động vật thủy sản, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra. Đồng thời, thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo dịch bệnh theo quy định của Pháp luật về Thú y.
Nguyễn Thị Pha My - CC. CN&TY

Các tin khác

Liên kết website

Số lượt truy cập

TRANG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH ĐỒNG NAI

Cơ quan chủ quản: ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Trần Đình Minh - Phó Giám đốc Sở Phụ trách Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai 
Địa chỉ: 518, Đường Đồng Khởi, Khu phố 3, Phường Tân Hiệp, TP Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Điện thoại: 0251. 3822970 - Fax: 0251. 3827393 Email: vbsnnptnt@dongnai.gov.vn
Bộ phận một cửa giải quyết TTHC: 0251. 8823248
Bản quyền thuộc về Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai
® Ghi rõ nguồn " Sở Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn tỉnh Đồng Nai " khi bạn phát hành lại thông tin từ website này.​